pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngôi làng đặc biệt nhất thế giới: Toàn bộ cư dân đều là người cao tuổi, sống thảnh thơi bên nhau dù quên mất quá khứ
Lớp học vẽ tranh dành riêng cho những cụ ông, cụ bà bị sa sút trí tuệ
Đối với Jannette Spiering, cố vấn quản lý kiêm người đồng sáng lập The Hogeweyk, cụm từ "làng sa sút trí tuệ" mà các hãng truyền thông đặt ra không phù hợp với ngôi làng của cô. Thay vào đó, cô thích gọi nơi này là xóm giềng vì nó lột tả được hết tầm nhìn và mục tiêu của ngôi làng: mang lại cuộc sống bình thường cho những người bị mắc chứng sa sút trí tuệ .
Cụ thể, thay vì một cơ sở khép kín giống như bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, The Hogeweyk lại được mô phỏng theo cấu trúc của một ngôi làng bình thường với siêu thị, quán rượu, nhà hát và công viên. Nó cung cấp một môi trường quen thuộc và an toàn, đảm bảo những người mắc bệnh vẫn có thể giữ được bản sắc và quyền tự chủ cuộc sống của riêng họ.
Ngôi làng hiện có tổng 27 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà là nơi sinh sống của 7 cư dân, và hầu hết họ đều mắc chứng sa sút trí tuệ nghiêm trọng. Bên cạnh những cư dân đặc biệt, ngôi nhà còn được điều hành bởi các nhân viên của cơ sở, bao gồm chuyên gia chăm sóc sức khỏe và tình nguyện viên.
Mỗi ngày, các cư dân của ngôi làng có thể tự do đi đến bất cứ nơi nào họ muốn trong khu phố mà không cần phải chịu sự giám sát của những người chăm sóc. Du khách từ các địa phương bên ngoài cũng được chào đón ở đây.
Kể từ khi The Hogeweyk mở cửa, một số dự án khác với tầm nhìn tương tự cũng đã được thành lập, tuy nhiên, số lượng vẫn còn quá ít ỏi. "Chúng tôi đã cô đơn trong một thời gian dài. Sự chuyển đổi diễn ra chậm chạp, vậy nên các viện dưỡng lão truyền thống vẫn sẽ tiếp tục thống trị trong công cuộc chăm sóc người bệnh mất trí nhớ", Spiering cho hay.
Trên thực tế, tầm nhìn về cách hỗ trợ cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ đã được "y tế hoá" suốt thời gian dài, vậy nên rất khó để thay đổi tư duy của mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng những người mất trí nhớ vẫn là những cá nhân, họ có mong muốn và nhu cầu, có những thứ thích và không thích. Vì vậy, cuộc sống của họ không nên bị điều khiển bởi việc chẩn đoán y tế.
Le Village Landais là một ngôi làng tại Pháp có phương pháp tiếp cận tương tự như The Hogeweyk. Tại đây, mọi người không chỉ được nhìn nhận thông qua lăng kính bệnh tật, mà "mọi người có thể sống như thể họ đang ở nhà của mình, đến và đi tuỳ ý", theo giám đốc dự án Mathilde Charon Burnel.
Spiring cùng các đồng nghiệp của mình đã nảy ra ý tưởng này vì họ không hài lòng với mô hình viện dưỡng lão truyền thống. Khoảng ba mươi năm trước, họ đã tự hỏi rằng: Bạn muốn được sóng như thế nào nếu bị chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ?
Đáp án rất đơn giản: "Bạn muốn tiếp tục cuộc sống của mình, muốn sống lâu nhất có thể. Bạn muốn được người khác xem là một cá nhân, không bị nhốt trong nhà hoặc hạn chế quyền tự do".
Từ đó, The Hogeweyk đã ra đời, cung cấp sự hỗ trợ và an ninh cần thiết nhưng không giới hạn tự do của người bệnh. Các toà nhà và vật thể trong ngôi làng đều được bố trí một cách có chủ đích để hỗ trợ tốt nhất nhu cầu những người bị suy giảm trí nhớ.
Theo Spiering chia sẻ, có một số lý do khiến mô hình chăm sóc sức khỏe này không phổ biến rộng rãi. Đầu tiên là tâm lý e ngại rủi ro, nếu một người già bị ngã khi đi dạo trong viện dưỡng lão, họ có thể bị gia đình của người đó kiện vì không chăm sóc cẩn thận, vì vậy hầu hết những viện dưỡng lão sẽ hạn chế tự do của bệnh nhân. Bên cạnh đó, quan điểm y tế hoá cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người suy giảm trí nhớ.
Trong tương lai, Spiering muốn thoát khỏi những quan điểm cũ về viện dưỡng lão và thay thế chúng bằng mô hình chăm sóc mà cô gọi là mô hình quan hệ xã hội. "Chúng tôi cố gắng cân bằng cuộc sống, sức khoẻ và sự chăm sóc vì suy cho cùng, đây là điều mà ai cũng cần, không chỉ là những người mắc chứng sa sút trí tuệ".