Ngôi trường ở Ấn Độ nhận rác thải nhựa thay học phí

10/06/2019 - 19:03
Ở “xứ sở sông Hằng”, ngôi trường Akshar Foundation tại huyện Pamohi, bang Assam, vận hành bằng các khoản đóng góp hảo tâm. Điều thú vị là trường nhận “học phí” bằng rác thải nhựa, kêu gọi học sinh bảo vệ môi trường.
Tăng nhận thức về tái chế rác thải nhựa
 
Ngôi trường Akshar Foundation nằm gọn trong khu rừng nguyên sinh do cô Parmita Sarma và anh Mazin Mukhtar sáng lập nên. Cả hai chia sẻ rằng ý tưởng xây dựng một ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ em nghèo đến với họ từ năm 2013 và đến năm 2016, trường mới chính thức ra đời. Khi trường bắt đầu các hoạt động tái chế, ban đầu cha mẹ của các học sinh theo học ở Akshar đều không hợp tác. Sau đó, vợ chồng anh Mukhtar đã đưa ra quyết định đóng học phí bằng nhựa. Trên thực tế, đây giống như một bài tập về nhà bắt buộc hơn là học phí nhưng hiệu trưởng nhà trường vẫn gọi đó là "học phí bằng nhựa" để nhắc nhở phụ huynh rằng, trường học hoàn toàn không miễn phí. Điều kiện tối thiểu họ có thể làm giúp nhà trường và giúp chính bản thân mình là gửi rác thải khô, sạch bằng nhựa từ nhà đến trường.
 
Parmita Sarma và Mazin Mukhtar đã phát triển ý tưởng về một ngôi trường cho cộng đồng, yêu cầu mỗi học sinh phải mang đến ít nhất 25 món rác thải mỗi tuần.
 
 
parmita-sarma-mazin-mukhtar.jpg
Cô Parmita Sarma và anh Mazin Mukhtar cùng học trò

  

Nó không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực với môi trường mà còn bắt đầu cải biến cuộc sống của các hộ gia đình, xóa đi nạn sử dụng lao động trẻ em. Thay vì phải bỏ học để đi làm việc vặt, làm trong mỏ đá ở địa phương với mức lương 2,5 USD/ngày, các học sinh lớn có thể dạy cho trẻ em nhỏ tuổi hơn và nhận được lương của trường. Khi các em học càng cao lên, tiền lương này cũng tăng theo.
 
Hiện tại, trường có hơn 100 học sinh. Khi được hỏi về phương pháp giảng dạy, anh Mazin Mukhtar chia sẻ: "Chúng tôi sử dụng lao động trẻ em để chống lại lao động trẻ em. Trẻ em nghèo cần kiếm tiền để học tập và ở lại trường. Chúng tôi để học sinh của mình làm gia sư và nhân viên xã hội. Chúng tôi trả tiền cho học sinh dựa trên kỹ năng và kiến thức của các em. Khi học sinh chuyển từ cấp 1 sang cấp 2, tiền lương cũng tăng lên đi kèm với kỹ năng giảng dạy".
 
 
truong-akshar-foundation-9.jpg
Học sinh đem rác thải nhựa đến trường mỗi ngày

  

Học sinh còn có thể làm thêm bằng cách nén hàng chục túi nhựa vào chai nhựa để tạo thành gạch Eco. Những viên gạch này được sử dụng trong xây dựng cùng với đất cát và xi măng. Từ đó, các gia đình có thể cho phép con họ dành thời gian ở lại trường lâu hơn. Các em không chỉ học cách quản lý tiền bạc mà còn hiểu được quan niệm rằng học tập tốt sẽ mang lại nhiều tài chính hơn nữa.
 
Không giống như các ngôi trường truyền thống, Akshar Foundation không có lớp học chia theo tuổi mà hoàn toàn dựa trên mức độ kiến thức của học sinh. Ở trường, giáo dục kỹ năng bao gồm: học cách lắp đặt và vận hành pin mặt trời, giúp đỡ trường kinh doanh trang trí tiểu cảnh làm đẹp các khu vực công cộng của địa phương, học thêu, làm mộc, múa, hát, trồng cây organic… Trường cũng hợp tác với một tổ chức từ thiện về công nghệ để trang bị cho các em máy tính bảng và các tư liệu học tập tương tác để làm quen với các thiết bị công nghệ số.
 
 
truong-akshar-foundation-4.jpg
Học sinh lớn kèm học sinh bé

 

Ngoài lớp học, một số em còn duy trì một trung tâm cứu hộ và chăm sóc động vật chuyên cứu chữa và nuôi dưỡng các con chó bị bỏ rơi, tìm gia đình mới cho chúng. Còn trung tâm tái chế của trường thì sản xuất các loại gạch từ rác thải để dùng trong các dự án xây dựng đơn giản cho khuôn viên trường.
 
Gần đây, nhà trường đã lên kế hoạch bắt đầu một khóa học đầy đủ về phát triển bền vững để giúp trẻ em có việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, Mazin và Parmita mong muốn đưa mô hình Akshar Foundation đi khắp đất nước và xây dựng 100 trường học tương tự trong 5 năm tới.
 
Trồng 10 cây xanh mới được tốt nghiệp
 
Bên cạnh ngôi trường Akshar Foundation giúp trẻ em biến rác thải nhựa thành thứ có ích ở Ấn Độ, ngày 15/5, Quốc hội Philippines đã thông qua luật mới yêu cầu mỗi học sinh, sinh viên phải trồng 10 cây xanh mới được tốt nghiệp. Đạo luật có tên "Di sản tốt nghiệp cho hành động vì môi trường" sẽ tạo nên một thông lệ truyền thống “trồng cây xanh trước khi tốt nghiệp" nhằm đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Luật mới áp dụng với tất cả đối tượng học sinh, sinh viên bậc tiểu học, trung học và đại học.
 
Theo đó, các cây xanh mà học sinh/sinh viên Philippines trồng có thể được đem trồng trong rừng, khu bảo tồn, những khu vực phù hợp trong thành phố, những bãi đất từng phục vụ khai mỏ nay bị bỏ hoang... Mục đích của hoạt động này là để cổ vũ cho lối sống có trách nhiệm giữa các thệ hệ đối với việc bảo vệ môi trường.
 
 
philippines-2.jpg
Học sinh Philippines trồng cây gây rừng

  

Dự luật cũng phân bổ trách nhiệm đối với những cơ quan liên quan, theo đó, Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm thi hành điều luật mới cùng với các em học sinh; Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ thực hiện các vườn ươm, cung cấp các hạt giống, nhận diện những địa điểm phù hợp để các em học sinh tiến hành trồng cây và theo dõi tiến trình phát triển của các cây mới được trồng.
 
Ông Gary Alejano (Đảng Magdalo) - người đề xuất đạo luật - cho biết khoảng 525 tỉ cây xanh sẽ được trồng trong một thế hệ nếu đạo luật được thi hành một cách nghiêm túc. "Với hơn 12 triệu học sinh tốt nghiệp tiểu học, gần 5 triệu em tốt nghiệp trung học và gần 500.000 em tốt nghiệp đại học mỗi năm, sáng kiến này sẽ đảm bảo ít nhất 175 triệu cây mới được trồng mỗi năm. Nếu chỉ 10% cây xanh được trồng còn sống sót thì với mỗi thế hệ, chúng ta đã có thêm 525 triệu cây xanh”, ông Gary chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm