Ngọt ngào vườn thanh long chín đỏ trên đất chè Thái Nguyên

Ngọt ngào vườn thanh long chín đỏ trên đất chè Thái Nguyên

Từ bao đời, thôn Tiên Trường nổi tiếng với làng nghề chè truyền thống. Xung quanh làng, những nương chè trải rộng xanh mướt. Người dân lâu nay vẫn chung thủy với cây chè - cây kinh tế mũi nhọn cho thu nhập ổn định. Nhưng hơn chục năm nay, giữa bát ngát của những đồi chè ấy được tô điểm bằng màu đỏ rực từ khu vườn thanh long sum suê quả.

Vườn thanh long ruột đỏ ấy là của vợ chồng chị Nguyễn Thị Quế, anh Nguyễn Văn Hà (thôn Tiên Trường, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Là người đầu tiên ở xã, thậm chí ở huyện, đưa thanh long trồng trên đất chè vào năm 2010, anh Hà cho biết: "Cây thanh long hợp với các loại đất nên không có gì là khó trồng. Tuy nhiên, cái khó là phải đầu tư khá nhiều vốn để làm cột bê tông, giàn nước, bể, giống, phân bón. Với 7.000 m2 vườn, tôi đã phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng".

Ngọt ngào vườn thanh long chín đỏ trên đất chè Thái Nguyên - Ảnh 1.

Vườn thanh long ruột đỏ rộng hơn 7.000m2 của vợ chồng anh Hà - chị Quế được đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng

Chọn thanh long ruột đỏ để trồng thay vì cây chè, dù phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ, theo chị Quế, là do cây thanh long cho thu nhập tốt hơn cây chè và cây bưởi, hàm lượng dinh dưỡng cao, năng suất vượt trội so với thanh long trắng, mỗi năm cho thu hoạch 8 lứa… Tính sơ sơ những lợi ích như vậy, vợ chồng anh Hà, chị Quế quyết tâm "đổi màu" cho vùng đất xanh. Trước khi đầu tư số tiền "khủng", hai vợ chồng đã phải đi thăm và học hỏi mô hình ở Vĩnh Phúc, học hỏi kỹ thuật chăm sóc loại cây trồng mới toanh.

Vợ chồng người nông dân quyết tâm "đổi màu" cho vùng đất xanh

Là người đầu tiên mang cây thanh long trồng trên đất chè, với khu vườn rộng trải dài, bát ngát, với những cột bê tông sừng sững, với giàn nước tưới tự động hiện đại, khu vườn rộng hơn 7.000m2 của vợ chồng anh Hà, chị Quế gây sự tò mò rất lớn với người dân trong thôn, trong xã. Ai cũng mong chờ, trông ngóng vụ thu hoạch quả đầu tiên. "Người khác còn tò mò như thế nói gì đến vợ chồng tôi. Khỏi phải nói chúng tôi lo lắng, hồi hộp đến thế nào. Bởi, rất có thể cây ra hoa nhiều nhưng không đậu quả. Cũng có thể, cây sai quả nhưng quả không đạt chất lượng. Cũng may là, vụ thu hoạch đầu tiên cho năng suất tốt, quả ngọt. Hàng đến đâu bán hết đến đấy. Thời điểm cách đây chục năm, giá thanh long ruột đỏ khá cao nên chỉ sau 2 năm thu hoạch, chúng tôi đã thu hồi vốn", chị Quế chia sẻ.

Những quả thanh long tươi rói, to đẹp luôn được các đại lý ở Thái Nguyên săn đón

Thế nhưng, phần thưởng dành cho người đi đầu không phải lúc nào cũng ngọt ngào. Việc thu hoạch chẳng phải lúc nào cũng mang về "trái ngọt". Chị Quế cho biết, do ban đầu gia đình anh chị đầu tư loại giống cũ quả bé nên sau vài năm đã không cạnh tranh được với loại mẫu mã đẹp ngoài thị trường. Ngay lập tức, chị và chồng quyết định thay giống mới, vẫn là thanh long ruột đỏ nhưng loại quả to. Thay giống mới, không chỉ đơn giản là đổi loại cây, vợ chồng anh chị phải phải đầu tư lại giàn mới. Bỏ 400 triệu để làm lại giàn, để mua cây giống, chị Quế cho rằng đó là sự đầu tư xứng đáng để sản phẩm đứng vững trên thị trường.

Ngọt ngào vườn thanh long chín đỏ trên đất chè Thái Nguyên - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Quế hái những trái thanh long còn sót cuối vụ

25 ngày một lứa, mỗi lứa cho thu hoạch 3 tấn, thậm chí lứa tháng 7 nắng nhiều còn được 5 tấn. Mỗi năm, riêng vườn thanh long mang lại cho vợ chồng chị Quế 500 triệu. "Chúng tôi thấy mình đã quyết định đúng khi mạnh dạn đi một con đường mới. Dù con đường ấy có phải dò dẫm, có khó khăn, thế nhưng thành quả mang lại là niềm vui rất lớn. Hạnh phúc vô cùng khi nhìn vườn thanh long chín đỏ, lại không phải lo đầu ra khi các đại lý ở Thái Nguyên đặt hàng "ầm ầm". Cũng bởi do không phải vận chuyển xa nên thanh long tươi rói, ngọt sắc, quan trọng nhất là thanh long sạch vì không cần bảo quản", chị Quế hồ hởi cho biết.

Thu hoạch từ việc bán buồng cau cho số tiền không nhỏ

Không bao giờ hài lòng với những thành công đã đạt được, đầu óc luôn vận động để làm sao "đất đẻ ra tiền" chính là tính cách của vợ chồng người nông dân ham làm giàu này. Tại khu vườn với hàng nghìn gốc thanh long ruột đỏ ấy, vợ chồng anh Hà, chị Quế còn trồng xen kẽ 1.000 cây cau, 300 cây hồng xiêm và hàng nghìn cây hoa mẫu đơn. 

Ngọt ngào vườn thanh long chín đỏ trên đất chè Thái Nguyên - Ảnh 6.

Trồng xen kẽ trong vườn thanh long là 300 gốc hồng xiêm

"Với cây cau, tôi có thể bán cả cây hoặc chỉ bán buồng. Một cây cau cho 6 buồng/năm, mỗi buồng bán được 300.000-400.000đ. Quả hồng xiêm cũng rất dễ bán. Cây hoa mẫu đơn càng bán chạy khi nhiều nơi mua để trồng hàng rào làm cảnh. Số tiền thu được từ trồng cây xen canh bằng một nửa số tiền trồng cây chủ đạo là thanh long. Chúng tôi luôn nghe ngóng để biết thị trường cần mặt hàng nào để có thể đầu tư và cung ứng kịp thời. Mặt hàng nào đã "lỗi thời" thì ngay lập tức được thay thế. Việc đầu tư luôn được chúng tôi tính toán và quyết định nhanh chóng như vậy", anh Hà chia sẻ.

Ngọt ngào vườn thanh long chín đỏ trên đất chè Thái Nguyên - Ảnh 7.

Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hà được nhận bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên

Mạnh dạn làm giàu bằng lối đi khác biệt, bằng sự nhanh nhạy, thích ứng với thị trường, thành công của anh Nguyễn Văn Hà và chị Nguyễn Thị Quế được ghi nhận khi được nhận Bằng khen là Chi hội nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2022, do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng.

21/11/2022 21:00