pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia đình 4 thế hệ sống thuận hòa dưới một nếp nhà
4 thế hệ gia đình ông Trương Bá Lương cùng sống chung một nhà
Cuộc đời ông Lương bôn ba vất vả, xuất thân gia đình nông dân ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, học hết cấp hai, ông đã phải đi làm công nhân. Ông trải qua nhiều nghề, xây dựng, lái xe… Khi đang làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), đầu năm 1975, ông được điều về Ban Thống nhất Trung ương, nhận nhiệm vụ đi B tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, ông Lương trở về TTXVN tiếp tục làm việc và học Đại học Bách khoa.
Theo cách tính của dân gian thì ông tuổi con Rồng. Tuổi Nhâm Thìn được cho là tài hoa hơn người, ông có tài ứng khẩu thành thơ và đặc biệt hơn là nhớ thơ. Thơ ông đa dạng thể loại, có thơ tự do dễ nhớ dễ thuộc nhưng nội dung sâu sắc, có những bài thơ răn dạy con khi còn thơ ấu, đến nay đã là tôn chỉ cho cả các con dâu và các cháu, để gìn giữ một nếp nhà thuận hòa, nhân ái, đoàn kết. Có sự kiện gì ở cơ quan, ngoài xã hội, trong gia đình… là ông lại có bài thơ mới. Khi các cháu nội của ông chào đời, mỗi đứa ông đều có thơ tặng, chúc hay ăn chóng lớn. Mùa dịch Covid-19, ông cũng có thơ cổ động chống dịch…
Ông Lương có 4 người con trai, người con lớn và con dâu theo nghề ông, hiện công tác tại TTXVN, 3 người con trai và các nàng dâu khác đều làm cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp, giáo viên, có cả cử nhân và tiến sĩ. Tám đứa con, tám đứa cháu, ở số nhà 8 ngõ 488 Bạch Đằng, gần viện 108… thật ngẫu nhiên mà ông làm bài thơ hội tụ cả chục con số tám, nghe hay và khá lạ.
Một chiều cuối năm, chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng, khuất sau phố thị ồn ào là căn nhà sáu tầng tại một hẻm nhỏ trên đường Bạch Đằng, thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ông nói rằng dù được cơ quan TTXVN phân cho gian nhà tập thể nhưng nhà đông con nên vợ chồng ông cố gắng dành dụm mua mảnh đất gần sông Hồng. Người con lớn lập gia đình, ông cho vợ chồng con gian tập thể ấy, còn cả nhà dọn xuống mảnh đất bãi ven sông làm gian nhà cấp bốn định cư. Ông bảo ông có nhiều cái may, mà điều may lớn nhất là các con trai và những cô con dâu của ông, không dựa dẫm ỷ lại mà đều tự đi bằng đôi chân của chính mình để trưởng thành như hôm nay.
Khi nói về người con lớn, ông bảo: "Cháu không tham, thể hiện trách nhiệm và tình thương của một người anh lớn với cha mẹ và các em!", là vì dù được bố mẹ cho ở gian nhà tập thể ở phố lớn, diện tích nhỏ nhưng giá trị kinh tế lại không hề nhỏ, nhưng con ông đã đề xuất với bố mẹ bán gian nhà ấy đi để xây lại nhà cao tầng gần bãi sông, tập trung ở cả gia đình lớn 19 người gồm 4 thế hệ, mỗi gia đình con ở một tầng.
Ở chung một mái nhà, chỉ hai thế hệ cha mẹ và con thôi nhiều khi cũng đã rất khó, với gia đình ông Lương là bốn người con trai, bốn cô con dâu và tám đứa cháu nội, không xích mích mâu thuẫn là điều hiếm thấy. Ngược lại bốn người con dâu của ông, về làm dâu nhà ông từ các miền quê khác nhau, tuổi tác chênh lệch và tính cách cũng rất khác nhau (dâu lớn về nhà ông đến nay được 21 năm và dâu út 14 năm), thế mà cả bốn cô con dâu của ông luôn coi nhau như chị em ruột thịt. Ngày giỗ, ngày lễ Tết hay nhà con dâu nào có việc buồn vui là các chị em dâu khác đều có mặt đầu tiên, tham gia gánh vác như việc chung không nề hà. Những buổi sinh nhật của thành viên nào trong gia đình, mỗi người phân công nhau một khâu công việc, dù tiệc ở nhà hay đi du lịch, họ đều bàn bạc với nhau "rất khẽ", thống nhất cao. Ngày Tết cả nhà tất bật chăm lo nồi bánh chưng, mâm cơm cúng gia tiên, ông Lương bảo: "Nhà đông người, năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng, trước là để khơi dậy truyền thống dân tộc cho con cho cháu, sự đầm ấm trong gia đình và bánh nhà gói luôn ngon hơn, đảm bảo vệ sinh hơn mua sẵn bên ngoài!".
Thời gian dài Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, có lẽ gia đình ông là gia đình hạnh phúc nhất Hà thành. Nhiều gia đình mỗi người một nơi, đi lại phường này, quận này sang quận khác là không dễ dàng. Trong khi đó, các con cháu ông đều không bắt buộc phải trực cơ quan thì đều làm việc và học online ở nhà, thành thử bữa cơm nào cũng đông đủ, cha con, ông cháu ăn uống, vui chơi sinh hoạt bình thường. Vợ chồng ông cũng có một khoản tiết kiệm từ lương hưu làm quỹ khuyến học gia đình, các cháu cứ đạt điểm mười là có thưởng, do vậy các cháu từ lớp thấp đến lớp cao thi nhau nộp điểm mười. Ông quy định tốt nghiệp cấp một thưởng một triệu đồng, cấp hai thưởng hai triệu đồng, cấp ba thưởng ba triệu đồng, đỗ đại học thưởng năm triệu đồng, thạc sĩ 20 triệu đồng, tiến sĩ 40 triệu đồng… khi ông bà mất rồi thì bố mẹ các cháu chi.
Ông Lương cũng là người con rể hiếu thảo hiếm thấy, ông đã phụng dưỡng mẹ vợ 24 năm, lo miếng ăn giấc ngủ chu đáo cho cụ như mẹ đẻ, cho đến năm 2013 thì cụ mất, thọ 94 tuổi. Tấm gương, cách sống mẫu mực, nghiêm khắc và đầy tình yêu thương vợ con của ông đã như vị thuyền trưởng được cả gia đình tin yêu kính phục và noi theo. Giữ được nếp nhà ấm êm, thuận hòa hạnh phúc như gia đình ông có lẽ không nhiều trong cuộc sống hiện đại ngày nay, càng hiếm hơn trong lòng phố thị ồn ã sôi động như Hà Nội.