Nhà hàng xóm sát vách có hai người bị mắc bệnh sốt xuất huyết, chị Phạm Phương Thu (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) vội vàng ra Y tế phường Ngọc Hà đăng kí được phun thuốc chống muỗi cho các hộ gia đình xung quanh phòng dịch. Nhưng những thông tin nhận được từ đại diện của Y tế phường khiến chị Thu khá thất vọng.
Chị Thu phải xuất trình những giấy tờ xét nghiệm, chứng minh khu nhà mình có người bị sốt xuất huyết, sau đó y tế phường sẽ xác minh ổ dịch, rồi thông báo lên y tế quận, quận sẽ tiếp nhận và giải quyết. Khi chị Thu hỏi phải đợi bao lâu để các hộ dân được phun thuốc muỗi, nhân viên y tế phường cũng không biết, vì còn phải đợi chương trình của trên.
Chị này cũng cho biết y tế phường đang làm kế hoạch xin phun thuốc toàn phường, nhưng cũng chưa biết chính xác khi nào, có thể là một tuần hoặc lâu hơn nữa. “Muỗi truyền bệnh sinh sôi thì nảy nở hàng ngày, làm sao tránh được việc người nọ sốt lây sang người kia?”, chị Thu lo lắng.
Cũng như phường Ngọc Hà, địa phương yêu cầu giấy xét nghiệm chứng minh người bệnh sốt xuất huyết, nhưng bệnh nhân đã về quê, hoặc đi nơi khác chữa bệnh, khu dân cư không thể lấy giấy xác minh được. Y tế phường hướng dẫn người dân tự làm một số cách như dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phun thuốc chống muỗi…. Để ngăn phòng dịch sốt lan ra khắp khu, các hộ dân cư đã tự thuê dịch vụ đến phun thuốc muỗi tại các khu vực sinh hoạt chung trong khu dân cư với giá 3.500.000 đồng cho hai dãy nhà A3a và A3b.
Tư vấn chung chung, dân tự lo
Tại một số khu dân cư ở Hoàng Cầu, Hoàng Hoa Thám, Ngõ Gạch, Nhân Chính… người dân cũng chưa nhận được thông báo phun thuốc muỗi. Để tự bảo vệ gia đình, các hộ dận cư đã thuê các công ty dịch vụ đến phun thuốc, với giá từ 3.500 đồng/m2 – 4.000 đồng/m2 hoặc trọn gói từ 400.000 đồng (với diện tích dưới 50m2) đến 800.000 đồng (với diện tích dưới 200 m2).
Tại cuộc họp khẩn chiều ngày 10/8 do Bộ Y tế tổ chức để tìm cách đối phó, ngăn chặn dịch SXH tăng mạnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Hà Nội tập trung máy móc, hướng dẫn cách pha, phun hóa chất khắp nơi chứ không còn cách nào khác để "hạ hỏa". Phun hóa chất ở trường học, chợ, bệnh viện, trạm y tế, công trường bởi đó chính là ổ để truyền bệnh. Đồng thời, lập bản đồ khu vực dịch và tập trung xử lý. Ngoài ra, ngành y tế cần huy động xe ô tô phun hóa chất của các tỉnh lân cận với khoảng 20 xe để phun nhằm nhanh chóng dập dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nội phải tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và tham gia để hạn chế chống dịch.
Còn theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện ngành y tế Hà Nội đã triển khai 2 biện pháp. Thứ nhất là thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch SXH. Các đội xung kích này gồm thanh niên địa phương có sức khỏe, được tập huấn kỹ thuật, thông thạo địa hình đến các gia đình để tuyên truyền, diệt bọ gậy. Mỗi đội xung kích chỉ quản lý từ 30 đến 50 hộ gia đình, mỗi tuần đều đến các hộ gia đình để kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, các quận/huyện cũng đã thành lập Tổ giám sát phòng, chống dịch SXH để kiểm soát tình hình dịch bệnh trên toàn địa bàn thành phố. Mỗi đội giám sát này có cả cán bộ kỹ thuật, nhân viên y tế để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ việc diệt lăng quăng/bọ gậy.