Người dân không nên quá lo lắng khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai

Linh Trần
20/10/2022 - 08:33
Người dân không nên quá lo lắng khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai

Biểu hiện của người mắc Đậu mùa khỉ.

Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ 2 là nữ, đi du lịch tại Dubai và ở cùng với bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Theo các chuyên gia, người dân không nên hoang mang mà thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Ngày 20/10, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã ghi nhận thêm một trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ trên địa bàn. Đây là trường hợp đậu mùa khỉ thứ hai đã được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo đó, trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai này là một phụ nữ 38 tuổi (trú tại tỉnh Tuyên Quang). Bệnh nhân đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 18/10/222. Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.

Cũng theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, người bệnh thứ hai đậu mùa khỉ và người đầu tiên mắc đậu mùa khỉ tại Việt Nam (hiện đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung. Khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly chẩn đoán và điều trị.

Sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với đội y tế khẩn nguy sân bay đã tiếp cận người bệnh ngay khi tàu bay vừa hạ cánh. Sau đó, đưa người vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ.

Sau khi xác định đủ yếu tố nghi mắc đậu mùa khỉ, HCDC đã phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 đưa người bệnh đến BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để cách ly, xét nghiệm và điều trị; đồng thời, thực hiện khử trùng tàu bay theo quy định. BV đã xét nghiệm PCR và cho kết quả dương tính với đậu mùa khỉ.

HCDC tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Người dân không quá lo lắng khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai - Ảnh 1.

Bệnh nhân đầu tiên mắc Đậu mùa khỉ tại Việt Nam đã xuất viện

Trước đó, Bộ Y tế cho biết, kết quả xét nghiệm giải trình tự gene khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb. Đây là bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam.

Cụ thể, bệnh nhân nữ (35 tuổi, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh), khởi phát bệnh ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9, bệnh nhân đã đến khám tại BV Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang BV Da liễu TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại BV Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh).

Ngày 25/9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh Đậu mùa khỉ và được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gene.

Sau hơn 3 tuần điều trị, đến ngày 14/10, bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện; các tổn thương đã lành, kết quả PCR âm tính với đậu mùa khỉ.

Không nên hoang mang

Theo Bộ Y tế, Đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới, được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh Đậu mùa khỉ.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.

Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn nốt. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, hình thành một lớp da mới.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Đậu mùa khỉ đã ghi nhận bên ngoài vùng lưu hành trên 106 nước. Như vậy, với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập Việt Nam là hiện hữu.

Tuy nhiên, dù có ca bệnh xâm nhập hay không thì Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt nơi thăm khám các bệnh lây qua đường tình dục nâng cao cảnh giác; mỗi người dân nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh khai báo vừa để bảo vệ cho bản thân vừa để được điều trị đầy đủ và tránh lây nhiễm cho người khác.

Cũng theo ông Lân, Bộ Y tế ta đã xây dựng kịch bản với những trường hợp: Khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập, khi có ca lây lan trong cộng đồng… Các kịch bản có thể linh hoạt nhằm đảm bảo khi có trường hợp ca bệnh thì đáp ứng kịp thời.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang và thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh. Người dân khi thấy có các triệu chứng sốt cao- đau đầu, đau cơ- sưng hạch, phát ban cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm