Người già cô đơn trong chính nhà mình

Song Nghi
16/07/2024 - 19:53
Người già cô đơn trong chính nhà mình

Ảnh minh họa

Bà Lê Thị Thiềm, 78 tuổi, quê ở Kim Sơn (Ninh Bình) nhưng đã chuyển lên Hà Nội sống cùng gia đình con trai được 7 năm nay. Bà Thiềm có 3 người con, trong đó 2 con gái lấy chồng xa, còn người con trai lập nghiệp ở Hà Nội. 6 năm trước, sau khi ông mất, bà Thiềm chuyển lên Hà Nội ở với gia đình con trai, ngôi nhà ở quê để cho người cháu họ trông nom, vào ngày lễ, Tết, cả nhà mới về.
Nỗi sợ vô hình

Vợ chồng con trai bà Thiềm kinh tế khá giả, các cháu đều đã lớn, đứa học đại học, đứa học cấp 3. Vì hai vợ chồng đi làm cả ngày, đến tối mới về, lại hay phải đi công tác, các con cũng đi học triền miên nên hai vợ chồng thuê 1 người giúp việc nhà theo giờ để cơm nước cho mẹ mỗi ngày. 

Người ngoài nhìn vào cuộc sống gia đình bà Thiềm đều khen bà sướng, tuổi già có phúc bên con cháu. Mỗi lần về quê, được bà con xóm giềng xuýt xoa khen lên thành phố, bà trắng đẹp hẳn ra, bà Thiềm chỉ cười, vâng dạ đáp lời. Thế nhưng sâu thẳm trong lòng, bà mang bao niềm trắc ẩn.

"Là người ngoài nhìn vào thì thế thôi, chứ tôi, vì không muốn con cháu suy nghĩ, nặng lòng, làm ảnh hưởng đến công tác nên chấp nhận cuộc sống quanh ra quẩn vào bốn bức tường. Người giúp việc, họ có việc của họ, với lại họ đâu phải con cháu mình mà hiểu tâm lý, bầu bạn với mình. 

Tôi cũng tham gia sinh hoạt Hội người cao tuổi của tổ dân phố nhưng năm thì mười hoạ mới gặp mặt nhau, ai việc nhà nấy, đâu có quen thân gì. Sáng nào thức dậy, nhìn con cháu hối hả đi làm, đi học, tôi chỉ thèm được về quê sống với họ hàng, làng xóm, có người ra người vào, quét cái nhà, cái sân cho chân tay không buồn bực. Ngày ngày quanh ra quẩn vào, hết ăn, ngủ, xem ti vi, tù túng lắm. 

Nhiều hôm tôi buồn phát khóc mà chẳng có ai bầu bạn. Trước mặt con cháu, mình cứ phải tỏ ra vui vẻ cho chúng an tâm thôi. Mà cũng chẳng thể trách được con cháu, chúng hiếu đễ, ngoan ngoãn, hết lòng với mẹ, với bà như thế, còn mong gì hơn. Nhưng đúng là ở mỗi lứa tuổi đều phải thích nghi với cuộc sống thực tế của mình", bà Thiềm bộc bạch.

Không riêng bà Thiềm từ quê theo con cháu lên Hà Nội định cư mới cảm thấy cô đơn. Cụ Nguyễn Thị Xuân (84 tuổi, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang sống cùng con cháu trong chính ngôi nhà do vợ chồng cụ làm lụng vất vả mới mua được mà vẫn thấy "lạc lõng và cô đơn không tả nổi". 

Người già cô đơn trong chính nhà mình- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cụ Xuân cho biết, người cùng lứa tuổi với cụ giờ đã "ra đi" gần hết. Phố phường lúc nào cũng tấp nập, đông đúc nhưng chẳng ai có thời gian mà tiếp chuyện với cụ. 

"Thời gian sinh hoạt, công việc của mỗi người khác nhau nên có khi, cả tuần cả nhà chẳng ngồi ăn đông đủ được một bữa. Mình già rồi, ăn uống không hợp khẩu vị, giờ giấc với con cháu nên hay ăn trước một mình, chúng nó về lúc nào thì ăn lúc ấy. Ở cùng con cùng cháu nhưng sinh hoạt có khác gì ở một mình đâu", cụ Xuân than thở.

Cụ Thiềm, cụ Xuân dù cuộc sống không thực sự vui vẻ như mình mong muốn nhưng còn có cháu con sống cùng, quan tâm, chăm sóc về vật chất. Nhiều người già không có khả năng kinh tế, sức khoẻ yếu, phải sống phụ thuộc vào con cháu, khiến họ luôn cảm thấy mặc cảm, hụt hẫng, cô đơn trong chính ngôi nhà có con cháu cùng sinh sống.

Cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người cao tuổi

Đang sống cùng mẹ chồng hơn 70 tuổi, chị Bùi Hải Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Các cụ bảo, trong nhà có người già như một báu vật, được phụng dưỡng cha mẹ già chính là một phước phận lớn của con cháu.

"Giàu con út, khó con út", tuy kinh tế của vợ chồng tôi không bằng các anh chị nhưng chúng tôi vẫn có nguyện vọng được sống chung và chăm sóc bố mẹ đến già. Mối quan hệ giữa 3 thế hệ trong nhà tôi rất tốt, ấm áp". 

Tuy nhiên, trước đây, mẹ chồng chị sống khá hoạt bát, vui vẻ nhưng từ khi bố chồng chị mất, bà suy nghĩ nên sức khoẻ giảm sút, nhất là sau lần bị tai biến nhẹ, bà hay tỏ ra chán nản, cả ngày ở trong nhà, ít ra ngoài giao lưu với mọi người xung quanh. 

Chị Phương động viên mẹ chồng tham gia các hội, nhóm ở tổ dân phố cho vui, thi thoảng rủ bạn bè đi du lịch cho vui vẻ nhưng bà từ chối. Bà bảo, người già gặp nhau toàn phàn nàn cháu con, bình phẩm người nọ thế này, kể chuyện người kia thế khác, nên tốt nhất ở nhà cho đỡ phức tạp.

Chị Phương tâm sự, mặc dù rất thương mẹ chồng hàng ngày ở nhà lủi thủi ăn cơm trưa một mình, có khi bà chỉ làm bát mì, ăn cái bánh cho xong bữa nhưng chị chẳng biết làm thế nào. "Tôi chỉ có thể cố gắng bù đắp cho mẹ chồng bằng cách mua sẵn đồ ăn để trong tủ lạnh để bà cần là có. Buổi chiều, tôi cố gắng thu xếp công việc về cơm nước để cả nhà quây quần bên nhau". 

Từ câu chuyện thực tế của gia đình, chị Phương nhận ra rằng, sự suy giảm về sức khỏe dẫn đến những thay đổi về tính cách, cảm xúc của người cao tuổi có nhiều thay đổi bất thường. Họ thường dễ xúc động dù chỉ là những chuyện rất nhỏ nhặt, dễ phát sinh mâu thuẫn với con cháu. 

Đây cũng là nguyên nhân tạo nên khoảng cách giữa người già và người trẻ. Ngoài việc thể hiện sự quan tâm đến sức khoẻ, đời sống hằng ngày, con cháu cần quan tâm đến tâm lý, tình cảm của ông bà, cha mẹ già.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái (Hà Nội), người cao tuổi rất cần sức khỏe về tinh thần, họ cần được sống vui đúng ý nghĩa của tuổi già, tức là có bạn bè chuyện trò, có người lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng cũng như những vướng mắc trong cuộc sống hàng ngày. Được như thế, người cao tuổi sẽ có cuộc sống tuổi già ý nghĩa, luôn sống vui, sống khỏe.

Nhìn xung quanh chúng ta, ai rồi cũng già đi, phải đối diện với những vấn đề của người cao tuổi. Cụ Thiềm nói đúng, "ở mỗi lứa tuổi đều phải thích nghi với cuộc sống thực tế của mình". Nếu chúng ta luôn có sự chủ động ứng phó với những vấn đề đặt ra ở từng độ tuổi thì những thay đổi về mặt tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn. 

Để người già không cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, ngoài sự quan tâm, chăm lo của con cháu, rất cần sự chủ động thích nghi của người cao tuổi để cuộc sống trở nên phong phú, vui vẻ hơn.

Người già cô đơn trong chính nhà mình- Ảnh 2.

Anh Trần Văn Tú (Hà Nội)

"Con cháu thường bận rộn với cuộc sống nên dù rất muốn có nhiều thời gian bên cha mẹ già nhưng thật khó. Đi làm cả ngày mệt mỏi về đến nhà, đôi khi, ta thiếu sự quan tâm, trò chuyện với bố mẹ già, khiến các cụ thấy mình bị lãng quên, con cháu thờ ơ. Cha mẹ ai chẳng muốn tuổi già của mình vui vẻ bên con cháu, muốn được người thân quan tâm, lo lắng; họ rất sợ sự cô đơn, sợ phải ở nhà một mình. Vì thế, khi sống cùng cha mẹ già, chúng ta phải rất để ý đến lời ăn tiếng nói, thể hiện sự quan tâm, yêu thương, mong muốn được ở cùng để phụng dưỡng cha mẹ".

Người già cô đơn trong chính nhà mình- Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Hằng (Hiệp Hoà, Bắc Giang)

"Nhiều người cao tuổi rất dễ tủi thân, nhịp sống và sinh hoạt khác người trẻ. Trong khi một số người khác còn sức khoẻ, lại muốn được ở riêng, tự do, vui vẻ cùng các bạn già. Người già có nhu cầu của người già, vì thế, chúng ta cần tôn trọng sở thích và mong muốn của cha mẹ. Nếu cha mẹ không thích ở cùng con cháu thì chúng ta không nên khiên cưỡng. Hãy để người già được sống vui khoẻ theo sở nguyện của mình. Không sống cùng không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến cha mẹ mình. Có nhiều cách để chúng ta quan tâm đến cha mẹ, miễn sao cả ông bà và con cháu đều thấy vui, đó mới là hạnh phúc thực sự".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm