Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"

Giữa muôn vàn khó khăn, từ rào cản tài chính, cơ sở vật chất hạn chế, cho tới những ánh nhìn nghi ngại, chị Dương Thị Sim (tỉnh Bắc Ninh) vẫn vững vàng như đóa hoa hướng dương, luôn hướng về phía ánh sáng để đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao khi nhìn thấy những học trò đặc biệt đang tiến bộ từng ngày.

Tại một góc nhỏ yên bình của thành phố Bắc Ninh, có một nơi không giống bất cứ ngôi trường nào - nơi không có tiếng trống, không bảng đen phấn trắng, nhưng luôn rộn vang âm thanh của sự sẻ chia, kiên nhẫn và yêu thương. Ở nơi ấy, người ta vẫn thường gọi chị là "người mẹ thứ hai" của những đứa trẻ tự kỷ. Đó là chị Dương Thị Sim - người sáng lập và điều hành hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương, người đã dành trọn thanh xuân để lặng lẽ vun đắp hi vọng cho những mảnh đời kém may mắn.

Khởi nghiệp bắt đầu từ một trái tim nhân hậu

Sinh năm 1994, ngay từ khi còn là sinh viên ngành Tâm lý giáo dục, Dương Thị Sim đã sớm bị thôi thúc bởi nỗi day dứt khi nhìn thấy những đứa trẻ tự kỷ bị bỏ quên bên lề xã hội. Tốt nghiệp đại học, chị chọn con đường không nhiều người trẻ dám bước đi - cộng tác và làm việc tại các trung tâm giáo dục hòa nhập dành cho trẻ khuyết tật, nơi luôn đòi hỏi sự tận tâm, kiên trì và cả tinh thần thép.

Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 1.
Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 2.
Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 3.

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương là mái nhà yêu thương của nhiều em nhỏ đặc biệt

Lúc mới đầu, khó khăn nhiều lắm, chị Sim nhớ lại: "Không chỉ khó khăn về tài chính, về vật chất mà còn đến từ những nhận thức xã hội, nhận thức của phụ huynh. Can thiệp cho trẻ tự kỷ thì dễ nhưng can thiệp cho phụ huynh thì khó. Làm thế nào để phụ huynh hiểu và chấp nhận, đưa con đi can thiệp sớm là cả một câu chuyện. Trong khi đó, đối với trẻ tự kỷ, giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là khoảng thời gian vàng để can thiệp. Nếu được hỗ trợ đúng cách, nhiều em vẫn có thể tự lập, có việc làm và sống như bao người khác. Tôi tin vào điều đó và muốn là người đồng hành".

Năm 2017, khi vừa tròn 23 tuổi, chị quyết định thành lập cơ sở giáo dục đầu tiên của riêng mình - Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương. Không phải bằng vốn lớn hay cơ sở vật chất hiện đại, mà bằng chính kinh nghiệm, niềm tin và một trái tim đầy nhiệt huyết. Từ một lớp học nhỏ lẻ, hệ thống Hoa Hướng Dương đã phát triển với 6 cơ sở tại thành phố Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 4.

Chị Sim cùng các cộng sự nghiên cứu và phát triển bộ học liệu phát triển nhận thức - ngôn ngữ dành riêng cho trẻ tự kỷ

Chị kể: "Khi bắt đầu làm việc trực tiếp với trẻ tự kỷ, thậm chí tôi đã bị bé đuổi đánh, nhưng đó cũng là lúc tôi nhận ra, mình cần phải thấu hiểu được hành vi của các bé, để có thể hỗ trợ các bé. Lúc đó, phần lớn các bộ học liệu can thiệp hiện có trên thị trường đều chỉ dành cho trẻ bình thường. Trong khi đó, mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới riêng biệt, cần một lộ trình cá nhân hóa, cụ thể, rõ ràng đến từng bước".

Chính từ nhu cầu đó, chị Sim cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu và phát triển bộ học liệu phát triển nhận thức - ngôn ngữ dành riêng cho trẻ tự kỷ. Dự án không chỉ mang tính giáo dục mà còn là một bước tiến khoa học trong việc cá nhân hóa phương pháp can thiệp.

Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 5.

Chị Dương Thị Sim:

Giáo dục đặc biệt không phải là việc của riêng tôi hay bất kỳ ai, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Mỗi sự đồng hành, mỗi cánh tay chìa ra, dù nhỏ thôi, cũng có thể thay đổi cả cuộc đời của một đứa trẻ

Xây nhịp cầu nối yêu thương giữa trẻ với thế giới xung quanh

Bộ học liệu tận dụng ưu thế ghi nhớ hình ảnh mạnh mẽ của trẻ tự kỷ, sử dụng các chất liệu đơn giản như giấy, bìa, gỗ với thiết kế bắt mắt, đa dạng theo từng chủ đề như màu sắc, động vật, gia đình, hình khối, cảm xúc... Nhờ đó, học liệu trở thành công cụ quan trọng giúp trẻ phát triển vốn từ, nhận biết, phân loại, so sánh và tương tác - những nền tảng thiết yếu cho ngôn ngữ và tư duy.

Bộ học liệu sử dụng ưu điểm ghi nhớ hình ảnh của trẻ tự kỉ, tạo ra một môi trường học tập cá nhân hóa, cho phép tùy chỉnh dựa trên nhu cầu và khả năng cụ thể của từng trẻ. Những người hỗ trợ như giáo viên, phụ huynh có thể sử dụng học liệu ở nhiều nơi và thời điểm khác nhau, không giới hạn bởi thời gian và địa điểm. Bộ học liệu sử dụng chất liệu đơn giản như giấy, bìa, gỗ… có thiết kế bắt mắt, theo từng chủ đề, nội dung và hình thức phong phú. Qua đó, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và làm phong phú thêm vốn từ, rèn luyện các thao tác trí tuệ như tổng hợp, so sánh, phân loại...

Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 6.
Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 7.
Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 8.

Bộ công cụ giúp rút ngắn thời gian can thiệp của trẻ tự kỷ

Với 16 chủ đề xoay quanh các tình huống và khái niệm quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, bộ học liệu mang đến cho trẻ cơ hội học tập một cách tự nhiên không gò bó, đồng thời cá nhân hóa mức độ tiếp nhận của mỗi trẻ dựa trên khả năng và nhu cầu riêng thông qua hình ảnh và tương tác. Bộ học liệu còn là cầu nối giúp trẻ tự kỷ phát triển khả năng nhận thức và ngôn ngữ, đồng thời giúp phụ huynh và giáo viên nắm bắt được quá trình phát triển của trẻ một cách sát sao và hiệu quả.

"Áp dụng mô hình học liệu này, các con cũng hứng thú hơn và các cô giáo khi tương tác hay  muốn hỗ trợ con cũng sẽ dễ dàng hơn", chị Lê Thị Hồng Nhung, một giáo viên tại Trung tâm cho biết.

Không chỉ trẻ em, phụ huynh và giáo viên cũng dễ dàng sử dụng bộ học liệu ở bất cứ đâu, không bị giới hạn bởi không gian lớp học. 

Tôi muốn bộ công cụ này không chỉ là một giáo trình mà còn là cầu nối yêu thương giữa trẻ với thế giới xung quanh.

Chị Dương Thị Sim

Từ những kết quả thử nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý giáo dục Hoa Hướng Dương, nhiều trẻ bắt đầu biết nói sớm hơn, tương tác tốt hơn và quan trọng nhất - các em được rút ngắn một phần ba thời gian can thiệp so với thông thường. 

"Thành công ấy không chỉ là của riêng tôi, mà là sự cộng hưởng của cả một tập thể giáo viên tận tâm, của cha mẹ kiên trì đồng hành cùng con mình mỗi ngày" - chị Sim xúc động.

Sự đổi mới và hiệu quả từ mô hình học liệu cá nhân hóa đã giúp Dự án "Sử dụng bộ học liệu phát triển nhận thức - ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ" của chị Dương Thị Sim giành Giải ba Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" toàn quốc năm 2024. Dự án được Ban giám khảo đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo, tính thực tiễn và tính nhân văn.

Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 9.

Chị Dương Thị Sim luôn nhận được sự đồng hành của các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh trên chặng đường khởi nghiệp

Dù đạt giải, được vinh danh và ghi nhận, nhưng với Sim, đó mới chỉ là bước khởi đầu. Chị khao khát được kết nối với các nhà sản xuất, nhà đầu tư, chuyên gia tâm lý để chuẩn hóa bộ học liệu và đưa vào sản xuất đại trà. Chị cũng mong mỏi có sự hỗ trợ từ Nhà nước về nâng cao năng lực giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất cho các trung tâm giáo dục đặc biệt.

Người gieo mầm yêu thương cho những đứa trẻ "đặc biệt"- Ảnh 10.

Trong từng giờ dạy, từng lần chỉnh sửa học liệu, từng khoảnh khắc theo sát quá trình tiến bộ của học trò, chị Sim vẫn luôn miệt mài gieo những hạt mầm yêu thương, hy vọng, vẫn vững vàng như đóa hoa hướng dương, luôn hướng về phía ánh sáng để đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao khi nhìn thấy những học trò đặc biệt đang tiến bộ mỗi ngày. 

Liên hệ: Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương

Điện thoại: 0333.191.194 - 034.632.6666

Website: https://giaoduchoahuongduong.com/

Lê Hoa
18/05/2025 16:00