Người gom nước mắt thành nụ cười cho phụ nữ khuyết tật

12/09/2017 - 07:15
Hơn 10 năm qua, chị Vi Thị Thuận là “đầu tàu” của thương hiệu hàng thủ công truyền thống nổi tiếng và là bà chủ homestay Hoa Ban+ tại khu du lịch bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình).
Trong một lần đi tham quan Thủ đô Hà Nội, cô gái vùng cao Vi Thị Thuận lập tức bị thu hút bởi những sản phẩm thủ công của các làng nghề trên toàn quốc được bày bán ở con phố chuyên kinh doanh đồ lưu niệm. Ý tưởng thu gom hàng thổ cẩm tại bản làng quê mình mang về Hà Nội bán chợt lóe lên, Thuận quyết tâm thực hiện ngay.

Đó là vào những năm 2006 - 2007. Hàng ngày, chị đi tới tận các xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Hòa Bình - nơi có rất nhiều mặt hàng thổ cẩm do chị em phụ nữ tự thêu để đổi lấy gạo, muối...
khoi-nghiep.jpg
Chị Thuận (đứng) và các chị em trong xưởng sản xuất

Xưởng sản xuất đặc biệt

Trong những chuyến thu gom hàng như thế, chị gặp nhiều em nhỏ tật nguyền, nhiều phụ nữ đơn thân, hoàn cảnh khó khăn. Tại sao mình không thành lập một cơ sở sản xuất ở địa phương để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho chị em và phát triển sản phẩm? Một xưởng sản xuất hàng thủ công đã ra đời.

Dành số vốn tích được từ khi buôn bán hàng nhỏ lẻ, chị Thuận mua máy may, khung dệt, xây nhà xưởng. Chị gọi đó là “mái ấm” - nơi đón những phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn về sống tập trung, tạo cho họ một công việc ổn định.

Song, ý định tốt đẹp ấy không phải ai cũng hiểu, cảm thông và ủng hộ. Có rất nhiều người nói là chị lập trung tâm để thu lợi cá nhân. Nghe những câu nói ấy, chị buồn và đôi lúc cũng thấy nản. Nhưng đó lại là lý do để chị Thuận quyết tâm cố gắng làm thật tốt.

Tìm mọi cách phát triển thương hiệu

Để cơ sở hoạt động tốt, chị Thuận đã dành thời gian ra Hà Nội học hỏi những cách làm hay, tìm kiếm mẫu mã đang được ưa chuộng. Sản phẩm làm ra một phần dành để bán cho khách du lịch đến tham quan bản Lác, một phần chị “đánh liều” mang đi chào hàng tại các hội chợ ở Hà Nội.

Điều chị vui và hạnh phúc nhất là chất lượng, mẫu mã do các chị em trong xưởng sản xuất ra không hề thua kém các nghệ nhân lành nghề từ những vùng miền khác. Thậm chí, có công ty đã đặt riêng những mẫu túi, khăn thổ cẩm để mang đi xuất khẩu.

Muốn giữ nét độc đáo riêng cho các sản phẩm thủ công của xưởng mình, chị Thuận không ít lần phải đấu tranh chống lại sự cám dỗ của những sản phẩm thêu máy hay hàng Trung Quốc. Nếu bán những mặt hàng đó thì có thể thu lãi nhanh và nhiều nhưng như thế đồng nghĩa với việc các chị em trong xưởng sẽ giảm bớt việc làm, thu nhập sút kém. Chị còn quyết “nói không” với hàng thêu máy để gìn giữ nghề thêu tay truyền thống của dân tộc mình.

Năm 2013, chị Thuận đã lấy tên Hoa Ban đặt cho xưởng sản xuất, để tiến thêm một bước trên con đường xây dựng thương hiệu, xuất khẩu trực tiếp sản phẩm. Bên cạnh đó, chị đầu tư thêm nhà sàn homestay Hoa Ban để phục vụ khách du lịch.

Chị đang từng bước hoàn thiện mong ước xây dựng một bảo tàng nho nhỏ để gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, giới thiệu đến bạn bè, du khách khi đến tới Mai Châu.

Một mình xoay xở từ nguồn nguyên liệu đến tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng nhìn nụ cười ánh lên trên gương mặt của các chị em trong xưởng, chị Thuận không giấu được hạnh phúc. Nếu không có Hoa Ban , những người phụ nữ khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn nơi vùng cao ấy vẫn sống trong lam lũ.

Giờ đây, họ có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, tự nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Những giọt nước mắt đang nhường chỗ cho nụ cười và niềm tin vào cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm