Người Hà Nội chưa hết sợ cá biển

09/05/2016 - 14:18
Mặc dù cá ở miền Trung đã được kiểm nghiệm trước khi mang bán cho người tiêu dùng song tại Hà Nội, không mấy người nội trợ mặn mà với cá biển.
Chị Bùi Hoàng Ninh (phố Đại La, phường Đồng Tâm, Hà Nội) cho rằng: "Cá biển không giống như thịt lợn. Cơ quan chức năng liệu có thể kiểm tra từng con cá và đóng từng dấu kiểm nghiệm lên từng con cá được không? Nguy cơ chúng tôi mua phải cá biển nhiễm độc là vẫn có thể xảy ra. Vì thế, dù biết là cá biển ở miền Trung đã được kiểm nghiệm trước khi mang ra thị trường bán, nhưng tôi vẫn chưa thể yên tâm mà lựa chọn món ăn này được".
 
Chị Nguyễn Thanh Thúy (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, mẹ chồng chị ở Hà Tĩnh có gửi ít tôm biển ra Hà Nội cho cháu. Nhưng lo sợ tôm bị nhiễm hóa chất độc hại nên hai vợ chồng chị quyết định để tôm cho người lớn ăn. Bình thường, cơ địa chị Thúy không bị dị ứng với tôm biển, nhưng lần này, chỉ ăn có 2 con tôm, người chị đã bị mẩn ngứa khắp người. Tuy nhiên, chồng chị Thúy cũng ăn tôm mà không gặp vấn đề gì.

"Vẫn biết nhiều người ăn tôm bị dị ứng, nhưng tôi thì chưa gặp phải trường hợp này bao giờ. Giờ ăn tôm bị dị ứng nên cứ bán tín, bán nghi, không biết tôm có bị nhiễm độc hay không nữa. Để an toàn, hai vợ chồng quyết định không cho con ăn tôm này" – chị Thủy cho biết.

Bà Thanh Nga (đường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhịn hải sản mấy tuần nay, hôm qua thấy tivi nói cá miền Trung được kiểm nghiệm trước khi mang bán, nên bà quyết định ra chợ kiếm ít cá biển cho cả nhà. "Dọc chợ Kim Giang cũng lác đác vài hàng cá biển. Nhưng khi hỏi thì họ bảo cá này lấy ở Nam Định lên, không phải ở khu vực miền Trung nhiễm độc. Tôi chẳng tin được, biết đâu họ lấy cá từ miền Trung ra đây bán thì sao, mà lại chẳng thấy có giấy hay dấu kiểm nghiệm gì cả?".

Theo khảo sát của phóng viên, hiện các chợ ở Hà Nội như chợ Ngã Tư Sở, chợ Kim Liên, chợ Đại Từ, mấy ngày gần đây, các hàng cá biển đã bán trở lại nhưng lượng tiêu thụ không nhiều.

Chị Châu Thành - tiểu thương bán cá tại chợ Kim Liên cho hay: "Giờ lượng tiêu thụ cá biển chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Mà người dân mua cá biển họ cũng dè dặt lắm, luôn hỏi rõ nguồn gốc, xem kỹ từng con cá một. Da cá chỉ hơi khác thường thôi là họ không mua ngay. Tôi phải nhập thêm cá nước ngọt về bán đấy, chứ chỉ bán cá biển thôi thì cả nhà 'treo niêu' mất".
ca-nuoc-ngot2.JPG
Các bà nội trợ ở Hà Nội lựa chọn cá nước ngọt thay cá biển 
Tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội trong mấy tuần trở lại đây đã không nhập cá biển về bán. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam - hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, hiện siêu thị tạm ngừng nhập cá biển vì người tiêu dùng vẫn không tự tin với hải sản.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện đã có 90 siêu thị, doanh nghiệp thu mua hải sản miền Trung. Tuy nhiên, con số này vẫn là quá ít so với thị trường hải sản cả nước.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay, ông rất ủng hộ việc các siêu thị cùng vào cuộc hỗ trợ thu mua các loại hải sản sạch đánh bắt về cho bà con ngư dân miền Trung trong thời gian này.

Tuy nhiên, thị trường có cầu mới có cung, nếu người dân chưa dám dùng hải sản nói chung và cá biển nói riêng thì siêu thị cũng không dám nhập mặt hàng này về.

Đặc biệt, ông Phú cho rằng, thực tế hiện nay, lượng tiêu thụ của các siêu thị chưa phải là nhiều so với các chợ truyền thống. Do vậy, ngoài việc kêu gọi các siêu thị thì chúng ta cần có những chính sách, biện pháp cụ thể để hải sản trở lại các chợ để giúp việc tiêu thụ tốt hơn.

Hiện các điểm thu mua và bán hải sản có giấy chứng nhận hải sản sạch được lập ra ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Bộ NN&PTNT cho biết, điều kiện để chứng nhận hải sản sạch là khi ngư dân đánh bắt cung cấp các tọa độ vùng biển sạch mà ngư dân khai thác cho cơ quan chức năng. Sau đó, hải sản khi vào bờ được kiểm tra, kiểm nghiệm trước khi xuất bán.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm