Người hoang tin về nữ sinh viên trường HUFLIT bị xâm hại sẽ bị xử lý thế nào?

Đinh Thu Hiền
13/01/2023 - 18:43

Người hoang tin về nữ sinh viên trường HUFLIT bị xâm hại sẽ bị xử lý thế nào?

Thông tin tại buổi họp báo, đại diện cả 2 trường khẳng định không có vụ việc cưỡng hiếp 2 nữ sinh Trường HUFLIT như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội về 2 nữ sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) bị xâm hại tại Trường Quân sự Quân khu 7 gây xôn xao dư luận. Đại diện cả 2 trường đều khẳng định thông tin này là bịa đặt, sai sự thật.

Nhiều tài khoản mạng xã hội mấy ngày gần đây đã lan truyền đoạn clip với thông tin cho rằng 2 nữ sinh viên của trường HUFLIT bị cưỡng hiếp. 

Ngay sau khi thông tin lan truyền, đại diện cả 2 trường đều khẳng định là sai sự thật. Trường HUFLIT và Trường Quân sự Quân khu 7 đã tổ chức họp báo khẳng định các thông tin lan truyền này là thất thiệt, sai sự thật, gây hoang mang dư luận và tâm lý các em sinh viên. 

Ở góc nhìn pháp luật, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP HCM, Giám đốc công ty Dân luật đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam xung quanh vụ việc này.

PV: Chào luật sư, luật sư nhìn nhận thế nào về thông tin lan truyền trên mạng xã hội về 2 nữ sinh bị xâm hại trong khi các đơn vị liên quan khẳng định đó là thông tin sai?

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Những thông tin mới về các sự việc khi phát tán trên mạng xã hội thường là thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng. Tâm lý người tiếp cận những thông tin liên quan đến các hành vi trái đạo đức, vi phạm nghiêm trọng pháp luật dễ phẫn nộ. Điều đó thường khiến cho những thông tin này nhanh chóng lan truyền trên không gian mạng dù chưa được xác minh.


Người hoang tin về nữ sinh viên trường HUFLIT bị xâm hại sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh

Theo thông tin được các cơ quan báo chí đăng tải, vào ngày 12/1/2023, Trường HUFLIT và Trường Quân sự Quân khu 7 đã tổ chức họp báo công bố thông tin lan truyền trên là sai sự thật. Đồng thời ngày hôm nay, 13/01/2023, Chính ủy Quân khu 7 đã đề nghị Công an TPHCM khởi tố vụ án, làm rõ sai phạm của các tài khoản mạng xã hội đã xuyên tạc, thông tin sai sự thật "nữ sinh bị hiếp dâm khi đi học quân sự".

Theo quy định của pháp luật, việc xác định có hay không có tội phạm xảy ra chỉ có cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có đủ thẩm quyền xác định.

PVTrong một vụ án xâm hại tình dục, theo luật sư, các chứng cớ phải thể hiện như thế nào thì mới có thể đánh giá có dấu hiệu phạm tội?

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Như tôi đã nói phía trên, chỉ có cơ quan chức năng có thẩm quyền, trên cơ sở đánh giá chứng cứ, mới xác định được có hay không có dấu hiệu tội phạm. 

Tuy nhiên, dưới góc nhìn và quan điểm là một luật sư, trong các vụ án xâm hại tình dục, để xác định sự thật khách quan và có cơ sở để kết luận đúng về hành vi phạm tội đã xảy ra thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thu thập dấu vết, thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án. 

Thông thường trong vụ án xâm hại tình dục thì "dấu vết" là yếu tố chính, đặc trưng phản ánh hành vi của đối tượng phạm tội và nạn nhân. Các dấu vết sinh học như lông, tóc, sợi, máu, nước bọt, tinh dịch. Các dấu vết của thương tích cơ thể, trầy xước bộ phận sinh dục, vết cào, cấu, cắn, xước, rách da, gẫy xương, dập cơ, bầm tím, sưng tấy mô, các mảnh da trong kẽ móng tay, khám nghiệm tử thi (nếu nạn nhân tử vong). Các dấu để lại từ hiện trường, dấu vết tồn tại từ các hành vi rình rập, lọ chai rượu bia, thuốc mê, thuốc kích dục, dấu chân, dấu dép, áo quần… 

Để các dấu vết này trở thành chứng cứ tố cáo hành vi phạm tội thì phải được Cơ quan tiến hành tố tụng thu thập theo trình tự thủ tục chặt chẽ được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Ví dụ như các dấu vết sinh học nêu trên phải căn cứ từ kết luận từ kết luận Giám định pháp y của Cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

PVTrở lại vụ việc trên, thông tin lan truyền trên mạng xã hội đã bị 2 trường khẳng định là sai sự thật, vậy trường hợp người hoang tin phải chịu sự phán xét thế nào của pháp luật?

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Không ít vụ việc sau khi cơ quan điều tra tiếp nhận thông tin, đơn thư tố giác, nhưng quá trình kiểm tra, xác minh, điều tra xác định không có tội phạm xảy ra thì hành vi tố giác không đúng đó có thể trở thành hành vi vu khống. 

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì tuỳ vào tính chất mức độ hành vi cũng như hậu quả của việc tố giác không đúng sự thật, người bị tố giác có quyền tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại và cũng có thể tố giác hành vi phạm tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, một hành vi sẽ bị coi là phạm tội vu khống khi có một trong các biểu hiện sau đây: Bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. 

Đối với tội vu khống, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu hoặc bị phạt tù có mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm