Người lớn “nợ” môi trường sống an toàn cho con trẻ

Đinh Thu Hiền
05/07/2020 - 17:27
Người lớn “nợ” môi trường sống an toàn cho con trẻ

Tiết dạy thực nghiệm giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ tại Trường mầm non Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh minh họa

Các vụ án trẻ em bị xâm hại và đánh đập xảy ra ở khắp nơi, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn mà ngay tại các đô thị sầm uất. Vậy, chúng ta còn nợ con trẻ môi trường sống an toàn tới khi nào?

Trẻ có nguy cơ bị xâm hại bất cứ chỗ nào

Tuần qua, TAND Q.Thủ Đức (TPHCM) đã đưa Nguyễn Hữu Trí, sinh năm 1978, ra xét xử về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi, theo quy định tại Điểm b, c Khoản 2, Điều 146, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong thời gian làm việc tại khách sạn M.T ở Khu phố 3, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, Nguyễn Hữu Trí thấy các bé gái ở hẻm gần đó thường ra chơi lối đi chung, nên nảy sinh ý định ôm hôn hoặc sờ vào các bộ phận nhạy cảm của các cháu để thỏa mãn ham muốn tình dục. Từ tháng 11/2019 đến tháng 1/2020, Trí đã thực hiện hành vi dâm ô với 5 bé gái tại đây.

Các em bé này thường ra hẻm chơi - nơi có nhiều người đi lại, không phải chỗ vắng vẻ hay khuất tầm quan sát. Thông thường, các tội phạm xâm hại trẻ em luôn chọn vị trí ít người thấy để tiến hành hành vi phạm tội. Nhưng ở vụ án này, kẻ biến thái không cần giấu giếm. Có em bé bị dâm ô ngay trước cửa nhà, có bé bị dâm ô khi đang ngồi chơi trên ghế đá đặt trong hẻm. Ở tình huống khác, con trẻ tụ tập lại chơi theo nhóm nhưng cũng không tránh khỏi bị tấn công tình dục. Nghĩa là tội phạm xâm hại trẻ em ngang nhiên phạm tội nơi đông người. Phụ huynh thấy con cái chơi ngay trước cửa hay trong hẻm thì tất nhiên cảm thấy yên tâm. Bản thân các con không ngồi chơi nơi vắng vẻ và xung quanh có cả bạn bè thì tâm lý cũng không lo lắng hay sợ sệt gì.

Song, ngay cả môi trường tưởng như an toàn cũng không còn an toàn nữa. Tên tội phạm đó, giữa thanh thiên bạch nhật đã sờ mó vào vùng kín bé gái này, hôn môi bé gái khác. Khi con cái kể chuyện cho người lớn, có bà mẹ đã chỉ có hành động là tới cảnh cáo tên tội phạm mà không tố cáo ngay lên cơ quan công an vì lo ngại ảnh hưởng tới tâm lý con mình. Chính vì điều này mà môi trường sống an toàn của con trẻ tiếp tục bị đe dọa, dẫn tới nhiều hành vi sau đó với nhiều bé khác, cho tới khi có người dân tố cáo tới pháp luật.

Trong 1 vụ án cách nay vài năm mà tôi đã theo dõi, em bé bị kẻ phạm tội dụ dỗ tới nơi ít người qua lại rồi thực hiện hành vi dâm ô khi bé 6 tuổi chơi thơ thẩn dưới sân chung cư. Đã có những ý kiến lên án phụ huynh, cho rằng để con chơi một mình như vậy là quá nguy hiểm. Rằng con trẻ cần phải được cha mẹ bảo bọc hơn, trước nhiều mối đe dọa ngoài xã hội.

Người lớn chúng ta, với vai trò là phụ huynh, hiện đang áp dụng khá nhiều biện pháp bảo bọc con cái, trong đó có việc bắt trẻ ở trong nhà vì nhiều mối nguy ngoài cửa. Trẻ không có không gian chơi, thiếu sự giao tiếp với bạn bè, các kỷ niệm của trải nghiệm trò chơi hoạt động tuổi thơ không có nhiều. Thời nay, những đứa trẻ nghiệm game, đeo kính cận hoặc kính loạn từ rất sớm không còn là cá biệt nữa. Đã có những vụ án đau lòng xuất phát từ việc con trẻ học theo các hành động trong game. Trên hết và quan trọng nhất, là những đứa trẻ bị "đánh cắp" tuổi thơ, bởi môi trường sống xung quanh không an toàn.

Người lớn “nợ” môi trường sống an toàn cho con trẻ - Ảnh 1.

Không chỉ con trẻ mà phụ huynh cũng cần tham dự các lớp học kỹ năng, kiến thức phòng chống xâm hại trẻ em, Ảnh minh họa

Khi nào người lớn trả được "món nợ" này?

Thật khó cho những người làm công tác bảo vệ trẻ em, khi phải gánh trên vai trách nhiệm mà lẽ ra đó là của cả xã hội, với sự nâng cao nhận thức đồng bộ của dân trí, quan trí. Mỗi khi có sự vụ nào đó liên quan tới trẻ em, dư luận lại lớn tiếng đòi hỏi trách nhiệm của những hội đoàn, cơ quan liên đới. Tất nhiên, điều đó cũng chính đáng nhưng chưa đầy đủ. Giáo dục nâng cao nhận thức phải bắt nguồn từ căn rễ và có thời gian để thẩm thấu, chứ không chỉ qua vài hội thảo, vài lớp tập huấn của những người thực hiện công tác bảo vệ trẻ em. Đòi hỏi 1 xã hội hoàn thiện, là quyền của công dân nhưng bản thân công dân cũng cần nâng cao trình độ và nhận thức để góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn.

Chúng ta đã lên tiếng, lên án và đưa ra xét xử rất nhiều vụ án liên quan tới trẻ em. Tuy nhiên, rất cần lưu ý rằng tội phạm xâm hại và tấn công trẻ em không phải ở đâu xa, có khi chính là những người thân, người quen trong gia đình. Người dì ghẻ đánh đập tàn nhẫn con chồng, người cha dượng bạo hành và xâm hại con vợ. Cá biệt, đã từng có các vụ án ông nội, ông ngoại, cha ruột đánh đập và hiếp dâm chính cháu ruột, con ruột của mình.

Con trẻ có quyền được sống trong môi trường an toàn và êm ấm, được đi học và được nhận sự chăm sóc đặc biệt của toàn xã hội. Tuy nhiên, ngay trong môi trường gia đình - nơi người ta vẫn văn hoa gọi là mái ấm - thì vẫn có rất nhiều trẻ em bị chính người thân dâm ô, hiếp dâm và bạo hành. Nếu may mắn được chăm sóc chu đáo bởi tình yêu thương của người thân, thì những đứa trẻ lại phải đối mặt với những hiểm nguy khi vừa bước chân ra khỏi cửa nhà. Những tồn tại đau lòng và thực tế ấy, khiến những người có lương tri trong xã hội không khỏi phẫn nộ.

Vậy, khi nào người lớn trả được món nợ này cho trẻ em? Một môi trường sống an toàn từ trong gia đình tới ra ngoài xã hội? Tất nhiên, thời hạn cho việc trả lời câu hỏi này không mang tính cụ thể hóa, nhưng vẫn cần đưa ra một cách cấp thiết nhất. Trước hết, bản thân mỗi người dân cần nâng cao nhận thức để tố cáo các hành động sai trái ra cơ quan pháp luật nhanh chóng và quyết liệt. Dù kẻ phạm tội là người thân trong gia đình thì cũng không vì tình riêng để bao che cho các hành vi phạm tội khiến thời gian phạm tội kéo dài, gây tổn thương sâu sắc cho trẻ. Người lớn đừng nhân danh việc vì lo lắng cho tâm lý trẻ em mà chỉ nhắc nhở tội phạm, không tố cáo ra cơ quan công an. Chính vì các suy nghĩ ấu trĩ này mà tội phạm được dung dưỡng, tiếp tục các hành vi tấn công ngay chính đứa trẻ đó và thêm nhiều nạn nhân khác. Khi người dân đã dũng cảm đưa sự vụ ra cơ quan điều tra thì rất cần sự công tâm, nhiệt huyết của các điều tra viên, để đẩy nhanh tiến độ xác minh, kết luận.

Trẻ em vì chưa thể tự bảo vệ bản thân trước các hành vi cố ý xâm hại và bạo hành của người lớn, do vậy mới cần tới sự chăm sóc của toàn xã hội. Nếu chúng ta không cùng chung tay để xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ một cách đồng bộ, thì người lớn vẫn đau đáu mang món nợ này với con trẻ. Chỉ cần lơ là, thiếu trách nhiệm chút thôi thì đó luôn là món nợ xấu, nợ khó đòi!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm