pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người nhà bệnh nhân chạy ngược xuôi mua bông gạc, dao phẫu thuật
Người nhà bệnh nhân phải chạy ngược xuôi mua dụng cụ, thiết bị y tế chuẩn bị cho phẫu thuật
Phải tự bỏ tiền mua vật tư y tế
Có người thân đang điều trị ung thư trực tràng tại một bệnh viện ở Hà Nội, chị Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, việc chạy đi chạy lại vừa chăm sóc người nhà, vừa đi mua thuốc và vật tư y tế theo chỉ định của bác sĩ khiến chị sụt đi mấy ký chỉ trong thời gian ngắn.
Các vật tư mà chị phải mua bao gồm: bông băng, kim tiêm, dao phẫu thuật, đạn khâu nối để mổ nội soi, các loại thuốc kháng sinh, đạm dinh dưỡng; có những loại thuốc giá chỉ có 6.000 đồng/vỉ cũng phải ra ngoài mua.
"Vào viện 19 ngày, riêng tiền thuốc mua ngoài và vật tư y tế, gia đình tôi đã hết gần 40 triệu đồng. Cộng với 37 triệu đồng tiền giường bệnh và tiền phí các loại của bệnh viện phải thanh toán, gia đình tôi phải chi gần 80 triệu đồng, trong khi bảo hiểm y tế không có tác dụng gì.
Đành rằng chi phí dùng cho sức khỏe nhưng tôi không dám chắc ra ngoài có mua phải thuốc giả hay không", chị Thanh than thở.
Tại các tỉnh phía Nam như Bình Phước, Bình Dương… trong thời gian qua cũng xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng phải ra nhà thuốc bên ngoài bệnh viện để mua vật tư y tế. Ông N.V.N. (ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, ông được chẩn đoán sỏi thận và được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da.
Trước ngày phẫu thuật, bác sĩ đưa một danh sách vật tư y tế như găng tay, băng gạc, kim tiêm, ống hút phẫu thuật, ga trải giường… và yêu cầu người nhà ra ngoài mua. Trong quá trình điều trị, ông N. đều phải tự bỏ tiền mua nhiều vật tư y tế với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng.
Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ là nơi tiếp nhận, sàng lọc máu để cung cấp cho 74 bệnh viện thuộc 11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, do chậm đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư, bệnh viện này không còn túi lấy máu, cạn hóa chất, hết vật tư xét nghiệm máu nên không thể tổ chức lấy máu và sàng lọc được.
Việc thiếu máu kéo dài từ tháng 3/2023 đến nay, dẫn đến việc các bệnh nhân cần truyền máu, tiểu cầu đều phải lay lắt chờ đợi; một số trường hợp chuyển lên tuyến trên điều trị, các bệnh viện hoãn mổ, trừ các bệnh cấp cứu.
Vẫn vướng mắc trong công tác đấu thầu vật tư, thiết bị y tế
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khám khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú, thường xuyên có khoảng gần 100 trẻ phải thở máy và 100 bé phải thở oxy, từng giây phút chống chọi với bệnh tật.
Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, để phục vụ thăm khám và điều trị cho số lượng bệnh nhân nhi như vậy đòi hỏi phải có một cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất… không nhỏ.
Ông Trịnh Ngọc Hải mong muốn, những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện đấu thầu, mua sắm sẽ được các bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ để công tác đấu thầu, mua sắm trong y tế được thuận lợi nhất, phù hợp với đặc thù.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cho biết, mặc dù đã được "nới" về chính sách nhưng thực tế, công tác đấu thầu vật tư, thiết bị y tế còn rất khó, vướng quy định, quy trình. Điều đáng lo ngại là đến tháng 1/2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ có hiệu lực. Nếu không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thì các cơ sở y tế sẽ gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm.
Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua, hơn 85 bác sĩ là giám đốc các bệnh viện, giám đốc trung tâm y tế quận, huyện công lập trên địa bàn TPHCM đã được tập huấn, cập nhật kiến thức về công tác đấu thầu với giảng viên là các chuyên gia của Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Y tế và Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố.
Theo Sở Y tế Thành phố, trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo cung ứng thuốc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người dân có thể phản ánh qua đường dây nóng của ngành y tế (096.777.1010 hoặc 028.3930.7916); qua ứng dụng "Y tế trực tuyến".
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập ở nước ta xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch Covid-19. Trong đó, nguyên nhân do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập. Việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả; đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương.
Đối với nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc… "Đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù vẫn xuất hiện tình hình thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.