Người trẻ lười kết hôn

Đinh Thu Hiền
21/01/2024 - 13:36
Người trẻ lười kết hôn

Ảnh minh họa

Giới trẻ hiện có câu đùa nói vui: "Ế là một xu thế". Song, trên thực tế, đây là thực trạng xã hội không thể thờ ơ.
"Từ từ không vội"

Đó là câu nói mà Mạnh Hùng, ngụ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, đã trao đổi với đại gia đình vào dịp cuối năm, khi nhận được nhiều lời quan tâm của người thân về việc khi nào sẽ cưới vợ.

Tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng của 1 trường cao đẳng, Mạnh Hùng có thời gian đầu đi làm khá suôn sẻ tại phòng khám tư nhân gần nhà. Nhưng sự cố tinh thần xảy tới, khi cô bạn gái của cậu rời Việt Nam sang làm điều dưỡng tại Nhật Bản. Hụt hẫng, Mạnh Hùng đã nghỉ làm, buồn tình nên ngồi chơi game cả năm khiến cha mẹ sốt ruột vô cùng.

Để xốc lại tinh thần, Mạnh Hùng đi học tiếng Nhật trong 2 năm, quyết tâm theo nghề điều dưỡng tại Nhật như cô bạn gái. Khi qua Nhật làm việc, cặp đôi kết nối lại nhưng không tìm được sự gắn kết như trước đây do môi trường, hoàn cảnh sống khác nhau. Dù cùng làm chung nghề nhưng họ lại ở khác thành phố, nên được một thời gian, chuyện tình tuổi trẻ tan vỡ.

Sau đó, Mạnh Hùng yêu cô gái khác, hẹn nhau về Việt Nam khi hết thời hạn lao động tại Nhật sẽ cưới. Nhưng rồi cô bạn gái ấy lại muốn chờ chị gái bảo lãnh qua Mỹ làm việc, nên cứ lần lữa chưa muốn kết hôn. Tình cảm của cặp đôi cứ dằng dai như vậy nhưng không thể đi đến "chung kết". Năm 2024, Mạnh Hùng đã bước vào tuổi 31, còn bạn gái thì 30 tuổi. Tuy nhiên, họ vẫn "từ từ không vội".

Thực trạng người trẻ không sốt sắng kết hôn hiện nay khiến nhiều quốc gia lo lắng. Việc kết hôn quá trễ, hoặc chọn cuộc sống độc thân, hoặc không sinh con đã đe dọa tới chất lượng và số lượng dân số trong một quốc gia. Khi vấn đề trở thành xu hướng, thì điều đó thực sự đáng lưu tâm ở tầm vĩ mô.

Người trẻ lười kết hôn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Theo đó, các địa phương cần phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con, không kết hôn muộn, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...

Ngoài ra, Quyết định 558 cũng đề nghị chính quyền các địa phương cần nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Các đoàn thể cần hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình. 

Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ. Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ mang thai, sinh con và sinh đủ 2 con, tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con.

Tỉ lệ độc thân có xu hướng tăng

Giới trẻ hiện có câu đùa nói vui: "Ế là một xu thế". Song, trên thực tế, đây là thực trạng xã hội không thể thờ ơ. Tại Hàn Quốc, nơi có tỉ lệ sinh thuộc loại thấp hàng đầu thế giới, chính phủ nước này đã khuyến khích tổ chức các sự kiện hẹn hò để mai mối cho người độc thân. Đây được đánh giá là một nỗ lực của chính quyền nhằm đảo ngược tỉ lệ sinh đang giảm. 

Người trẻ lười kết hôn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các sự kiện mai mối này được đánh giá là khá chật vật. Theo các chuyên gia của Hàn Quốc, quan trọng hơn là chính phủ cần phải chi nhiều tiền trực tiếp vào việc hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi dạy con cái. Việc này mới có thể khuyến khích và tăng tỉ lệ sinh ở thời nay, khi phụ nữ cũng tập trung đi làm kiếm tiền và lo cho sự nghiệp cá nhân.

Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022 cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình trên cả nước là 26,9 tuổi. Nếu so với năm 2020 thì cao hơn 0,5 tuổi và năm 2021 là 0,7 tuổi. Trung bình nam giới Việt Nam kết hôn ở tuổi 28,3 và nữ giới là ở tuổi 24,1.

Điều đáng chú ý của số liệu năm 2022 cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình của TPHCM là 29,8 tuổi. Đây là con số lần đầu tiên xuất hiện. TPHCM cũng thể hiện mức cao nhất về độ tuổi kết hôn so với các tỉnh/thành khác trong cả nước. 

Bám sát theo sau là các tỉnh/thành: Cần Thơ 29,3 tuổi; Khánh Hòa 28,6 tuổi; Đồng Nai 28,5 tuổi; Hậu Giang 28 tuổi; Đà Nẵng 27,6 tuổi; Nghệ An 27,3 tuổi; Hải Phòng 27,1 tuổi; Hà Nội 26,9 tuổi …

Như vậy, số liệu thể hiện các tỉnh, thành phía Nam, Nam Trung bộ có tỉ lệ người trẻ kết hôn muộn hơn khá nhiều so với các tỉnh, thành phía Bắc. Trong "bảng tổng sắp" này, Lai Châu là tỉnh có độ tuổi kết hôn sớm nhất: 21,9 tuổi. Điều đó cho thấy về cách suy nghĩ, nhận thức, hoàn cảnh sống của các vùng, miền trong cả nước có sự chênh lệch khác biệt. 

Giới trẻ ngày nay có thêm nhiều sự lựa chọn cho cuộc sống cá nhân. Họ tập trung cho việc học hành, thăng tiến sự nghiệp, dành thời gian để thụ hưởng cảm xúc cá nhân, đi du lịch và không muốn vướng bận nhiều cho việc chăm lo gia đình, sinh con. 

Áp lực phải nuôi con trong điều kiện kinh tế chưa vững chắc, ổn định hoặc thiếu hụt cũng khiến giới trẻ cân nhắc sinh con trong "độ tuổi vàng". Tới khi đã đầy đủ điều kiện kinh tế thì tuổi đã lớn, khó mang thai và tâm lý cũng ngại hơn.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ người độc thân đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019. Khái niệm "độ tuổi vàng" kết hôn khoảng từ 22 đến 30 tuổi vốn được đưa ra làm chuẩn mực xã hội và khoa học, hiện đang bị thực tiễn đánh giá lại. 

Ở đô thị kinh tế lớn của cả nước như TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…, các bạn trẻ mang tâm lý "độc thân cho khỏe" vì cuộc sống kinh tế và tinh thần khá độc lập. Khía cạnh độc thân này cũng còn thể hiện thêm khi hôn nhân đổ vỡ, người ta không mặn mà để bước ngay vào cuộc hôn nhân tiếp theo, đặc biệt là phụ nữ.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và giới, năm 2022, Việt Nam có khoảng 60 ngàn vụ ly hôn mỗi năm; tỉ lệ độc thân chiếm khoảng 2,5% dân số, trong đó chủ yếu là nữ giới, chiếm 87,6%. 

Việc ly hôn và chọn cuộc sống độc thân cũng dẫn tới số lượng mẹ đơn thân tăng nhiều lên ở một xã hội hiện đại, khi người phụ nữ tự lo được ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống.

Tranh cãi và thực thi

Khi đề xuất "đánh thuế người độc thân" được đưa ra tại Hàn Quốc, tại quốc gia này đã nổ ra cuộc tranh luận dữ dội. Việc đưa ra ý tưởng này dựa trên việc tăng tỉ lệ sinh là nhu cầu cấp thiết để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia và người độc thân sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội khi họ về già. 

Dù có nhiều ý kiến chỉ trích nhưng qua cuộc khảo sát hơn 4.000 người trong độ tuổi 20-50 thì có 21% ủng hộ việc đánh thuế người chưa lập gia đình hoặc người không sinh con. Việc này chưa được thực thi và có vẻ rất cảm tính, song cũng đã đánh động tới tỉ lệ sinh thấp ở nhiều quốc gia.

Tại Nhật Bản, năm 2022 có 800 ngàn trẻ em được sinh ra, đây là con số thấp nhất kể từ khi nước này kiểm đếm số ca sinh vào năm 1899. Singapore cũng là quốc gia có tỉ lệ sinh thấp do người trẻ cho rằng, chi phí sinh hoạt quá cao, quá đắt đỏ.

Tại Việt Nam, năm 2022, tổng tỷ suất sinh của TPHCM là 1,39 con/phụ nữ; và trong năm 2023 ước tính 1,42 con/phụ nữ, theo số liệu của Cục Dân số, Bộ Y tế. Việc người phụ nữ ngại sinh con, đặc biệt ở tầng lớp có thu nhập cao, dân trí cao cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số quốc gia.

Để cải thiện và thay đổi tình hình, một số quốc gia châu Á có những hành động cụ thể. Thành phố Akashi của Nhật Bản đang thực hiện các chính sách chăm sóc người dân chu đáo: trẻ em được chăm sóc y tế miễn phí tới năm 18 tuổi, được ăn trưa miễn phí ở trường tới năm 15 tuổi; các gia đình có 3 trẻ trở lên được đi học mẫu giáo công lập miễn phí; trẻ dưới 1 tuổi được nhận tã miễn phí.

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc khuyến khích phụ nữ sinh thêm con bằng cách giải quyết các vấn đề chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn. Thành phố này đã chi 370 triệu USD vào các chương trình hỗ trợ "cha mẹ tương lai".

Tại Việt Nam, vào tháng 8/2023, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, sau khi đưa thông tin về tổng tỉ suất sinh của TPHCM đang ở mức rất thấp thì cho biết Sở này đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 659 ngày 2/3/2023 về chương trình điều chỉnh mức sinh tới năm 2030; đồng thời đề xuất trong dự thảo về chính sách dân số tại TPHCM đến năm 2030. 

Theo đó, đề xuất ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con; hỗ trợ viện phí, kinh phí đồng chi trả ngoài BHYT thanh toán cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn để nâng cao chất lượng dân số... 

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa thấy thông tin gì cập nhật thêm sau đề xuất này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm