pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân gây mất giọng và cách chữa nhanh nhất ngay tại nhà
Bị mất giọng không phải là một loại bệnh mà là một triệu chứng khiến giọng nói khàn hơn, rè hơn, cảm giác đặc hơn và thậm chí là khó khăn để phát ra tiếng nói thay vì giọng nói trong trẻo như bình thường.
1. Bị mất giọng là bệnh gì?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra mất giọng, bao gồm:
- Cảm lạnh
Mất giọng khi cảm lạnh thường xảy ra do sưng viêm của các dây thanh quản, mà phổ biến nhất là do nhiễm virus. Khi các dây thanh quản bị sưng viêm, chúng có thể không hoạt động bình thường, khiến cho giọng nói của bạn trở nên khàn khàn hoặc thậm chí mất hẳn.
Ngoài ra, việc ho hoặc khạc nhổ liên tục khi bị cảm lạnh cũng có thể khiến cho dây thanh quản bị tổn thương tạm thời dẫn tới bị mất giọng.
- Sử dụng giọng nói quá mức
Mỗi lần bạn nói hoặc hát, bạn sử dụng các cơ khác nhau, bao gồm một số cơ ở miệng và cổ họng. Giống như các cơ khác trong cơ thể, việc sử dụng quá mức các cơ như la hét, nói to liên tục sẽ dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng và chấn thương vùng họng, cụ thể là các dây thanh quản bị sưng, viêm thậm chí là xuất huyết, phồng rộp dây thanh quản tạm thời.
Với ca sĩ, kỹ thuật hát sai theo thời gian cũng có thể gây khàn giọng hoặc bị mất giọng.
- Hút thuốc
Khói thuốc lá khiến dây thanh quản bị kích ứng, đặc biệt là người có thói quen thường xuyên hút thuốc lá. Theo WebMD, các nghiên cứu cho thấy những người đã và đang hút thuốc có khả năng mắc chứng rối loạn giọng nói cao gấp ba lần so với những người không bao giờ hút thuốc.
Nói cách khác, hút thuốc lá có thể gây mất giọng do các hóa chất độc hại trong khói thuốc gây kích ứng và viêm nhiễm các dây thanh quản. Nicotine và các chất độc khác từ thuốc lá có thể làm suy yếu chức năng của dây thanh quản, khiến chúng sưng lên và cản trở chức năng rung bình thường cần thiết cho việc tạo ra âm thanh.
Về lâu dài, hút thuốc còn có thể gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư dây thanh quản, làm thay đổi giọng nói hoặc mất giọng vĩnh viễn.
- Dị ứng
Người bị dị ứng có thể bị mất giọng do việc cơ thể tạo ra các phản ứng dị ứng dẫn tới sưng viêm trong cơ thể, bao gồm cả vùng mũi họng và dây thanh quản.
Việc tiết dịch nhầy nhiều hơn khi bị di ứng cũng khiến chất nhầy chảy xuống thanh quản hoặc phải liên tục hắng giọng, từ đó kích thích các cơn ho hoặc khàn giọng. Ngoài ra, dị ứng cũng có thể dẫn đến phản ứng co thắt của các cơ quanh đường thở, làm giảm không gian giọng nói và ảnh hưởng đến chất lượng giọng nói.
Bên cạnh đó, thuốc kháng histamin chữa dị ứng có thể làm khô chất nhầy trong cổ họng. Điều này có thể gây hại cho dây thanh quản do dây này cần độ ẩm để hoạt động bình thường.
- Viêm khớp dạng thấp
Nhìn có vẻ không liên quan nhưng viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn khiến khớp bị sưng, đau và viêm cứng khớp. Theo WebMD thì cứ 3 người bị viêm khớp dạng thấp thì có 1 người gặp vấn đề về giọng nói, đó có thể là đau họng hay bị mất giọng.
Điều này được giải thích là do tình trạng viêm có thể ảnh hưởng tới cả các khớp nhỏ ở mặt và cổ họng, gây ra các vấn đề về hô hấp cũng như chức năng dây thanh quản.
- Vấn đề tuyến giáp
Tuyến giáp, nằm ở vùng cổ trước, ngay dưới sụn nhẫn, gồm 2 thùy được nối bởi một eo tuyến giáp. Các tế bào nang trong tuyến sinh ra 2 hormone tuyến giáp chính: Tetraiodothyronine (thyroxine, T4) Triiodothyronine (T3). Hai hormone tuyến giáp này kiểm soát một số chức năng của cơ thể, chẳng hạn như làm tăng hoạt động tế bào, tăng cường chuyển hóa glucid làm tăng đường huyết và tăng cường chuyển hóa lipid tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động,...
Khi tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormone này, một triệu chứng phổ biến có thể gặp phải là giọng nói bị khàn. Trong trường hợp bị bướu cổ, người bệnh có thể bị ho nhiều hơn và gặp các vấn đề với giọng nói. Một khối u ở tuyến giáp , hoặc một nốt sần, cũng có thể ảnh hưởng đến giọng của bạn.
- Trào ngược dạ dày - thực quản
Trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng axit từ dạ dày chảy ngược lên thực quản, gây kích thích niêm mạc thực quản và cả dây thanh quản, ảnh hưởng tới giọng nói của người bệnh. Quá nhiều chất nhầy trong cổ họng cũng gây khàn giọng và thở khò khè.
- Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là tình trạng thanh quản bị viêm do hoạt động quá mức, bị kích ứng hoặc nhiễm trùng. Trong một số trường hợp người bị viêm thanh quản có thể bị mất giọng thay vì chỉ khàn giọng nhẹ.
- Hạt xơ dây thanh
Xuất hiện trên dây thanh làm cho 2 dây thanh đóng không kín. Thường gây ra tình trạng khàn tiếng kéo dài, hụt hơi, mệt mỏi.
- Nang nước dây thanh
Khiến cho dây thanh đóng không kín nên tiếng nói bị khàn, có cảm giác vướng, đau họng.
- U lành thanh quản
U lành thanh quản chẳng hạn như u xơ, polyp khiến thanh quản không đóng kín được và dẫn tới khàn tiếng và thay đổi giọng nói. Đôi khi khối u phát triển lớn hơn khiến dây thanh bị chèn ép dẫn tới khó thở.
- Ung thư thanh quản
Bị mất giọng có phải ung thư thanh quản? Thực tế ung thư thanh quản ở giai đoạn sớm thường có biểu hiện bị khàn giọng, mất giọng kéo dài. Các dấu hiệu ung thư thanh quản khác bao gồm: Đau họng hoặc có cảm giác nghẹn ở cổ họng, ho kéo dài, khó thở và thở kém, đau tai, giảm cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, xuất hiện khối u ở cổ.
2. Cách chữa mất giọng nhanh tại nhà
Bị mất giọng có thể gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày. Tùy từng nguyên nhân gây mất giọng là gì mà cách chữa mất giọng cũng có thể có khác biệt nhất định. Nhưng nhìn chung thì theo Health, để chữa mất giọng, bạn có thể:
- Tránh nói chuyện: Nếu bị mất giọng, điều quan trọng đầu tiên chính là để cho dây thanh được nghỉ ngơi và phục hồi. Thay vì tiếp tục nói chuyện, hò hét khiến dây thanh bị kích thích và trầm trọng thêm tình trạng sưng viêm và làm chậm quá trình chữa lành của cơ thể. Cố gắng nói càng ít càng tốt, nếu được hãy nói giọng ở âm lượng thấp hơn (nhưng không phải nói thì thầm).
- Nghỉ ngơi: Bị bệnh, chẳng hạn như cảm lạnh hay cảm cúm khiến bạn bị mất giọng thì việc nghỉ ngơi là rất cần thiết. Nghỉ ngơi đầy đủ giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngược lại, thiếu ngủ có thể khiến chức năng miễn dịch suy yếu cũng như tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng khác.
- Uống nước: Duy trì đủ nước là điều rất quan trọng đối với sức khỏe giọng nói, đặc biệt là vì dây thanh quản được lót bằng một lớp niêm mạc cần nhiều nước để hoạt động bình thường. Nếu cơ thể bị mất nước do uống không đủ hoặc khi bị bệnh, lớp niêm mạc này trở nên dày và dính hơn, khiến cho việc sử dụng giọng nói trở nên khó khăn, đau đớn hơn.
Thêm vào đó, cần chú ý các loại thuốc không kê đơn (OTC) có thể có tác dụng phụ làm khô dây thanh, chẳng hạn như thuốc dị ứng và thuốc cảm lạnh. Nói chuyện với bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng phụ này.
- Máy tạo độ ẩm: Hít không khí ẩm làm tăng độ ẩm ở đường hô hấp trên và có thể giúp loại bỏ bất kỳ chất tiết nào do cảm lạnh hoặc virus gây ra. Nếu không có máy tạo độ ẩm, bạn có thể tắm nước nóng và ngồi trong phòng tắm trong 15 - 20 phút để hít thở không khí ẩm để làm dịu đường thở.
- Tránh các chất gây kích ứng: Cố gắng tránh bất cứ thứ gì có thể gây kích ứng cổ họng hoặc dây thanh quản. Điều này có thể bao gồm hút thuốc, rượu, thức ăn cay và các chất gây kích ứng khác như ô nhiễm ngoài trời, chẳng hạn như khói bụi và không khí bị ô nhiễm. Nghiên cứu cho thấy hút thuốc có thể làm chậm quá trình phục hồi họng, khiến giọng nói không trở lại nhanh như khi không hút thuốc.
Cố gắng tránh bất cứ thứ gì có thể gây kích ứng cổ họng hoặc dây thanh quản (Ảnh: ST)
- Thay đổi chế độ ăn uống: Đôi khi, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản gây mất giọng hoặc khàn giọng. Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giọng nói trở lại sớm hơn, đặc biệt là đối với người bệnh. Những điều chỉnh này bao gồm cắt giảm thực phẩm cay, đồ uống có chứa caffein, thực phẩm chiên rán,... Đồng thời cần tránh ăn khuya và cố gắng không ăn bất cứ thứ gì trong vòng ba giờ trước khi đi ngủ.
3. Khi nào bị mất giọng cần khám bác sĩ?
Nếu đã áp dụng các cách chữa mất giọng tại nhà kể trên mà giọng nói vẫn không thể trở lại bình thường hoặc bị mất giọng kéo dài trên 2 tuần đối với người trưởng thành và 1 tuần với trẻ em thì cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Ngoài ra, nếu các triệu chứng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như cúm hay cảm lạnh cần khám sớm để tránh biến chứng đường hô hấp dưới. Với ung thư thanh quản, chẩn đoán bệnh sớm có ý nghĩa lớn, giúp đáp ứng điều trị tốt và tiên lượng sống dài hơn.
Bên cạnh đó, nếu bị mất giọng kèm theo ho ra máu, xuất hiện khối u bất thường ở cổ hoặc bị mất tiếng hoàn toàn, khó nuốt, đau khi nuốt, đau khi nói chuyện, khó thở, chảy nước dãi liên tục thì cần nhanh chóng khám ở cơ sở uy tín.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm khám các triệu chứng bệnh, tiền sử gia đình và chỉ định thêm các xét nghiệm máu hay chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra nguyên nhân bị mất giọng là gì. Người bị mất giọng không nên tự ý mua thuốc uống hay chữa mất giọng bằng bài thuốc dân gian khiến việc chẩn đoán bệnh gặp khó khăn hoặc bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.