Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Dù thời chiến hay thời bình, vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng

NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG MỸ HOA: DÙ THỜI CHIẾN HAY THỜI BÌNH, VẪN GIỮ VỮNG NIỀM TIN CHIẾN THẮNG

11 năm lao tù với bao hình thức tra tấn dã man vẫn không thể khuất phục được ý chí sắt đá của người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trương Mỹ Hoa. Bởi với bà, mạng sống con người là quý nhất nhưng khi đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng thì không gì có thể đánh đổi được. Trong không khí cả nước đang hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã có những chia sẻ về một thời hoa lửa.

PV: Thưa bà, trải qua 11 năm lao tù, nếm trải biết bao hình thức tra tấn dã man, điều gì đã giúp bà vượt qua những tháng ngày nơi đia ngục trần gian ấy?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Ở trong tù có nhiều hình thức tra tấn, âm mưu thủ đoạn và đòn roi của địch. Không riêng gì tôi mà các chị em, đồng đội khác cũng vậy. Điều giúp tôi vượt qua chính là niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và sự chính nghĩa của cách mạng. Bên cạnh niềm tin đó, thì cũng khẳng định rằng trên đường đi đến chiến thắng ấy chưa chắc đã có mình. Mạng sống là cái cao nhất, quý nhất. Đã xác định rằng có thể hy sinh, mạng sống còn không tiếc, thì tất cả vật chất mà địch hay bày trò dụ dỗ là điều tầm thường.

Những ngày ở nhà tù Côn Đảo, tù chính trị và các tù nhân khác hay bị kiết lị, thương hàn, chỉ cần một mũi thuốc là có thể khỏi. Để làm lung lay ý chí của những người tù chính trị, kẻ thù đã dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ như chỉ cần gật đầu chịu chào cờ thì sẽ được tiêm thuốc và được sống. Nếu người chiến sĩ cách mạng ham sống sợ chết thì cách mạng khó có thể thành công như hôm nay.

PV: Công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh hẳn có nhiều khó khăn, thách thức, thưa bà?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Hồi đó khó khăn, thách thức nhiều lắm. Cán bộ rất nhiều nguồn, chúng tôi người trong chiến khu ra, người từ tù về, và cơ sở tại chỗ chưa ai biết phải quản lý thành phố như thế nào. Trước kia chỉ là tinh thần dũng cảm, chiến đấu để chống lại kẻ thù. Bây giờ, sạch bóng quân thù rồi, phải lo cho dân thế nào? Tiếp quản thành phố giữa ngổn ngang công việc, có rất nhiều vấn đề phải lo như: Thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở cơ sở, tiếp nhận trình diện cải tạo số nguỵ quân nguỵ quyền, thu gom vũ khí, vấn đề an ninh trật tự đường phố; các tệ nạn xã hội như: xì ke ma tuý, mại dâm; vấn đề nghèo đói, thất nghiệp... Các đồng chí lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ đã nói, giải quyết việc thành phố phải bắt đầu giải quyết từ những việc lớn, quan trọng đến những việc nhỏ. Do đó, chúng tôi phải đi từng vấn đề để giải quyết.

Từ thực tiễn rút ra kinh nghiệm, sau đó có lực lượng chi viện từ miền Bắc vào, anh em miền Nam tập kết về, nên công việc dần dần ổn định. Sau một năm, lực lượng thanh niên xung phong của thành phố ra đời. Đó cũng là nơi tập hợp, kêu gọi lực lượng đi vùng kinh tế mới khai hoang, lập nghiệp, đưa người thất nghiệp đến những vùng đất mới, tạo cuộc sống mới… Khó khăn lắm nhưng với tinh thần lạc quan, phấn khởi, mọi người ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh. Công tác quản lý thành phố ban đầu gặp nhiều khó khăn. Song với ý chí quyết tâm, chúng tôi tự học và giải quyết toàn bộ vấn đề của thành phố trong một thời gian ngắn.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Dù thời chiến hay thời bình, vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng- Ảnh 1.

Cựu tù cách mạng Trương Mỹ Hoa cùng chồng - ông Hà Văn Hiển, nguyên Phó trưởng ban Tài chính - Quản trị Trung ương, cũng là cựu tù chính trị, về thăm lại nhà tù Côn Đảo - Ảnh: Minh Tuấn

PV: Xin bà cho biết, công tác vận động người dân thành phố chung tay với chính quyền cách mạng trong công cuộc tái thiết lúc đó đã được thực hiện như thế nào?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Tại Sài Gòn thời đó, bên cạnh một số gia đình giàu có, thì vẫn còn một số lớn là lao động nghèo, đặc biệt là thanh niên thất nghiệp. Cuộc sống sau ngày 30/4/1975 có nhiều đổi khác, mọi người đều phải lao động, phải có việc làm để sống. Thông qua giáo dục, trải nghiệm cuộc sống thực tế, hướng dẫn tổ chức cuộc sống lại cho bà con, dần dần người dân cũng hiểu ra rằng cần phải lao động để sống. Đơn cử là việc đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ hoàn lương, giúp chị em có nghề nghiệp để kiếm sống một cách chính đáng, bằng chính sức lao động của mình, trả lại phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam. Những lớp dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, hướng cho họ vào các xí nghiệp, xưởng may đều được mọi người chung tay góp sức. Quá trình ấy vất vả, công phu, phải dựa trên tình thương thật sự và sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân thành phố mới làm được.

PV: Là lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn đầu Đổi mới (1986 - 1998), bà đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Hồi đó đến giờ, Đảng phân công việc gì, tôi đều sẵn sàng làm, coi đó là vinh dự và trách nhiệm. Đối với tôi, việc gì khó tôi cũng cố gắng làm. Khi ra công tác tại Trung ương Hội, tôi có những cái khó của mình vì hồi giờ, tôi hoạt động ở cơ sở, giờ ra trung ương giống như từ suối ra biển lớn. Lúc đó, 2 con của tôi đều còn nhỏ, đứa út mới 4 tuổi, đứa lớn 10 tuổi, nhưng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ và công tác xa nhà. Gia đình tôi cũng có người băn khoăn rằng 2 đứa trẻ cần sự chăm sóc và dạy dỗ của mẹ, nhất là 2 con đều là con gái. Ba mẹ tôi trước kia đã kẻ Nam-người Bắc, giờ tôi cũng thế. Trước khi nhận nhiệm vụ, bản thân tôi cũng có chút trăn trở, liệu mình có thích nghi được không, mình có thể làm tốt, bao quát được không? Nhưng tôi tin tưởng vào tập thể Hội sẽ giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, vì vậy những băn khoăn đã được giải toả. Và cuối cùng, tôi thấy quyết định của mình là đúng đắn.

Thời gian ở Hội, tôi đã làm hết sức mình. Hội LHPN Việt Nam là một đoàn thể có nhiều khó khăn, nhưng Hội có tầm nhìn, có ý thức tự lực từ sớm. Khi đất nước mở cửa, Hội đã nhanh chóng hội nhập, kết nối với các tổ chức quốc tế, khai thác dự án, dùng ngoại lực củng cố nội lực, giải quyết những khó khăn bên trong như: Vận động nguồn lực thực hiện các dự án hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo, vấn đề kế hoạch hoá gia đình, vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, vấn đề nâng cao kiến thức cho bà mẹ; xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ cho phụ nữ dân tộc thiểu số… Ước tính, từ lúc tôi công tác ở Hội đến khi sang Quốc hội, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai khoảng 300 dự án lớn nhỏ.

Các phong trào thi đua do Hội phát động luôn có tính thực tiễn rất cao. Thời đó, trước khi đề ra phong trào gì, chúng tôi đều có khảo sát. 4 đoàn khảo sát trên phạm vi cả nước đi về, thống nhất với nhau có 2 vấn đề cần giải quyết: Một là tình trạng trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Hai là vấn đề việc làm cho phụ nữ. Từ đó, Đoàn chủ tịch chúng tôi đã phát động "cuộc vận động phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình; phụ nữ nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học". Nội dung giúp nhau ở đây là thể hiện tính tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phụ nữ. Sau khi thực hiện cuộc vận động có hiệu quả, khoảng 2 năm thì tổng kết và đẩy lên thành phong trào thi đua của phụ nữ cả nước. Đó là phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Phụ nữ nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học". Phong trào này được nâng lên không phải làm kinh tế như trước, mà là phát triển kinh tế, vì mục tiêu của Đảng lúc đó đề ra là: Dân giàu - nước mạnh - xã hội công bằng - dân chủ - văn minh. Nếu dân giàu thì phụ nữ cũng phải biết làm giàu, do đó, không giữ mức làm kinh tế mà phải nâng lên là phát triển kinh tế gia đình.

Về phía Hội, chúng tôi triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các bà mẹ về vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ cũng như sự cần thiết của việc cho con đến trường. Cách làm như vậy vừa vững chắc vừa đi vào những vấn đề cơ bản, thiết thực với phụ nữ.

Ngoài ra, Hội đã đề xuất, tham mưu với Chính phủ để Hội LHPN Việt Nam có chức năng tham gia quản lý Nhà nước. Và Quyết định số 163/HĐBT năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành bản Quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước là một bước tiến của phụ nữ thời kỳ đó. Mặt khác, để chuẩn bị đón đầu thời kỳ mới của đất nước, Đảng Đoàn Phụ nữ cũng tham mưu cho Bộ Chính trị đề ra Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 12/8/1998 về Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Đó là một Nghị quyết quan trọng, giúp cho phụ nữ chuẩn bị bước vào thời kỳ mới một cách chủ động.

Quãng thời gian 12 năm công tác ở Hội LHPN Việt Nam đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Ở đây, tôi thực sự hiểu sâu sắc thêm về người phụ nữ, về trách nhiệm xã hội cũng như những tố chất, những vấn đề của giới nữ. Càng hiểu, tôi càng yêu công việc này hơn. Với vai trò của mình, tôi luôn cố gắng làm sao để nâng cao vị thế của người phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong cuộc sống thường ngày  -                                            Ảnh: Minh Tuấn

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong cuộc sống thường ngày - Ảnh: Minh Tuấn

PV: Năm 2007, sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục phát triển Quỹ học bổng Vừ A Dính, rồi Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu". Sức mạnh nào đã khiến người phụ nữ ở tuổi 80 như bà vẫn "lên rừng xuống biển", hết mình với các hoạt động vì cộng đồng?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Thực ra, tôi thực hiện quỹ học bổng từ năm 1999, lúc đó, tôi làm Phó Chủ tịch Quốc hội, được Trung ương Đoàn đề xuất và Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh phân công. Tôi nhận thấy, bình đẳng giữa 54 dân tộc là một vấn đề lớn, trẻ em dân tộc thiểu số rất cần sự chăm lo của cộng đồng. Nghèo đói, thất học… là những góc khuất, cần có trợ lực để chắp cánh ước mơ cho các cháu.

Năm 2014, sau khi xây dựng xong 2 trường học ở đảo Trường Sa lớn, nhiều ý kiến cho rằng phải làm gì thêm cho biển, đảo quê hương. Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào biển đông, Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" đã ra đời, nhằm kết nối những tấm lòng mong muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, để các chiến sĩ, ngư dân yên tâm bám biển, bám đảo. Nếu như Quỹ học bổng Vừ A Dính là "lên rừng" thì bây giờ có thêm hoạt động "xuống biển". Sức tôi có hạn nhưng trong thâm tâm của mình, nếu làm được việc gì góp sức cho Đảng, Nhà nước thì tôi làm ngay. Bên cạnh đó, tôi còn được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo tâm huyết và những tổ chức, cá nhân hiểu và đồng hành cùng chúng tôi. Các cháu nhận được sự chăm lo của cộng đồng; về phần mình, các cháu lại nỗ lực học hành, xứng đáng với sự chăm lo đó. Điều đó trở thành niềm vui chung, cũng là động lực, là sức mạnh để tôi bước tới.

PV: Nhìn lại hơn 65 năm cống hiến của mình, từ những ngày đầu tham gia cách mạng đến nay, điều gì khiến bà tự hào và điều gì còn trăn trở, thưa bà?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Đến bây giờ nhìn lại, tôi tự hào vì đã cố gắng, nỗ lực làm tốt những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tôi luôn toàn tâm toàn ý cho công việc. Là chủ nhiệm CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu", điều trăn trở của tôi đó là: đã 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải, Nam Bắc sum họp một nhà, nhưng Hoàng Sa vẫn chưa được về với đất Mẹ. Và CLB mới chỉ làm được công việc tuyên truyền, chưa góp phần gì cho Hoàng Sa. Thứ nữa, tôi mong muốn Quỹ Học bổng Vừ A Dính sẽ ngày càng lớn mạnh, vận động và trao được nhiều suất học bổng cho các cháu.

PV: Thưa nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có ý nghĩa như thế nào với bà?

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Tôi thấy vui, phấn khởi vì nhân dân cả nước nô nức đón chào Ngày Thống nhất, một luồng sinh khí mới trong cả nước của chúng ta đã lan toả đến kiều bào và bạn bè các nước. Công tác tổ chức hoành tráng, vừa biểu dương lực lượng, vừa nâng cao khí thế, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhiều cuộc gặp gỡ rất xúc động, nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ biết ơn sự hy sinh của các thế hệ cha ông để đất nước có được nền độc lập tự do, hòa bình như hôm nay. Sắp tới, chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước. Đất nước ta đang bước vào Kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi tin rằng, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng đế quốc, giành độc lập, tự do, thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước thì chúng ta sẽ tiếp tục thắng lợi khi bước vào kỷ nguyên mới.

PV: Trân trọng cảm ơn bà đã chia sẻ!

Tính đến nay, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã trao hơn 130.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên. Mô hình của các dự án đầu tư theo chiều sâu đã được hình thành với hơn 1.700 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số và vùng hải đảo được thụ hưởng; hàng chục ngôi trường, điểm trường và cây cầu, hàng trăm ngôi nhà chính sách và nhà đồng đội đã được xây dựng...

Với Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu", tổng số cá nhân tham gia Câu lạc bộ này lên đến 5.183 người và số tập thể là 179 đơn vị cùng hàng ngàn thành viên kết nối trên Facebook. Qua 10 năm hoạt động, Câu lạc bộ ngày càng lớn mạnh và thu hút nhiều tầng lớp, nhiều thành phần tham gia. Lực lượng hội viên nòng cốt có tại 55 tỉnh, thành và ở một số quốc gia như: Úc, Pháp, Ba Lan, Hungary, Áo, Séc, Slovakia, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nga.

Phước Long (Thực hiện)