Ông Phan Trọng Kính (sinh năm 1954) nhớ lại, năm 1972, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng tại Liên Xô, về nước, ông được phân công về Bộ Kiến trúc (bây giờ là Bộ Xây dựng) phụ trách thi công một số công trình tại Hà Nội.
Vài tháng sau, ông Kính được điều động lên giúp việc cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng phụ trách xây dựng.
Kinh qua nhiều vị trí, trong suốt quá trình làm việc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đề xuất với Bộ Chính trị và Quốc hội nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng các chính sách lớn của đất nước như: Giải quyết nhanh chóng nạn lạm phát phi mã hồi năm 1988-1989; xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, khuyến khích cán bộ, sinh viên công tác và học tập ở nước ngoài mang hàng về nước, miễn thuế…
Ông Phan Trọng Kính kể: Năm 1991, khi về thăm một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam, đến đâu Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng hỏi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, thăm hỏi các bà mẹ có con hy sinh ở Tây Ninh, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế. Cảm động nhất là có một bà mẹ ở Thừa Thiên - Huế có 5 con hy sinh, khi Tổng Bí thư đến thăm hỏi, cụ vừa lau nước mắt vừa nói: "Gia đình tôi đã mất hết, các con tôi đã mất hết, nhưng mà đất nước được độc lập và có được hòa bình như hôm nay, thế là tôi cũng toại nguyện rồi...".
Sau chuyến thăm, Tổng Bí thư Đỗ Mười về trao đổi với Chủ tịch nước Lê Đức Anh và báo cáo Bộ Chính trị nên có hình thức tôn vinh một cách xứng đáng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một thời gian sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Cũng thời gian này, có việc nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình đấu tranh trước tình trạng một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng nhiều năm liền. Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã về thăm Thái Bình và gặp gỡ các bí thư xã và cán bộ lão thành. Sự việc xảy ra ở một số xã ở Thái Bình rất nghiêm trọng, ở đây đã có tình trạng cán bộ xã tham nhũng, lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; chính quyền làm việc gì, dân hầu như không được biết, được bàn, nếu dân có ý kiến thì bị chính quyền ngăn chặn ngay tức khắc.
Khi trở về, một cuộc họp đã được Tổng Bí thư Đỗ Mười triệu tập với sự tham gia của các ngành có liên quan. Cùng với đó là nhiều cuộc kiểm tra thực tế tại các địa phương, các cơ quan, trường học, bệnh viện, các đơn vị sản xuất. Kết quả là sự ra đời của Chỉ thị số 30-CT/TW về Quy chế dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.
Về công tác đối ngoại, tiếp xúc với các nhà ngoại giao, các nguyên thủ, các chính khách nước ngoài… Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn giữ một thái độ thẳng thắn, cởi mở, chân tình, tự tôn dân tộc, một tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng, chủ động, có sức thuyết phục, gây được cảm tình đối với bạn bè quốc tế.
Khi được bầu làm Tổng Bí thư trong bối cảnh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước gặp rất nhiều khó khăn, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước.
Những câu nói nổi tiếng như: "Đổi mới không đổi màu", "Hội nhập không hòa tan"; "Xoá bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai", hoặc "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới"... đều xuất phát từ thực tế khi ông tiếp xúc với đồng bào hoặc các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài.
Tấm gương cần, kiệm, liêm chính, hết mình vì nhân dân
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất thông cảm với những hoàn cảnh éo le và những khúc mắc của nhân dân. Ông Kính cho biết, khi còn làm Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười hằng ngày đều dành 1 giờ đồng hồ đến Vụ Thư từ để đọc đơn thư của người dân, việc nào giải quyết ngay được thì giải quyết, việc nào chưa giải quyết được thì gọi lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại cho ông biết.
Ông Kính kể có lần đang trên xe, Tổng Bí thư Đỗ Mười thấy một cụ ông cầm đơn thư giữa trời mưa to, Tổng Bí thư đã xuống xe hỏi han tình hình, tiếp nhận đơn thư và chỉ đạo bộ phận chức năng giải quyết vụ việc của ông cụ.
Trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn thực hiện tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Khi đến dự các cuộc họp tại Hà Nội, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ là ông góp ý phải hết sức tiết kiệm. Ông nói: "Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh có được không? Nước chè xanh vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ nữa. Còn ăn uống cũng nên hạn chế, tránh lãng phí".
Lần khác, khi dự cuộc họp bàn về thương nghiệp tại Nam Định với đại biểu các tỉnh ở phía Bắc về dự. Đến trưa, tỉnh tổ chức bữa cơm thân mật nhưng rất thịnh soạn, bày biện nhiều món, thừa nhiều, Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ ăn qua loa và trước khi ra về, ông nhắc nhở các tỉnh phải hết sức tiết kiệm, không nên lãng phí như bữa ăn trưa nay.
Trong sinh hoạt hằng ngày của ông cũng rất giản dị từ chuyện ăn uống đến đồ đạc, vật dụng trong gia đình.
Ông Kính nhớ lại, có lần một nữ phóng viên Reuters xin được vào thăm nhà Tổng Bí thư Đỗ Mười để tìm hiểu xem đời sống của các vị nguyên thủ Việt Nam ra sao, có khác gì so với đời sống của các vị tổng thống, thủ tướng ở các nước khác.
Sau khi trò chuyện về gia đình, vợ con, cuộc đời hoạt động, nữ phóng viên Reuters được thăm thư viện và cũng là nơi làm việc của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ấn tượng để lại cho nữ phóng viên là trên các giá sách, rất nhiều cuốn sách được đọc và gạch chân trong rất nhiều trang.
Trong suốt 46 năm giúp việc cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Kính luôn nhận thấy một tấm lòng luôn làm hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến bản thân, dù là một việc nhỏ.