'Nhà giàu mới sắm được đồ chơi thủ công cho con'

31/05/2016 - 20:54
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, đồ chơi Việt Nam nói chung hay đồ chơi thủ công nói riêng đang bị trẻ em lãng quên, nhưng thực tế, nhiều phụ huynh phàn nàn, giờ phải có tiền thì mới sắm được đồ chơi thủ công cho con.
Tết Thiếu nhi năm nay, trên phố đồ chơi Lương Văn Can, Hàng Mã, hàng Trung Quốc vẫn đa dạng, bắt mắt với các mặt hàng như ô tô, rô bốt, máy bay, súng, bộ đồ chơi nhà bếp, y tế, thú bông, búp bê… Nhưng đồ chơi “made in Vietnam” cũng đã chiếm số lượng nhiều hơn trước đây. Ngoài một số loại đồ chơi truyền thống như: trống, mặt nạ thì đã xuất hiện thêm con quay Tosy, đĩa bay Tosy, đồ chơi xếp hình, thú bông, bảng chữ cái, mô hình bằng gỗ, nhiều loại đồ chơi được phát triển từ các trò chơi dân gian như cờ người, ô ăn quan… Đặc biệt, những mặt hàng đồ chơi được làm thủ công như mặt nạ giấy bồi, diều gắn sáo cũng được bầy bán nhiều hơn so với mấy năm trước.
mat-na-giay-boi.jpg
 Một chiếc mặt nạ giấy bồi có giá 50.000 đồng/chiếc, khá đắt nên ít người tiêu dùng lựa chọn
Nhân thức được giá trị văn hóa từ những món đồ chơi thủ công nên 1/6 năm ngoái, chị Thanh Hoa (phố Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) mua cho con một chiếc diều được làm thủ công, có gắn sáo với giá 300.000 đồng để cháu thả diều dưới sân chung cư cùng các bạn. Chị bảo: “Tôi muốn bọn trẻ được sống trong không gian cổ tích với những nhân vật chú Tễu, chú Cuội, Thị Nở, để trẻ thấm nhuần đạo lí cha ông thời xưa...”.

Thừa nhận rằng, chiếc diều của con mình độc đáo nhất trong số những chiếc diều của lũ trẻ trong khu chung cư: kiểu dáng, âm thanh… nhưng bù lại, chị Hoa phải bỏ số tiền đắt gấp 10 lần một chiếc diều Trung Quốc. Trung Thu năm ngoái, chị cũng cũng mua chiếc đèn kéo quân làm thủ công với giá 280.000 đồng trong khi một chiếc đèn lồng Trung Quốc của trẻ con trong khu chỉ có giá 50.000 đồng. Chị kết luận: “Chỉ có nhà giàu mới có thể chơi đồ chơi thủ công. Năm nay ngoài mua quà cho con, tôi cần mua quà cho các cháu trong nhà nữa. Nếu ‘sính’ đồ thủ công thì tôi phải mất hàng triệu đồng tiền mua quà cho lũ trẻ”. Vì thế, dẫu rất mê các món đồ chơi dân gian, muốn tẩy chay đồ chơi Trung Quốc nhưng chị Hoa không thể cưỡng lại.

Anh Quang - chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết: "Những mặt hàng đồ chơi thủ công không phong phú mẫu mã, chỉ có một số ít phụ huynh muốn mua cho con. Ngoài ra, giá cả của mặt hàng này cũng đắt gấp 5 - 6, thậm chí gấp 10 lần so với các mặt hàng sản xuất đồng loạt. Cụ thể: mặt nạ giấy bồi có giá 50.000 đồng/chiếc, diều gắn sáo 300.000 đồng/chiếc, đèn kéo quận 320.000 đồng/chiếc... Trong khi đó, hàng thủ công không thể bền như hàng sản xuất máy móc được. Vì thế, mặt hàng này có sức tiêu thụ chỉ bằng 1/10 so với các đồ chơi khác".

Dù nỗ lực, đồ chơi nội địa vẫn 'lép vế'

Chị Hường - chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can cho biết: "Mấy năm trở lại đây, phụ huynh bắt đầu lựa chọn đồ chơi nội địa hay những đồ chơi nhập từ Thái Lan, Đức, Nhật Bản... hơn là đồ chơi Trung Quốc bởi ai cũng sợ đồ chơi Trung Quốc dễ độc lại".

Thế nhưng, anh Đinh Công Chí (tòa nhà HH4, Linh Đàm, Hà Nội) kể: "Tôi đưa con gái đi mua đồ chơi, bố thì muốn chọn đồ chơi Việt cho an toàn, nhưng con gái nằng nặc đòi búp bê Trung Quốc vì mẫu mã đẹp hơn, màu sắc bắt mắt hơn”.
thie7032.JPG
Bé gái đang chọn món đồ chơi hình con cá (hàng Trung Quốc) trên phố hàng Mã
Chị Linh Nga (nhân viên Techcombank, phố Bà Triệu, Hà Nội) nhận xét: “Mình thích đồ chơi Việt nhưng đồ chơi Việt chủ yếu là đồ chơi mang tính giáo dục nhiều hơn nên trẻ con thường không thích và nếu có lựa chọn thì người lớn phải hướng dẫn trẻ con mới chơi được".

Anh Thành - người bán hàng đồ chơi trên phố Thái Thịnh cũng cho biết: "Thực tế, thị trường đồ chơi Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở phân khúc đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi với các sản phẩm đồ chơi quen thuộc và đơn điệu như: ghế ngồi lắc lư, bàn nhạc, xếp hình, câu cá, xếp chữ...".

Theo khảo sát, một bộ xếp hình sản xuất tại Việt Nam có giá từ 180.000-250.000 đồng. Có những mặt hàng gần 400.000 đồng, trong khi đồ chơi Trung Quốc có giá khá thấp, thậm chí vài chục nghìn đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm