Nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Quý: “Tôi viết thơ thiếu nhi bằng tình cảm tự nhiên”

Khôi Nguyên Thảo (Thực hiện)
20/01/2024 - 08:55
Nhà thơ áo lính Nguyễn Hữu Quý: “Tôi viết thơ thiếu nhi bằng tình cảm tự nhiên”

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Đó là chia sẻ của Nguyễn Hữu Quý, một nhà thơ mang áo lính có nhiều dấu ấn sáng tạo về đề tài chiến tranh. Anh thuộc thế hệ nhà văn cầm súng trước khi cầm bút, bước chân trên dải Trường Sơn trước khi có những dấu ấn sáng tác về Trường Sơn. Về hưu, anh đã quay về quê hương Quảng Trị và đầu tư nhiều cho thơ thiếu nhi.

+ Điều gì khiến anh lấn sân thơ thiếu nhi?

Tôi viết thơ thiếu nhi từ lâu rồi. Đầu tiên là những bài thơ viết cho con, cho cháu và cách đây nhiều năm, tôi đã được giải thưởng thơ của Nhà xuất bản Kim Đồng trong cuộc vận động sáng tác viết cho thiếu nhi. Bài thơ "Xôn xao mùa hè" được đưa vào sách giáo khoa đã được tôi viết từ năm 1992, là bài thơ trong chùm 3 bài gửi một cuộc thi viết cho thiếu nhi. Ở cuộc thi ấy, tôi không được giải gì cả. Về sau, bài thơ được in vào một tuyển tập. Và có một bất ngờ, bẵng đi hàng chục năm, bài thơ được nhóm biên soạn sách giáo khoa của bộ sách Chân trời sáng tạo chọn đưa vào Sách giáo khoa lớp 4 tập 2. Nguyên văn tác phẩm này có 5 khổ nhưng nhóm biên soạn chỉ xin phép chọn 4 khổ do số lượng câu chữ phải theo quy định của một văn bản học sinh lớp 4 tiếp thu.

+ Ở tuổi hưu, quay về làm bạn cùng các cháu, đây có phải là cảm hứng để tác giả Nguyễn Hữu Quý đầu tư nhiều cho thơ thiếu nhi?

Tôi thấy rằng ở mảng thơ viết cho người lớn, về chiến tranh, người lính, mình đã đạt được một số điều gì đấy rồi nên bây giờ tôi muốn viết nhiều hơn cho thiếu nhi, là mảng mà mình từng theo đuổi. Tôi muốn thông qua những bài thơ thiếu nhi truyền tải tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người. Với nhà thơ, viết trước hết là để giải tỏa, thể hiện tình cảm. Thể hiện tình cảm của ông đối với cháu là một phạm vi rất hẹp trong tình cảm gia đình nhưng nhìn rộng ra, tôi thấy rằng thế hệ trẻ bây giờ rất cần có những tác phẩm trong sáng, đẹp đẽ và nhân văn. Những tác phẩm ấy sẽ truyền tải được cho các cháu lòng yêu đất nước, yêu quê hương, yêu gia đình, yêu thiên nhiên. Tôi nghĩ, đấy không chỉ là công việc của nhà trường, của thầy cô giáo mà còn là công việc của gia đình, của ông bà, bố mẹ, anh chị các cháu và cả những người sáng tác.

Ngoài tác phẩm tản văn Thì thầm tiếng cát của NXB Kim Đồng đã xuất bản, tôi có 3 tập bình thơ cho thiếu nhi, mỗi bản in tới 32.000 cuốn. Tôi chọn những bài thơ hay cho thiếu nhi để bình cho các cháu, giúp trang bị cho các cháu cách nhìn vẻ đẹp của một bài thơ như thế nào. Tôi có một cháu nội và 3 cháu ngoại, tình cảm ông cháu đến rất tự nhiên, gắn bó nên việc thể hiện tình cảm ấy qua thơ cũng rất tự nhiên. Nhiều bài thơ tôi viết riêng cho cháu của mình nhưng để trở thành một tác phẩm đối với công chúng thì phải mở rộng ra với những đứa cháu khác ở ngoài xã hội. Theo tôi, chơi với thiếu nhi rồi mới viết là một điều rất quan trọng, cần thiết với các nhà thơ. Gần gũi với các cháu sẽ nhìn thấy nhiều đề tài. Chỉ lo mình không đủ tài để viết cho thiếu nhi và được thiếu nhi thích mà thôi.

“Tôi viết thơ thiếu nhi bằng tình cảm tự nhiên”- Ảnh 1.

 + Viết thơ cho thiếu nhi vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi chuyện khó hay dễ. Theo anh, điều này thế nào?

Thực ra viết cho thiếu nhi hoàn toàn không dễ, thậm chí viết cho thiếu nhi thích đọc là rất khó. Như đã nói, rất may tôi có cơ hội thường xuyên tiếp xúc với các cháu để lắng nghe và biết các cháu cần đọc cái gì, thích đọc gì. Một lần đi giao lưu ở một trường tiểu học nói chuyện về văn hóa đọc, tôi có đọc một số bài thơ của mình và thấy các cháu rất hào hứng lắng nghe. Tôi thích những điều lạ, sự kịch tính khi viết cho thiếu nhi và sự yêu thích của các cháu chính là tín hiệu đẹp khích lệ cảm hứng trong tôi. Nó cho tôi biết rằng cách viết của mình được các cháu chấp nhận và tôi có niềm tin rằng, nếu mình đầu tư, viết kỹ thì sẽ viết hay cho thiếu nhi với dạng thơ thế này và chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc nhỏ tuổi.

+ Anh có thể tiết lộ những "bí kíp" để viết thơ hay cho thiếu nhi?

Bí kíp để viết được thơ mà thiếu nhi yêu thích, tôi nghĩ rằng phải gần gũi các cháu, hiểu được thế giới bên trong của các cháu. Sự hồn nhiên của các cháu bây giờ khác với sự hồn thiên của các bậc ông bà, cha mẹ và kể cả anh chị trước đây. Ngày xưa, chúng ta không thể có tầm nhìn và những thao tác về công nghệ như bọn trẻ bây giờ. Tôi cũng đọc một số bài thơ thiếu nhi được đăng trên các báo và thấy rằng, người viết hiểu chưa đúng lắm, nhìn chưa đúng lắm về sự hồn nhiên của các bạn nhỏ hiện nay. Những đứa trẻ của thời 4.0 rất khác so với những đứa trẻ trong ký ức. Thiếu nhi trong thời đại số rất khác với thiếu nhi thời chỉ chơi những trò chơi dân gian, vào những thời kỳ chúng ta đã trải qua. Dù sự hồn nhiên của trẻ thơ vẫn như thế nhưng góc nhìn, tri thức, cảm xúc của tụi nhỏ đều đã khác rồi. Thế giới của thiếu nhi bây giờ có khủng long, siêu nhân, có internet, trà sữa… mà trước đây không thể có và đứa trẻ 2 tuổi đã thích điện thoại thông minh rồi. Thế giới của trẻ thơ bây giờ làm sao giống sự hồn nhiên, ngây ngô của trẻ thơ ngày xưa được? Một đứa trẻ của vài ba chục năm về trước đương nhiên không thể nào giống tâm hồn một đứa trẻ bây giờ. Vì thế, người làm thơ, viết văn cho thiếu nhi đừng chỉ soi vào tâm hồn, kỷ niệm của mình nữa, chúng ta phải viết khác đi; vẫn là sự hồn nhiên trong sáng đấy thôi nhưng phải đặt ở thế giới hiện đại hơn.

Tất nhiên, viết cho thiếu nhi, theo tôi, cần chú ý nhiều về giá trị nhân văn, vẫn có những nét chung cần phải hướng về tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, về lòng tốt, sự tử tế của con người… Đó là những chủ đề mà muôn đời thiếu nhi cần hướng tới nhưng cách viết, hãy hiểu mình đang viết cho lứa tuổi thiếu nhi thời 4.0 chứ không phải thời xa xưa.

+ Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm