NHÀ VĂN HOÀNG ANH TÚ: TRỞ THÀNH "QUÁI XẾ" LÀ LỰA CHỌN DỄ LÀM CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG CÓ AI DẪN ĐƯỜNG
Từ vụ việc nhóm "quái xế" tông chết cô gái dừng đèn đỏ ở Hà Nội mới đây, PV Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý - nhà văn Hoàng Anh Tú để hiểu sâu hơn về hiện tượng "quái xế".
+ Mới đây xảy ra vụ nhóm "quái xế" phóng nhanh, vượt đèn đỏ, tông vào một cô gái đang dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội và khiến người này tử vong. Từ góc độ tâm lý học, anh quan điểm ra sao về vụ việc này?
Tôi đã rất đau lòng và phẫn nộ. Nhưng tôi không phẫn nộ với những đứa trẻ. Trái lại, tôi còn cảm thấy xót xa cho chúng. Bởi chúng đều là những đứa trẻ đáng thương dù hành vi của chúng là rất đáng lên án. Bởi chúng đều là những đứa trẻ cô độc, lạc lõng dù quanh chúng có hàng chục đứa bạn như chúng, nguyên cả đám cùng đua.
Chúng ta hãy nhìn sự đáng thương ở chúng rồi hẵng nói tới những lời đáng trách.
+ Có một điều rất đáng buồn, trong nhóm "quái xế" trên, có nhiều trẻ vị thành niên. Thậm chí, đối tượng trực tiếp tông và khiến nạn nhân tử vong là một người sinh năm 2008, tức là khoảng 16 tuổi. Dưới góc độ tâm lý học, anh thấy có sự liên quan gì giữa "trẻ vị thành niên" và hiện tượng "quái xế"?
Như tôi đã nói, chẳng có đứa trẻ nào sinh ra đã là "quái xế"! Là chúng bị trở thành những "quái xế" vì cuộc đời của chúng không có ai dẫn đường, không có đèn xanh, đèn đỏ nào, không có cả con đường an toàn cho riêng chúng như những đứa trẻ khác.
+ "Quái xế" có điểm gì thu hút, để khiến một bộ phận trẻ vị thành niên tham gia - độ tuổi đáng lẽ ra phải tập trung vào việc học là chính?
Không! Vốn không có hấp dẫn trong việc trở thành "quái xế" đâu.
Và tất nhiên, tập trung học hành cũng chẳng có gì hấp dẫn, thu hút chúng cả. Việc trở thành "quái xế" là một lựa chọn dễ làm của chúng thôi.
Bởi chúng ta không thể phủ nhận việc hormone phấn khích được tiết ra khi nhảy lên xe chạy với tốc độ cao, cộng với sự "ngưỡng mộ", "trầm trồ" "được ghi nhận" từ chính những đứa bạn cùng trang lứa.
Từ đó, chúng tìm thấy hạnh phúc của chúng khi làm "quái xế".
+ Dù nhiều "quái xế" tuổi đời còn rất nhỏ, có những em mới 14, 15, 16 tuổi nhưng lại khá manh động, liều lĩnh, coi thường tính mạng của mình và những người tham gia giao thông. Điều gì, nguyên nhân nào tạo nên tính cách của các em như vậy?
Tâm lý của đứa trẻ tuổi teen (13-19 tuổi) là vậy.
Đây là giai đoạn đứa trẻ khẳng định bản thân, tạo lập cái Tôi, bản sắc riêng của mình và những giá trị cho bản thân chúng.
Những đứa trẻ có một gia đình hạnh phúc, cha mẹ yêu thương con, ghi nhận con thì chúng sẽ thấy giá trị của chúng mà không cần phải đi tìm hay chứng minh với ai.
Nhiều đứa trẻ "quái xế" cũng vậy, vì chúng không có được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ, gia đình nên chúng sẽ phải đi tìm, thể hiện, chứng minh. Và chấp nhận đánh đổi cả tính mạng để có được sự thừa nhận đó.
+ Trong những trường hợp này, phải chăng vai trò của nhà trường, gia đình trong việc giáo dục các em trở thành con ngoan, trò giỏi đã không phát huy được chức năng vốn có?
Gia đình, nhà trường là "cặp bài trùng" trong việc giúp một đứa trẻ trưởng thành. Thiếu bất cứ phía nào lũ trẻ cũng thành lệch lạc.
Nếu như nhà trường là nơi dạy thì gia đình phải là nơi dỗ. Nếu như gia đình thiếu quan tâm thì dù nhà trường kỷ luật đến đâu đứa trẻ cũng sẽ rời khỏi trường là quậy phá.
Ngược lại, gia đình dù có quản lý gắt gao, nghiêm khắc với con thế nào mà đến trường chỉ toàn bạo lực học đường, thầy cô chỉ quan tâm đến thành tích thì đứa trẻ đó cũng sẽ trở thành "con nhà tôi ngoan lắm" khi con bị công an bắt.
Tôi vẫn nghĩ gia đình cũng chính là một trường học, cha mẹ là bài học sống của con.
Và ngược lại, trường học cũng chính là gia đình, nơi mà thầy cô không chỉ là người truyền dạy kiến thức (thời của AI tới rồi, robot có thể thay thế các thầy cô như thế).
+ Chấn chỉnh tình trạng này, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã thành lập chuyên án tiến hành vây bắt, hay khởi tố những đối tượng gây tai nạn thương tích, khiến người tham gia giao thông tử vong. Tuy nhiên, thực tế thì nạn "quái xế" vẫn âm ỉ diễn ra, vẫn thu hút những đối tượng trẻ vị thành niên, cũng như gây ra những va chạm, những tai nạn thương tâm cho người vô tội. Về điều này, anh có nhìn nhận gì?
Là bởi chúng ta mới chỉ xử lý phần ngọn thay vì xử lý phần gốc rễ của vấn đề.
Những "quái xế" lấy xe ở đâu đi đua thì chẳng lực lượng chức năng nào xử lý. Chúng ta mới chỉ xử phạt hành chính và phải chờ đến có người chết rồi mới xử lý hình sự. Chúng ta cũng bỏ quên cả những buổi giáo dục ngoại khoá, hoặc có thì mới chỉ mang tính hình thức mà chưa trực quan, cụ thể.
Đặc biệt là việc giáo dục pháp luật mới chỉ dừng lại ở điểm số thay vì biến nó thành kỹ năng sống còn với người trưởng thành sau này. Nếu một đứa trẻ chỉ hiểu về pháp luật như 1 bài kiểm tra cuối kỳ thì làm sao ta có 1 người lớn tôn trọng pháp luật đây?
Nếu chính cha mẹ, thầy cô cũng công nhiên vi phạm pháp luật như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, phi xe lên hè thậm chí hối lộ, đút lót để thoát phạt thì làm sao con trẻ còn thượng tôn pháp luật?
+ Khi đưa tin tác nghiệp về vụ việc nhóm "quái xế" đâm chết cô gái dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội, tôi được nghe rất nhiều ý kiến, luồng thông tin về nhóm đối tượng này, nhiều người dân, hàng xóm chỉ mong "tử hình" nhóm đối tượng trên. "Chúng nó chết quách đi, cho xã hội yên lành", một người dân nói. Ông suy nghĩ ra sao về những luồng ý kiến này?
Tôi cho rằng chúng ta chưa nhìn thấu vào sự việc này. Chúng ta cũng như những đứa trẻ kia, chỉ muốn làm điều dễ. Vì đúng là "tử hình" lũ trẻ là việc dễ, việc khó là "tử hình nạn đua xe" cơ.
Như tôi nói, hãy nhìn vào sự đáng thương của những đứa trẻ đó rồi hẵng trách chúng. Việc làm của chúng đáng trách nhưng trách nhiệm của người lớn chúng ta thì sao???
Tôi cũng thấy chúng đáng trách nhưng tôi cũng thấy mình đáng trách vì mình đã làm gì, góp gì vào việc trở thành tấm gương cho lũ trẻ nhìn vào? Nếu người lớn ai cũng thượng tôn pháp luật, cũng hiểu luật và áp dụng luật vào cuộc sống của mình thì pháp luật ấy mới được bảo toàn, được thượng tôn vậy.
Chẳng có hạt mưa nào nhận ra rằng mình cũng góp phần vào trận lũ cả là thế!
+ Trên hành trình trưởng thành của mỗi người, sẽ ít nhiều không tránh khỏi những lần mất đi định hướng, có lẽ trong đời các bạn vị thành niên cũng vậy. Đặc biệt, ở độ tuổi chưa trưởng thành về nhận thức, cũng khiến các bạn chưa biết cách để "đề kháng" với những hiện tượng tiêu cực, những nhóm bạn bè tiêu cực. Cũng vì lẽ đó, nhiều bạn từ học hành tốt, từ con ngoan trở thành những "quái xế", những người vô cảm trước số mạng con người. Thực trạng là thế, nguyên nhân của vấn đề đã được anh bóc tách, vậy còn giải pháp?
Tôi cho rằng đầu tiên vẫn phải là chính người lớn chúng ta phải thượng tôn pháp luật để lũ trẻ nhìn vào mà thượng tôn pháp luật theo.
Thứ hai, chúng ta cần xử lý phần gốc: Là nuôi dạy những đứa trẻ thế nào? Gia đình phải trở thành nơi mà đứa trẻ ấy được yêu thương, chăm sóc. Nếu cha mẹ chúng không thể làm được điều đó thì nhà trường phải có trách nhiệm làm điều đó. Lớn hơn thì là xã hội, chính quyền phải nhận lãnh trách nhiệm đó.
Như công an khu vực phải nắm được địa bàn mình quản lý, gia cảnh của mỗi đứa trẻ để có sự quan tâm, giám sát và khuyên bảo. Thậm chí là cảnh giác phòng ngừa trước khi sự việc xảy ra. Không chỉ là lập chốt xử lý người vi phạm giao thông mà còn là xử lý gốc rễ của vấn đề: Những đứa trẻ chưa đủ tuổi lái xe mà vẫn lái xe thì cha mẹ, người thân phải chịu trách nhiệm. Đừng chờ đến khi xảy ra chết người mới xử lý. Có thể tịch thu xe, tiêu huỷ như Đà Nẵng đã từng làm. Có thể yêu cầu cha mẹ ký cam kết, những học sinh đó cũng được đưa vào diện quản lý, giám sát có thời hạn.
Nhà trường không vô can với việc này, cũng phải chịu trách nhiệm cho học sinh của mình cho dẫu đó là ngoài giờ trên lớp. Các bãi gửi xe ngoài cổng trường cũng phải được quản lý. Không có ngoại lệ, ngoại trừ cho việc chưa có bằng lái mà vẫn tham gia giao thông. Và càng không thể để xảy ra những vụ lạng lách, đánh võng khi chúng ta có phạt nguội, có camera giao thông.
Lực lượng chức năng tại các chốt sẽ được thông báo để bắt những chiếc xe đó trước khi nó tham gia vào các cuộc đua xe.
Về lâu dài, giáo dục pháp luật là điều phải dạy, phải biến nó thành điều bắt buộc để xác định một đứa trẻ có đủ điều kiện tốt nghiệp hay không. Chứ đừng chỉ dạy cho có, dạy đủ tiết, kiểm tra xong là quên luôn.
+ Nhân sự vụ nói trên và để nói lời kết cho cuộc trò chuyện này, anh muốn gửi tới thông điệp gì?
Tôi thật lòng mong mỗi chúng ta hãy nghĩ về những đứa trẻ hôm nay từ góc độ của những người quan tâm và muốn chúng trở nên tốt hơn thay vì con ai nấy dạy, giỏ nhà ai, quai nhà nấy.
Nhà trường và xã hội cũng phải quan tâm nhiều hơn đến lũ trẻ để tạo ra môi trường lành mạnh cho chúng. Đừng để chúng phải trưởng thành trong lạc lõng, mất phương hướng và bị cuốn đi theo những cái xấu, cái không tốt.
Cần một sự thiết tha, quan tâm lâu dài hơn là những phẫn nộ mỗi khi xảy ra sự vụ rồi sau đâu lại vào đấy!
+ Xin cảm ơn chuyên gia - nhà văn Hoàng Anh Tú!
Trường Hùng (thực hiện)