pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà văn Trầm Hương: "Con đường văn chương của tôi bắt đầu từ trái tim đa cảm"
Nhà văn Trầm Hương
+ Được biết, chị đang viết cuốn sách "Giá của hòa bình". Chị có thể chia sẻ thêm về tác phẩm này?
Những ngày tháng 7 vừa qua, tôi sang Mỹ, gặp gỡ một số cựu binh, một số nhân chứng chiến tranh để viết "Giá của hòa bình", về sự hòa hợp hòa hiếu, những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh từ hai phía Việt-Mỹ. Khi tôi đến thăm gia đình Giáo sư Tom Patterson (khoa Chính trị và truyền thông, Đại học Harvard), tôi mới được biết ông từng tham chiến ở Việt Nam, trong vai trò cố vấn.
Sau khi trở về Mỹ, ông rời quân đội, tiếp tục con đường nghiên cứu, trở thành giáo sư một đại học danh giá. Điều đặc biệt là ông rất yêu Việt Nam, phản đối mạnh mẽ "đường lưỡi bò" ở biển Đông. Vợ ông, bà Lorie Conway, một nhà làm phim, hỏi tôi: "Có điều gì tương đồng giữa Mỹ và Việt Nam trong quyển sách sắp xuất bản của bạn?".
Tôi nói có một điều giống nhau là nỗi đau mất con của những người mẹ. Nỗi đau ấy cao hơn núi, sâu hơn biển. Tôi bộc phát dùng từ khóa "nỗi đau", "những người mẹ mất con" vì vừa đi thăm bức tường chiến tranh Việt Nam ở Washington DC.
Hơn 58.000 người Mỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Còn đất nước Việt Nam, có hơn 1,2 triệu liệt sĩ. Trong số đó, có khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy và khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Tôi nói với bà Lorie Conway rằng tôi vừa hoàn thành truyện ký 3 tập "Khoảng lặng nước mắt", về những Bà mẹ Việt Nam có con hy sinh cho Tổ quốc. Phần lớn những người mẹ tôi gặp cứ khắc khoải mong tìm được hài cốt của con…
+ Hơn 40 năm cầm bút, nhìn lại, văn chương có vị trí quan trọng thế nào với chị?
Văn chương với tôi là sứ mạng nói thay cho những điều thầm lặng. Văn chương là cầu nối để cái "lý" được người hơn và "tình" có ánh sáng của lý trí. Con đường văn chương của tôi bắt đầu từ trái tim đa cảm. Tôi thi vào y khoa vì thương người nghèo, mong làm bác sĩ để người nghèo bớt khổ. Nhưng tôi bị đưa qua học trồng trọt.
Tôi học khá, không đến nỗi tệ. Niềm rung cảm từ thực tế cuộc sống thôi thúc tôi cầm bút. Thân phận người nông dân khiến tôi rung cảm, đứng về phía họ, nói thay họ những ước mơ… Hơn lúc nào hết, đất nước cần ngòi bút của những người có tâm. Viết văn, kịch bản, viết báo hay viết gì đi chăng nữa cũng cần điều đó.
+ Ở vị trí vừa là người sáng tạo, vừa là lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM, chị đã vượt qua những trở ngại trong "trường văn trận bút" và cuộc sống như thế nào?
Cần sự dũng cảm.Tôi phải dũng cảm để vượt qua chính mình, vượt qua những định kiến, mặc định của xã hội về chọn lựa cuộc sống riêng của mình. Khi dám đương đầu với cái xấu, biết đâu đó là cơ hội để xuất hiện những nhân tố mới, tốt đẹp hơn. Tôi cũng không có chọn lựa khác là dám đối mặt và trách nhiệm với những việc mình làm.
Bản thân tôi, trên con đường song hành giữa tình yêu và sự nghiệp, tôi đã mài mình đi rất nhiều. Tôi từng học đạo diễn điện ảnh, cũng máu mê nghề lắm nhưng tôi tỉnh táo nhìn nhận, hoàn cảnh làm mẹ của mình không thuận lợi với nghề đạo diễn. Hơn nữa, bao nhiêu ý đồ sáng tác đang chờ tôi.
Nếu dấn thân vào nghề đạo diễn, tôi sẽ từ bỏ nhiều thứ, cả công việc mà tôi đang làm rất hiệu quả, bởi chẳng còn thời gian cho gia đình, cho những quyển sách. Trái tim người mẹ mách bảo tôi phải biết chọn lựa con đường đi thích hợp cho mình.
+ Xin cảm ơn chị!