Những chiếc mũ đội đầu của phụ nữ vùng cao Tây Bắc như chứa đựng cả một nền văn hóa tộc người.
Địa bàn Tây Bắc gồm cộng đồng 34 dân tộc anh em cùng cư trú đã tạo nên tính đa dạng về văn hóa. Dù đã trải qua hàng ngàn năm xây dựng và phát triển nhưng văn hóa các dân tộc Tây Bắc luôn giữ cho mình những bản sắc riêng biệt khó hòa lẫn. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tín hiệu nhận diện tộc người ở vùng cao Tây Bắc là những chiếc khăn, mũ đội trên đầu của người phụ nữ dân tộc đó.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc, ban đầu những chiếc mũ đội đầu của phụ nữ vùng cao chỉ để giữ ấm trong mùa đông giá lạnh và khi đi rừng không bị bắn nhầm với con thú trong thời kỳ trước năm 1945, khi súng kíp chưa bị cấm. Dần dần, theo quan niệm làm đẹp, họ đã đưa những trang sức bạc, hoa văn thổ cẩm lên chiếc mũ, chiếc khăn. Từ những tín hiệu đó, người ta dễ dàng phân biệt từng tộc người.
Trang phục mũ đội đầu của bé gái dân tộc Thái trắng ở Điện Biên (trái); Mũ đội đầu của bé gái và phụ nữ trưởng thành của dân tộc Dao đỏ ở Lai Châu (giữa); Mũ đội đầu truyền thống được dệt bằng vải lanh của người phụ nữ dân tộc Lự ở Lai Châu (phải)
Đơn cử như cứ thấy chiếc khăn Piêu trên đầu là phụ nữ Thái, thấy hoa văn bằng bạc trên mũ là phụ nữ Dao, thấy khăn buộc đầu hình tam giác là phụ nữ Mường, thấy chiếc khăn cuốn mỏ quạ là phụ nữ Tày…
Lên huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, vào đúng những ngày Tết của người Hà Nhì, chúng tôi có may mắn được gặp rất nhiều người phụ nữ, già có, trẻ có… rạng rỡ trong trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Ấn tượng đầu tiên đó là những sắc màu vô cùng rực rỡ trên chiếc mũ đội đầu của người phụ nữ. Chiếc mũ được làm khá cầu kỳ, bao gồm nhiều lớp khác nhau với những chi tiết nhỏ như: quả bông, hạt nhựa, những mảng thổ cẩm. Đặc biệt là những chiếc tua mềm mại, nhiều màu sắc rủ sang hai bên, lắc lư theo nhịp chân bước của người phụ nữ. Chiếc áo vì thế cũng là minh chứng cho sự khéo léo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Hà Nhì.
Chị Lỳ Lò De, người dân tộc Hà Nhì ở bản Ka Lăng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cho biết, ngoài thêu mũ để đội, người Hà Nhì còn có phong tục như con dâu trước khi về nhà chồng sẽ làm tặng mẹ chồng một bộ mũ. Đến nay, phụ nữ Hà Nhì là một trong số ít dân tộc có nhiều chị em vẫn thường xuyên mặc bộ quần áo truyền thống - không chỉ dịp lễ, tết mà ngay cả lúc lên nương, làm việc nhà…
Khăn quấn đầu của một bà cụ dân tộc Mông đen ở Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) (trái); Một bộ tác giả được kết bằng lông ngựa của phụ nữa dân tộc Mông ở tỉnh Sơn La (phải)
Còn khi về huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), chúng tôi bắt gặp dưới những mái nhà sàn lợp lá cọ, thấp thoáng vành khăn quấn trên tóc của những chị em phụ nữ Dao Tiền. Khăn đội đầu của phụ nữ Dao Tiền màu trắng hoặc đỏ, dài khoảng 1,2m, rộng khoảng 30cm; khăn màu trắng hai đầu thêu hai mảng hoa văn hình vuông bằng chỉ nhiều màu (3 hình vuông đồng tâm, có chữ thập ngoặc ở trong cùng, vành ngoài hình vuông trang trí bằng họa tiết cánh gà). Các họa tiết chủ yếu màu chàm, đỏ, trắng. Khăn màu đỏ không thêu hoa văn, chỉ để các cô gái đội khi dự lễ cấp sắc, lễ cưới.
Ở mỗi vùng của người Dao Tiền lại có kiểu vấn khăn khác nhau. Phụ nữ Dao Tiền xã Hồng Thái (Na Hang) vấn khăn vắt gọn hai đầu ở phía trước, còn phía sau thì để buông xuống.
Việc vấn khăn không hề đơn giản, phải có mái tóc dài thì quấn khăn mới đẹp. Tóc được bện chặt, quấn tròn quanh đầu rồi dùng chiếc cặp lá kẹp chặt. Chiếc khăn dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ, thời tiết và những bất trắc ở núi rừng
Bà Bàn Thị Tiến, thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang
Mỗi khi nông nhàn, những người phụ nữ Dao Tiền lại rủ nhau tập thêu, tập vấn khăn. Họ chuẩn bị tập vấn khăn sao cho khéo, lựa chọn bộ trang phục đẹp nhất, chải chuốt lại khăn áo cho phẳng nếp. Bởi theo quan niệm của họ, người phụ nữ khéo léo, giỏi giang được thể hiện trên cách vấn tóc, quấn khăn của mình.
Tới Sơn La, chúng tôi lại nghe câu chuyện về chiếc khăn Piêu của người Thái đen. Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, người con gái Thái được mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn Piêu đối với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình. Đến năm 15, 16 tuổi thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã được các cô gái Thái làm thành thạo, mỗi cô gái phải tự tay làm khăn Piêu để chuẩn bị đi lấy chồng, khăn Piêu là món quà không thiếu để cô dâu tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu.
Không chỉ gắn bó với cuộc sống thường ngày, bình dị của người dân, chiếc khăn Piêu còn là "vật tín", minh chứng cho tình yêu đôi lứa. Khi xưa, vào những dịp lễ hội, khi cô gái tung Còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Khi chàng trai ném Còn mà cô gái không bắt được phải đem khăn Piêu ra tặng chàng trai. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ hẹn ước rồi yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình.
Còn đến Yên Bái, ngoài việc thưởng lãm ruộng bậc thang Mù Căng Chải mùa nước đổ hoặc mùa lúa chín thì việc tìm hiểu những chiếc khăn đội đầu của phụ nữ nơi rẻo cao cũng vô cùng thú vị.
Để tạo nên những chiếc khăn quấn đầu, người phụ nữ Mông phải đi cắt lanh phơi nắng từ vài tuần trước khi tước sợi. Sau đó, lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối thành từng cuộn. Lanh sau khi giặt được luộc cho tới khi mềm và trắng mới đưa vào khung cửi dệt thành những tấm vải. Công việc dệt vải vất vả bao nhiêu thì việc thêu hoa văn cũng cầu kỳ bấy nhiêu. Tất cả mọi chi tiết từ những hoa văn nhỏ nhất đều trên chiếc khăn quấn đầu được người phụ nữ Mông thêu chỉ tay.
Người Mông từ xa xưa chỉ dùng khăn quấn đầu bằng vải lanh vì có độ bền cao, mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Có những chiếc khăn quấn đầu người phụ nữ phải mất 2 đến 3 tháng làm mới làm xong. Vì vậy, Chiếc khăn quấn đầu của phụ nữ Mông cũng được coi như tài sản trong nhà.
Bà Vàng Thị Sô ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải
Có thể nói, hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp của chiếc khăn quấn đầu của phụ nữ Mông. Mọi họa tiết trên chiếc khăn quấn đầu đều hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người Mông sinh sống. Những họa tiết này đều có màu sắc tươi sáng. Phụ nữ Mông còn kết hợp cả 3 biện pháp kỹ thuật: thêu, vẽ, chắp vải tạo nên những trang trí đẹp trên chiếc khăn quấn đầu.
Rồi còn mũ của phụ nữ Tày, Nùng, Si La, La Chí,… mỗi tộc người, mỗi vẻ đẹp, chứa đựng nhiều lớp lang văn hóa của tộc người. Lên vùng cao Tây Bắc, bạn có cơ hội ngắm nhìn những chiếc khăn, mũ đội đầu có vẻ đẹp độc đáo của chị em phụ nữ các dân tộc trong các phiên chợ hay qua các dịp lễ hội của bản làng, khiến chúng ta lạc trong sắc màu của văn hóa và thổ cẩm.
Mũ đội đầu rực rỡ sắc màu của phụ nữ dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu) (trái); Mũ đội đầu của phụ nữ dân tộc Hà Nhì hoa ở huyện Mường Tè (Lai Châu) (phải)