pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tháo gỡ bất cập, tăng sự hài lòng để thu hút người dân mặn mà với bảo hiểm y tế
Người bệnh đăng ký khám tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh minh họa
"Tôi vẫn đi làm đồng, có ốm đau gì đâu mà mua BHYT"
Cầm tấm thẻ BHYT vừa mua trên tay, ông Lê Văn Tam (xã Yên Tâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa) cho biết, đây là tấm thẻ ông mua theo diện hộ gia đình dành cho vợ. "Đây là món quà tặng vợ nhân sinh nhật lần thứ 54. Hy vọng món quà này sẽ làm bà ấy bất ngờ", ông Tam chia sẻ.
Gia đình ông Tam có 5 người. Ngoài vợ chồng ông thì 3 người con đều đã trưởng thành. Hiện nay, các con đều đã đi làm và được cơ quan, doanh nghiệp mua BHYT. Bản thân ông là thương binh hạng 2/4 nên cũng đã có BHYT. Duy chỉ có vợ ông ở nhà làm nông nên chưa có BHYT. Những năm trước, ông và các con động viên vợ mua BHYT để phòng lúc ốm đau nhưng bà gạt đi, bảo: "Tôi vẫn hàng ngày đi làm đồng, gánh nước tưới rau, có ốm đau bao giờ đâu mà mua BHYT. Mình mua chỉ tổ tốn tiền thôi. Tiền đó dành mua thịt, cá ăn mà bồi bổ, lấy sức mà đi làm", ông Tam kể lại lời vợ.
Tuy nhiên, ông và các con lại nghĩ khác. Bởi thẻ BHYT có thể cả năm không dùng và những người mua cũng chẳng muốn phải đi bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh tật không chừa ai và không báo trước. Nếu chẳng may mắc bệnh thì với người dân nông thôn, BHYT là "cứu cánh" chi trả nhiều chi phí điều trị. Ông cũng đã chứng kiến một số người không mua BHYT, đến lúc đi bệnh viện thì "tá hỏa" bởi chi phí điều trị quá lớn. Lúc đó, họ mới tìm cách "chạy" mua thẻ BHYT thì đã muộn. Vì thế, nhân dịp sinh nhật vợ sắp tới, ông bàn với các con mua tấm thẻ BHYT cho bà. "Tôi thấy mua BHYT có nhiều lợi ích nên mua tặng bà ấy. Mình mua rồi, bà ấy dù có từ chối cũng không được nữa. Tuy nhiên, tôi hy vọng bà ấy sẽ hiểu và sẽ mua BHYT cho những năm tiếp theo", ông Tam chia sẻ.
Cũng như vợ ông Tam, nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với BHYT. Vì thế, kể cả khi cán bộ y tế hay người phụ trách bán BHYT ở địa phương tới tuyên truyền, giải thích, nhiều người vẫn không mua bảo hiểm. Theo thống kê của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), hiện cả nước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt gần 90%. Như vậy, vẫn còn hơn 10% người dân chưa mua BHYT (tương đương 9 triệu người).
Những bất cập cần tháo gỡ
Trong chính sách về BHYT hiện nay, ngoài đối tượng công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động được đơn vị đóng BHYT; các trường hợp khó khăn khác như hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc ít người, khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng được Nhà nước hỗ trợ.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có đến 10% người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có những hộ gia đình, người thu nhập cao, hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT. Hoặc có một bộ phận người dân đời sống cao lại khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Điều này vừa làm cho chính sách BHYT toàn dân không đạt mục tiêu, vừa khiến quỹ BHYT giảm đi nguồn gây quỹ, đồng thời không bảo đảm công bằng xã hội như mong muốn.
Lý giải nguyên nhân 10% người dân chưa tham gia BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hiện nay việc thực thi chính sách BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa đồng đều giữa các vùng miền. Ở một số vùng, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa... công tác chăm sóc sức khỏe chưa đạt yêu cầu.
Hơn nữa, BHYT ở ta còn mang tính chất cào bằng về mức đóng, trong khi nhiều người dân có điều kiện muốn đóng BHYT ở một gói cao hơn để khi có bệnh, họ được hưởng dịch vụ, kỹ thuật chẩn đoán, chữa trị cao hơn. Ngoài ra, việc chờ đợi lâu khi đi khám bằng BHYT, danh mục thuốc khám BHYT được cho là không tốt bằng thuốc mua dịch vụ... cũng là nguyên nhân khiến nhiều người chưa mặn mà với BHYT.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần tính toán đến chuyện xã hội hóa mạnh hơn trong BHYT để có tính cạnh tranh; đa dạng nhiều gói, nhiều mức đóng khi tham gia BHYT và để phục vụ người bệnh tốt hơn.
* 1/7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam.
* "Thời gian tới, cơ quan chức năng cần có sự thay đổi cả về phương diện tuyên truyền cho người dân lẫn cách thức triển khai dịch vụ BHYT. Trong đó, cần tập trung vận động để các đối tượng có khả năng tham gia vào hệ thống BHYT của cả nước. Mục đích của BHYT là phải bảo đảm sức khỏe tốt nhất, sự hài lòng nhất cho người dân, từ đó tạo cơ hội thu hút sự tham gia của những đối tượng chưa tham gia BHYT. Muốn vậy, phải thực hiện cơ chế tài chính y tế rất công minh và hiệu quả, giúp hệ thống BHYT bền vững hơn. Mặt khác, dần dần phải giảm tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước và tăng tỷ trọng tham gia của hệ thống y tế tư nhân. Có như vậy, BHYT mới có thể bao phủ toàn dân".
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội