pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhận xét 1 câu về "học sinh cá biệt", Hiệu trưởng khiến nhiều gia đình thức tỉnh
Ông Chiêm Đại Niên (Côn Minh, Trung Quốc) đã có 32 năm hoạt động trong ngành giáo dục. Năm 2011, ông thành lập một ngôi trường đặc biệt dành cho học sinh gặp vấn đề về sức khỏe cùng kỹ năng sống mà mọi người hay gọi là "đứa trẻ có vấn đề". Đó là những đứa trẻ hay trốn học, thường xuyên đánh nhau, không nghe lời người lớn… thậm chí là trầm cảm, tự kỷ.
Trong 10 năm qua, ông đã giúp hơn 2.000 đứa trẻ quay trở lại cuộc sống bình thường, tự tin phát triển bản thân như bao bạn bè cùng trang lứa. Nếu không có vị hiệu trưởng cùng ngôi trường đặc biệt này, những đứa trẻ bị khiếm khuyết sẽ khó hòa đồng và phát triển bình thường. Như vậy, cha mẹ các em sẽ buồn phiền, áp lực đến nhường nào?
Hiệu trưởng Chiêm Đại Niên tin rằng: "Những đứa trẻ khiếm khuyết thực ra chẳng có vấn đề gì. Chỉ là trẻ đang thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Lỗi này phần nhiều đến từ cha mẹ, thầy cô do thiếu sự hướng dẫn sát sao, không nghiêm túc nhìn nhận vấn đề".
Từ khi ngôi trường đặc biệt mở ra, những đứa trẻ "nổi loạn" đã thay đổi rõ rệt. Ở ngôi trường này, trẻ không bị giáo viên khiển trách, bắt viết bản kiểm điểm hay áp dụng một hình thức kỷ luật nào. Môi trường học tập lý tưởng đã thay đổi tính cách, khiến trẻ trở nên hiền hòa, nhân ái, thành tích học tập cải thiện đáng kể.
THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM CỦA MỌI NGƯỜI VỀ "TRẺ CÓ VẤN ĐỀ"
Từ lâu, trong tiềm thức nhiều phụ huynh tồn tại khái niệm "trẻ có vấn đề", hay còn gọi là học sinh cá biệt. Đó là những đứa trẻ học kém, ngỗ nghịch, hay chống đối. Không ít người còn cho rằng, những đứa trẻ này lớn lên có thể nảy sinh thói hư tật xấu, không giúp ích được gia đình và xã hội. Đây là những suy nghĩ tiêu cực của người lớn.
Chẳng hạn, với một đứa trẻ khó dạy bảo, không chịu đến trường, cha mẹ có bao giờ suy nghĩ đâu là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng vậy? Nguyên nhân có thể do trẻ bị bạn bè chế nhạo, tẩy chay. Vấn đề trẻ gặp phải cũng giống như việc bệnh nhân không được bác sĩ chẩn đoán đúng trong quá trình điều trị, bệnh tình sẽ diễn biến phức tạp. Những điều tiêu cực mà mọi người thấy ở một đứa trẻ thực chất chỉ là bề ngoài, đó không hẳn là tính cách của trẻ.
Ngoài ra, một số phụ huynh khác chọn cách loại bỏ vấn đề con gặp phải. Chẳng hạn như khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Ngay lập tức, cha mẹ sẽ ngăn cấm con hẹn hò. Đây không phải là cách giải quyết hợp lý mà chỉ là đang loại bỏ vấn đề. Nhìn từ góc độ tích cực, trẻ có tình cảm với bạn học cũng là một trải nghiệm tất yếu trong quá trình trưởng thành.
Tóm lại, trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ nên thảo luận để hiểu con hơn, cùng con giải quyết khúc mắc một cách thẳng thắn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tôn trọng quyết định của con, không nên áp đặt hay ngăn cấm trẻ.
Cha mẹ nên nhớ rằng: Nếu giáo dục theo cách bạo lực, đứa trẻ lớn lên sẽ đối xử bạo lực. Nếu giáo dục theo cách nhân văn, đứa trẻ sẽ hình thành tính cách nhân ái, bao dung, yêu thương người khác. Nếu giáo dục trẻ theo cách tử tế, lớn lên trẻ sẽ đối xử tử tế với mọi người.
"KHÔNG CÓ HỌC SINH CÓ VẤN ĐỀ, CHỈ CÓ GIÁO DỤC CÓ VẤN ĐỀ"
Khi trẻ càng học lên cao, độ khó của các môn học càng tăng. Việc tiếp nhận kiến thức lúc này của trẻ gặp khó khăn nếu không được cha mẹ, giáo viên hướng dẫn đúng cách. Những đứa trẻ học kém thường cảm thấy tự ti, mặc cảm vì bị chê cười, chế nhạo. Dần dần, trẻ không hứng thú với việc học, trở nên bướng bỉnh, không nghe lời.
Vậy tại sao giáo viên, phụ huynh không thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như phương pháp đánh giá chất lượng học tập? Mọi người phải hiểu rằng tư duy, kỹ năng, mức độ phát triển của mỗi đứa trẻ khác nhau. Có trẻ nắm bài nhanh chóng nhưng cũng có trẻ lúng túng trong việc tiếp thu bài. Chúng ta cần thông cảm và có hướng xử lý phù hợp hơn.
Hiệu trưởng Chiêm Đại Niên chia sẻ, nền giáo dục ở nhiều nước châu Á tồn tại vấn đề lớn đó là tạo áp lực cho những đứa trẻ. Điều này không giúp trẻ học tốt hơn mà chỉ khiến trẻ ngày càng tụt lùi. Bởi ngoài việc học, trẻ cần được tham gia các hoạt động thể chất, hoạt động ngoại khóa mới có thể phát triển toàn diện. Và mỗi đứa trẻ nên được thiết kế phương pháp giáo dục linh hoạt, phù hợp với tính cách.
"Không có học sinh có vấn đề, chỉ có giáo dục có vấn đề", Hiệu trưởng Chiêm Đại niên nói. Ông cho rằng mục đích và bản chất của giáo dục là giúp con người trở nên hạnh phúc, hoàn thiện nhân cách, xây dựng giá trị đạo đức. Rất nhiều người thành công nhưng không hạnh phúc nên vị hiệu trưởng này muốn tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc. "Những học sinh của tôi đang "có vấn đề" ở hiện tại nhưng tôi hy vọng sẽ không gặp bất hạnh trong tương lai", ông Chiêm Đại Niên nhấn mạnh.