pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều mô hình nông nghiệp giúp phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bình Thuận thoát nghèo
Chị Đinh Thị Yến (phải), Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Bình, thăm mô hình trồng lúa ST24, ST25 của một hội viên người Tày
Xã Sông Bình có khoảng 28%-30% là người dân tộc thiểu số thuộc dân tộc Tày, Hoa, Nùng, Chăm. Trong đó, người Hoa và người Tày chiếm tỉ lệ đông hơn. Chị Đinh Thị Yến (người Tày), Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Bình, cho biết, khoảng 285/1.101 hội viên tại địa phương là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Nhận thấy đời sống của nhiều hội viên dân tộc thiểu số trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, Hội LHPN xã Sông Bình đã triển khai các mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ ngày thực hiện và theo đuổi các mô hình một cách kiên trì, số lượng hộ nghèo, cận nghèo tại xã Sông Bình giảm rõ rệt.
Nhằm hiểu rõ hơn về hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, Báo PNVN đã trao đổi với chị Đinh Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Bình:
+ Thưa chị, Hội LHPN xã Sông Bình đã triển khai những mô hình nông nghiệp nào để giúp hội viên phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế?
- Hai mô hình đặc trưng mà Hội LHPN xã Sông Bình đã thực hiện thành công ở địa phương là mô hình trồng lúa ST24, ST25 và mô hình trồng xoài, mít Thái.
Cụ thể, mô hình trồng lúa ST24, ST25 được triển khai từ năm 2020 với 30 hội viên phụ nữ dân tộc Tày ở thôn Tân Bình (xã Sông Bình) tham gia.
Nhận thấy người nông dân ở miền Tây gặt hái được nhiều thành công khi trồng 2 giống lúa này nên địa phương cũng mạnh dạn đưa giống lúa mới về thử nghiệm. Ban đầu, địa phương cho trồng thử ở một công ty chuyên cung cấp giống lúa.
Hết thời gian thử nghiệm, địa phương nhìn nhận giống lúa ST24, ST25 cho ra loại gạo ngon, được nhiều người dân, thương lái ưa chuộng và sử dụng. Khả năng chống chịu với sâu bệnh cao cũng là một ưu điểm lớn.
Thời gian gieo cấy đến thu hoạch 2 giống lúa trên khoảng 4,5 -5 tháng và giá gạo ST24, ST25 cũng khoảng 26.000 đồng/kilogram. Giá trị thu nhập cao gấp đôi giá lúa trước đây chị em trồng.
Tại thôn Tân Bình chỉ canh tác được 1 vụ lúa ST24, ST25/năm. Số lượng hội viên tham gia mô hình này cũng chưa nhiều nên sản lượng sản xuất ra chỉ đủ cung cấp cho thị trường trên địa bàn xã.
Còn mô hình trồng xoài, mít Thái thì đã bắt đầu triển khai cho các hội viên dân tộc Tày, Hoa và Nùng ở thôn Tân Sơn (xã Sông Bình) trồng từ năm 2010. Hiện tại có 165 hội viên tham gia, áp dụng mô hình trồng xoài Đài Loan, xoài keo và mít thái.
Trước dịch Covid-19, xoài ở đây chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Thương lái mua xoài tại vườn với giá khoảng 30.000 đồng/kilogram (loại xoài vàng) và 15.000 - 20.000 đồng/kilogram (loại xoài xanh).
Sau đại dịch đến nay, xoài chỉ được thu mua và bán trong nước, không thể xuất khẩu như trước. Hội LHPN xã cũng liên hệ với các thương lái để hỗ trợ đầu ra cho các hộ trồng xoài. Bên cạnh đó, xoài cũng được Hợp tác xã Nông sản VIETGAP Sông Bình tạo điều kiện, tìm đầu ra. Dù giá cả có bị hạ thấp nhưng các chị em vẫn cho rằng cây xoài vẫn là "cứu cánh" giúp phụ nữ thoát nghèo hiệu quả nhất.
Sau thời gian kiên trì theo đuổi, chăm sóc các mô hình, chúng tôi ghi nhận thôn Tân Bình chỉ còn 7 hộ nghèo, cận nghèo (trước đó là 30 hộ). Còn ở thôn Tân Sơn, số lượng hộ nghèo, cận nghèo giảm từ 72 hộ xuống còn 23 hộ.
+ Trong quá trình thực hiện các mô hình nông nghiệp, Hội LHPN xã Sông Bình đã gặp phải những khó khăn gì và giải quyết các vấn đề nan giải ấy như thế nào?
- Việc đưa những giống cây mới về địa phương để trồng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thời gian đầu, các hội viên cũng gặp một số vấn đề như: lúa bị bệnh vàng lá, xoài không ra hoa hoặc cũng có trường hợp xoài ra hoa nhưng khó đậu trái.
Gặp khó khăn, các chị em loay hoay và có ý định bỏ cuộc, quay trở về làm các giống cây cũ để không phải mạo hiểm. Hội LHPN xã Sông Bình đã tích cực vận động nhiều chị em muốn làm giàu, thoát nghèo thì không nên quay lại với giống cây cũ - cái đã níu kéo mình nghèo từ xưa đến giờ.
Các chị em phải kiên trì với hy vọng trong tương lai nông sản địa phương sẽ xuất khẩu được thêm qua những nước khác, không chỉ riêng thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhiều chị em dân tộc thiểu số còn hạn chế trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin để học hỏi thêm các kiến thức về trồng trọt. Thấu hiểu được khó khăn đó, chúng tôi lập ra nhóm những phụ nữ dân tộc thiểu số rành về cách sử dụng máy tính, điện thoại hơn và hướng dẫn cho nhóm này trước.
Dần dần, họ sẽ hướng dẫn lại cho các chị em hội viên khác về cách sử dụng điện thoại, máy tính để tìm kiếm, cập nhật các thông tin nông nghiệp, hỗ trợ lưu số và gọi cho các chuyên gia khi có vấn đề cần giải đáp…
+ Về các kiến thức chuyên môn khi thực hiện mô hình nông nghiệp, Hội LHPN xã Sông Bình đã lên kế hoạch và triển khai cho các hội viên ra sao?
- Chúng tôi kết hợp cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể để tuyên truyền cho bà con nhận thức được rằng, chỉ có sự thay đổi mới có thể giúp mọi người thoát nghèo. Nếu chúng ta cứ khư khư giữ "nếp cũ", những giống cây với cách làm cũ thì rất khó để phát triển kinh tế.
Địa phương đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, lớp kỹ thuật có chuyên gia để hướng dẫn cho bà con. Sau đó, chúng tôi chọn khoảng 10 hộ dân để thí điểm từng mô hình. Nhìn thấy hiệu quả của mô hình trồng lúa ST24, ST25 và xoài, mít Thái rồi thì bà con đặt nhiều sự tin tưởng, quyết định làm cùng.
Việc thực hiện mô hình trồng xoài, mít Thái khó vì cần nguồn vốn, kỹ thuật cao hơn. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch xoài là khoảng 3 năm. Nhiều vật tư nông nghiệp, giống cây cần phải lấy từ vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ về.
Do đó, Hội LHPN địa phương cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho bà con. Chúng tôi cũng xác định rõ, trong ba năm chờ thu xoài, bà con nên trồng xen canh một số loại cây như đậu, bắp để có nguồn thu.
Những người dân gốc miền Tây trước đây đã trồng, chăm sóc giống lúa ST24, ST25, cây ăn trái hiện đang sống tại xã Sông Bình cũng được địa phương liên hệ để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng trọt.
+ Trong thời gian tới, Hội LHPN xã dự định sẽ triển khai thêm mô hình nông nghiệp nào để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển kinh tế?
- Hiện tại, chúng tôi đang hướng tới những mô hình cho ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng cao. Tại địa phương đang có một số hộ thử nghiệm trồng mít ruột đỏ. Giống cây này hợp thổ nhưỡng ở đây nên phát triển rất tốt, giá bán cao khoảng 70.000 đồng/kg. Từ đây, Hội LHPN xã cũng đang nghiên cứu để xây dựng, phát triển mô hình trồng mít ruột đỏ bên cạnh giống mít thái.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tìm hiểu và dự định triển khai thêm mô hình nuôi gà thả vườn. Mô hình này rất phù hợp với bà con, đặc biệt là những người lớn tuổi muốn cải thiện kinh tế. Hiên tại, các hộ dân tại xã Sông Bình chỉ chăn nuôi và buôn bán gà nhỏ lẻ.
Theo tôi nghĩ, 10-20 hộ dân có thể hợp tác với nhau để tạo thành một chuỗi nuôi gà thả vườn và cung cấp sản phẩm cho đám tiệc. Nếu mô hình này được áp dụng với quy mô lớn, tôi hy vọng đây cũng sẽ là một trong những mô hình giúp bà con xã Sông Bình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!