Nhiều sai phạm gây lãng phí, thất thoát kéo dài, không thể giải quyết ngay trong năm 2023

Hải Yến
15/11/2022 - 17:30
Nhiều sai phạm gây lãng phí, thất thoát kéo dài, không thể giải quyết ngay trong năm 2023
Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu, cần xử lý các tổ chức, cá nhân, đặc biệt của người đứng đầu để xảy ra sai phạm, gây lãng phí, thất thoát ngay trong năm 2023. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài, không thể giải quyết ngay.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chỉ tiêu tinh giản biên chế vượt mục tiêu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn 2016-2021, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các chỉ tiêu tinh giản biên chế vượt mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra. Công tác cải cách hành chính nhà nước bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. So với các lĩnh vực khác, có thể đánh giá đây là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Bên cạnh các kết quả đạt được, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, trong lĩnh vực trên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và được cập nhật bổ sung chi tiết hơn tại báo cáo của Bộ Nội vụ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ nhận định nêu tại dự thảo Nghị quyết.

Về các kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Điều 4), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết các nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ, các bộ, ngành, đã được quy định cụ thể tại Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật liên quan; các nội dung công việc đã và đang triển khai thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết.

Về khoản 2 Điều 4, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị: Rà soát các mốc thời gian, lộ trình giao Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để xử lý các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính khả thi, phù hợp; Xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành các kiến nghị từ năm 2023 đến năm 2026.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và tiếp thu sửa đổi các mốc thời gian quy định tại các điểm a, b, h, k, l và khoản m thực hiện trong năm 2023 (không yêu cầu thực hiện trong năm 2022). Các nội dung trọng tâm nêu tại Khoản 2 Điều này chủ yếu liên quan tới việc rà soát, thống kê, tổng hợp thông tin, số liệu và xây dựng kế hoạch, lộ trình để xử lý các tồn tại, hạn chế; không phải xử lý xong các tồn tại, hạn chế này ngay trong năm 2023. Nếu để kéo dài đến năm 2026 mới hoàn thành việc rà soát, thống kê thông tin, số liệu của giai đoạn 2016-2021 sẽ không kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, dẫn đến tiếp tục kéo dài thất thoát, lãng phí, không đạt được mục tiêu của Quốc hội đặt ra.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 2.

97,79% đại biểu Quốc hội đã tán thành với Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra các sai phạm

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm và báo cáo rõ kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân, đặc biệt của người đứng đầu để xảy ra các sai phạm, gây lãng phí, thất thoát; Xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và kiến nghị Chính phủ giải quyết, xử lý dứt điểm ngay trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung nêu tại điểm a Khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết. Riêng về thời gian phải có giải pháp, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế này ngay trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo là yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phân loại, xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý vì theo báo cáo của Chính phủ, nhiều tồn tại, hạn chế này kéo dài nhiều năm, rất phức tạp không thể giải quyết hoàn thành ngay trong năm 2023.

Có đến 97,79% đại biểu Quốc hội đã tán thành với Nghị quyết trên. Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được chính thức thông qua.

* Chiều 15/11, tại phiên họp kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) với lỷ lệ tán thành cao với 96,99 %.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm