Nhiều trường mầm non không đảm bảo an toàn

17/04/2016 - 17:42
Mới đây, trường mầm non Hoa Sen, Hà Giang, cháu Hoàng Tuấn K (3 tuổi) bị chấn thương sọ não sau khi ngã từ lan can tầng 2.
Phụ huynh luôn mong con được an toàn khi đến trường. Ảnh minh họa internet.
Trẻ mầm non là đối tượng dễ có nguy cơ cao bị tai nạn thương tích do các bé rất hiếu động, lại chưa ý thức được hành vi. Mới đây nhất, tại trường mầm non Hoa Sen (Hà Giang), cháu Hoàng Tuấn K (3 tuổi) bị chấn thương sọ não sau khi ngã khỏi lan can tầng 2 của lớp học. Trước đó, tại Nghệ An, cũng đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khi một cháu bé 2 tuổi rơi xuống hố ga không có nắp đậy tại trường học.

Chị Hoàng Thị Loan, ở Hà Nội tâm sự: “Đưa con đến trường, người mẹ nào chẳng mong con được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục chu đáo. Thế mà, con lại bị thiệt mạng ở chính nơi mà phụ huynh tin tưởng. Mỗi lần đọc được những thông tin thế này, tôi thấy thật sự đau xót”.

Bất an, hoang mang lại là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Hạnh, một bà mẹ có con nhỏ ở Nghệ An. "Tôi không thể giữ con bên mình vì tôi còn phải đi làm và con cũng cần có môi trường để vui chơi với bạn bè. Gửi con đến trường, tôi cầu mong con đừng bao giờ gặp tai nạn thương tâm vì những nguyên nhân không đáng có ấy”.

Nhiều phụ huynh học sinh đều đồng tình, tai nạn xảy ra với trẻ là điều không ai muốn. Nhưng, nếu người lớn, cụ thể là các cô giáo, nhân viên ở trường mầm non, và cao hơn là các nhà quản lý giáo dục thật sự chú tâm, cẩn trọng, chắc chắn nguy cơ sẽ giảm. Chị Loan nhớ lại: “Một lần, tôi vô tình rẽ vào nhà vệ sinh của trường, phát hiện có một chai nước màu đỏ đặt ngay trên sàn. Khi hỏi thì cô nhân viên nói đó là thuốc tẩy rửa để vệ sinh sàn nhà. Tôi đã phải yêu cầu cô cất ngay chai thuốc đó lên vị trí cao, ngoài tầm với của trẻ. Ở độ tuổi đang tò mò, thích khám phá, khi vào nhà vệ sinh, liệu có ai đảm bảo các cháu không tò mò lấy chai thuốc đó uống?”.

Từ một chuyện rất nhỏ như vậy, chị Loan cho rằng vấn đề an toàn cho trẻ tại các trường nhiều khi đang được thực hiện theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, khi có tai nạn rồi ngành giáo dục, nhà trường mới vội vã kiểm tra, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm với trẻ, nhưng như vậy cũng đã muộn rồi.

 Để trẻ được an toàn, quy chuẩn an toàn trường học phải được đảm bảo. Ảnh minh họa internet.

Trở lại tai nạn đáng tiếc xảy ra tại trường mầm non Hoa Sen (Hà Giang) vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng bày tỏ: Việc trẻ nhỏ có thể trèo ra khỏi lan can tầng 2 và ngã xuống đất cho thấy, rõ ràng quy chuẩn an toàn trường học chưa được đảm bảo. “Người lớn khi xây dựng, khi nghiệm thu và sau này là sử dụng công trình phải nhìn thấy trước mọi nguy cơ, nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ nhỏ để kịp thời ngăn chặn, loại trừ, đảm bảo trẻ không thể dễ dàng trèo khỏi ban công quá thấp, lọt qua chấn song cửa sổ quá rộng hay ngã khỏi lan can cầu thang… Thực tế, có nhiều ngôi trường được xây dựng mới, trông bề ngoài đẹp đẽ khang trang thật đấy nhưng lại thiếu an toàn cho trẻ”.

Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non (Viện Khoa học giáo dục) năm 2015 đã khảo sát thực trạng hoạt động và quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục tại 3 khu vực (khu công nghiệp, khu dân cư và dân tộc thiểu số) tại 8 tỉnh, thành phố gồm cả Hà Nội và TP HCM. Kết quả cho thấy, nhiều nhóm, lớp độc lập tư thục thiếu hầu hết các tiêu chuẩn trường, nhóm, lớp và các điều kiện đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Tại nhiều cơ sở, những yếu tố nguy hiểm có thể dễ dàng nhận diện như: Ổ cắm điện ở tầm thấp, cô giáo để xô chậu chứa nước trên sàn, tủ bàn ghế bố trí chưa hợp lý, góc cạnh tủ, bàn nhọn dễ gây tổn thương trẻ… Trong khi đó, theo bà Hoàng Kim Phượng, nguyên phó phòng GD-ĐT quận Long Biên (Hà Nội) từng thừa nhận, một số cơ sở mầm non tư thục tận dụng luôn nhà ở để mở trường nên cũng không đảm bảo an toàn theo quy chuẩn. Chẳng hạn, bếp nấu ăn cho trẻ, về nguyên tắc phải đặt ở tầng trên cùng nhưng có nơi vẫn đặt ngay ở tầng 1 rất nguy hiểm và làm khó cho công tác sơ tán trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm