Nhớ chuyện bán lợn sắm Tết thời bao cấp

03/02/2019 - 09:00
Bình thường, là trẻ con, cứ mỗi dịp gần Tết là háo hức lắm nhưng riêng năm ấy, tôi lại bồn chồn pha lẫn lo âu. Là bởi đến Tết là nhà tôi sẽ bán lợn.

Lúc đầu, tôi hào hứng lắm, vì bán lợn thì nhà sẽ có nhiều tiền hơn, tất nhiên cái Tết cũng xôm hơn. Nhưng càng gần đến ngày bán lợn, tôi lại càng thấy buồn. Vì con lợn đã gắn bó với tôi suốt gần năm trời. Khi mới bắt về, nó bé như con chó con, mắt đen nhánh. Tôi đặt cho nó cái tên là con Bạch, ra sức huấn luyện nó để chứng minh với mọi người rằng làm gì có chuyện “ngu như lợn”. Và quả thật, chỉ sau vài hôm, cứ gọi tên là nó lại thò đầu qua cái gờ của nhà vệ sinh đáp lại đầy hào hứng.

Lúc đầu, tôi hào hứng lắm, vì bán lợn thì nhà sẽ có nhiều tiền hơn, tất nhiên cái Tết cũng xôm hơn. Nhưng càng gần đến ngày bán lợn, tôi lại càng thấy buồn. Tranh minh họa

 

Ngày nào tôi cũng đi lấy bèo về để nuôi lợn. Thậm chí nhặt được cái gì cũng đem về. Thành thử, nồi cám nuôi con Bạch luôn được thay đổi, hôm thì thậm chí có cả củ mỡ, lá khoai, rau muống già. Có hôm lại có thêm ít cá săn sắt, nhái bén, chẫu chàng.

 

Ngày ấy, đất để không nhiều, kiếm những thức ấy không khó. Mỗi khi nấu lên nồi cám, mùi thơm phưng phức, nhiều khi, tôi chỉ muốn thử ăn xem sao. Giá kể ngày ấy không bị mặc định trong đầu là cám lợn chỉ dành cho lợn, có khi tôi cũng thường xuyên ăn. Bởi bữa ăn ngày đó đâu có nhiều đạm, chỉ một loáng là đói. Con lợn thì càng ngày càng béo, còn con người mỗi lúc một quắt queo đi.

 

Lại còn phải tắm cho lợn. Bởi ở cùng với người, nếu không tắm, mùi hôi bốc ra không ai chịu nổi. Tôi không nỡ lấy cái chổi sể cọ cho con Bạch, nên kiếm cái giẻ cũ tắm cho nó. Xà phòng hiếm, tôi phải rắc thêm ít hoa dại vào. Tắm xong, con lợn thơm tho, trắng trẻo. Trong con mắt của đứa trẻ con ngày ấy, tôi thấy nó nói nhiều điều với tôi lắm. Tôi cũng nói chuyện với nó, chẳng biết nó có hiểu không, chỉ biết nó chăm chú nhìn, chứ không quay đi, tức là về cư xử thì nhiều khi nó lịch sự, thậm chí, hình thức hơn và xã giao hơn.

 

Thế nên, lúc biết tin nó sẽ bị bán sau ngày ông Công ông Táo, tôi buồn lắm. Có tiền, nhưng mình sẽ không còn bạn nữa. Nó bị bán đi, là chẳng còn tiếng eng éc đòi ăn mỗi bữa, mà lạ là bao giờ nó cũng đòi ăn trước khi được ăn ít phút, ngày nọ qua ngày kia, đúng giờ ấy. Nhiều lúc tôi tự hỏi, không hiểu nó có biết xem đồng hồ hay không nữa. Tất nhiên, ít lâu sau thì tôi biết đó là đồng hồ sinh học của mỗi loài, cũng giống như con người, cứ đến giờ này là đói, giờ kia là buồn ngủ. Nó bị bán đi, ở nhà trống trải hẳn, vì nó đã là người bạn của tôi suốt cả năm trời.

 

Ngày hôm ấy, lúc tôi dậy thì con Bạch đã không ở đấy nữa. Hồi nhỏ, có lúc bạn bè hỏi tôi, tại sao người ta hay bắt lợn lúc sau nửa đêm. Tôi bảo, là để giấu không cho trẻ con biết, nếu không trẻ con sẽ không cho bán. Lăng kính của trẻ con khác với người lớn, trẻ con không cần hiểu phải bắt vào giờ đó để còn mổ thịt rồi đem ra chợ bán cho kịp.

 

Tôi thẫn thờ, rồi chui vào chăn giả như ngủ tiếp, cũng không dám trách cha mẹ là sao lại bán đi, vì thừa hiểu rằng không bán đi thì mình làm gì có manh áo mới để mặc, làm gì có tiền đi lại về thăm quê, rồi mua quà, rồi đủ thứ trách nhiệm. Tôi chỉ biết khóc thương con Bạch trắng trẻo, béo ục ịch. Thậm chí lúc ấy đã tự nhủ lòng là sau này sẽ không ăn thịt lợn nữa vì thương con Bạch, nhưng tất nhiên cái ý định ấy chẳng bao giờ thực hiện được. Yêu lợn thì vẫn yêu, còn ăn thịt lợn thì vẫn ăn.

 

Nhưng ngày hôm ấy, tôi chờ mãi không thấy mẹ tôi về. Bố tôi tất tả đi tìm. Đến tối muộn, bố tôi mới đưa mẹ về. Nét mặt mẹ tôi thất thần, còn hơn là mất sổ gạo. Toàn bộ số tiền bán lợn mẹ tôi mang đi sắm Tết đã bị kẻ gian rạch túi lấy mất khi mẹ tôi đi mua đồ trong Bách hoá Tổng hợp.

 

Tôi vẫn nhớ, bố tôi hỏi, nếu năm nay không có Tết có buồn không. Tôi định nói thật là buồn nhưng không hiểu sao lúc đó lại lắc đầu và bảo, con chẳng thích Tết ở đây, có tiền cũng chẳng thích, thà cả nhà mình về quê ăn Tết còn vui hơn, vì Tết quê mới là Tết. Nghe tôi nói vậy, mẹ tôi càng khóc to hơn.

 

Tôi hiểu mẹ tôi day dứt lắm, nên tôi càng làm vẻ phẫn nộ, rằng năm ngoái ăn Tết ở Hà Nội con đã chán lắm rồi, không được đi chơi nhà nọ nhà kia, không được lên tỉnh xem các trò chơi dân gian. Sự nói dối này còn được tôi kéo dài nhiều năm nữa, để chứng tỏ tôi thích Tết ở quê hơn. Có điều, lúc ấy, nó cũng làm không khí trong nhà bớt đi sự chán nản, bởi càng lớn lên tôi càng hiểu, giữa những bộn bề của cuộc sống, người ta vẫn đau đáu cho cái Tết, không phải cho mình, mà cho các thế hệ sau. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm