Email
pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hotline
094.170.7373
Mỏ than Ghansadih ở Jharia, một vùng hẻo lánh của bang Jharkhand ở đông bắc Ấn Độ, được điều hành bởi Bharat Coking Coal, một công ty con của Coal India. Hầu hết than của Ấn Độ đến từ Jharia và nền kinh tế của nước này phụ thuộc nhiều vào hàng chục mỏ than ngầm và mỏ than gần mặt đất. Bất chấp những chỉ trích về phụ thuộc năng lượng than đá, Ấn Độ có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng khai thác lên 1 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2025.
Suhani (15 tuổi), Suman (21 tuổi) và Radhika (15 tuổi) đi xuống mỏ than khi khói độc chứa cacbon dioxit, cacbon monoxit, các hợp chất của nitơ oxit và sunfua dioxit bay lên từ mặt đất. Có 65 trẻ em làm việc tại các mỏ than, họ nhặt than còn sót lại trong đống đổ nát để đem ra chợ bán lấy tiền. Đây là công việc bất hợp pháp và được thực hiện từ 4 giờ sáng đến 10 giờ sáng để tránh bị phát hiện.
“Chúng cháu sợ hãi nhưng chúng cháu buộc phải chấp nhận rủi ro”, Anjali (16 tuổi) nói. Cô bé và mẹ có thể kiếm được tới 1.200 rupee (hơn 360.000 đồng) mỗi tuần nhờ công việc tại mỏ than. Cha Anjali giúp mang than ra chợ bán, nhưng cô bé sợ sắp tới gia đình sẽ phải chuyển ra xa mỏ than, nơi hiện chỉ cách nhà cô 250 mét. Khoảng một nửa số ngôi nhà trong làng của Anjali đã bị hư hại hoặc phá hủy do sụt lún đất và các đám cháy từ mỏ than. “Đám cháy đang đến gần nhà của cháu, ô nhiễm ngày càng gia tăng và cũng có một cuộc khủng hoảng nước ở làng cháu”, cô bé lo lắng.
Bàn tay nhuốm màu than của trẻ em gái khi làm xong việc ở mỏ than vào buổi sáng. Bệnh về da và đường hô hấp là những vấn đề thường gặp ở những nơi này.
Bức ảnh chân dung của Savitri vào năm 2016 khi 16 tuổi. Cô choàng một chiếc khăn quàng cổ khi rời khỏi nhà để che đi những vết sẹo do bỏng khi quần áo bị cháy tại mỏ than. Hiện tại, Savitri 22 tuổi và đang được đào tạo để trở thành y tá. Công việc tại mỏ than giúp hỗ trợ chi phí cho việc học của cô, ngoài ra cô cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ tổ chức phi chính phủ Coalfield Children Classes. “Tôi vẫn đang làm việc trong các mỏ than vì tôi không có lựa chọn nào khác. Nếu tìm được chỗ để làm y tá, tôi sẽ có thể bảo vệ gia đình mình tốt hơn”, Savitri nói.
Kể từ năm 2018, Coalfield Children Classes đã cung cấp các bài học miễn phí cho những thanh thiếu niên làm việc tại mỏ than. Hầu hết các em đều tham gia lớp học sau giờ làm việc buổi sáng. Coalfield Children Classes được thành lập bởi Pinaki Roy, một giáo viên sinh ra ở Jharia. Tổ chức phi chính phủ này cung cấp lớp học cho khoảng 100 học sinh, tuổi từ 10 đến 23, từ 4 trường học trong khu vực, với các môn học bao gồm tiếng Anh, tin học, vẽ và múa.
Roy, 55 tuổi, người sáng lập Coalfield Children Classes, nói: “Khi một số quan chức chính phủ và giới truyền thông gọi những đứa trẻ này là kẻ trộm than, tôi cảm thấy rất tệ. Học sinh của tôi sống cuộc sống khó khăn và đầy rủi ro, nhưng các em vẫn quan tâm đến giáo dục và thể hiện bản thân mình”.
Rinky (17 tuổi) đứng trước một bức tranh tường do cô cùng bạn bè trong làng vẽ. Mỗi buổi sáng, Rinky nhặt than và cùng với mẹ bán than ở các chợ địa phương, cô có thể kiếm được khoảng 300 rupee (hơn 90.000 đồng) trong 2 ngày làm việc. “Cháu không biết mình có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật như vậy cho đến khi cháu bắt đầu tham gia các lớp học của Coalfield Children cách đây 4 năm”, Rinky, một cô bé sống ở làng Liloripathra, cách mỏ than Ghansadih khoảng 5 dặm, nói.
Roshni (17 tuổi), Suman (21 tuổi), Nandini (19 tuổi), Radhika (15 tuổi) và Suhani (15 tuổi) tập múa ở nhà Roy. Các em dàn dựng bài múa và tập các động tác múa trong tiết học hay mỗi khi rảnh rỗi. Radhika nói: “Cháu muốn một ngày nào đó trở thành giáo viên dạy múa và dạy học cho trẻ em nghèo ở Jharia”.
Suman, Roshni, Suhani, Anjali và Radhika đang chờ biểu diễn bài múa. Suhani, người làm việc ở mỏ than hầu hết các buổi sáng trước khi đến trường, nói: “Cháu thích múa, nó giúp cháu sảng khoái tinh thần”. Trong 2 năm qua, Coalfield Children Classes đã giúp 12 trẻ em làm việc tại mỏ than Ghansadih được nhận trở lại trường sau khi bỏ học. Năm nay, Roy đã giúp 10 sinh viên trở lại trường đại học, trong đó có Suman, người đang học về lịch sử. “Chúng tôi muốn thay đổi suy nghĩ của các em từ làm công việc khai thác than sang những công việc khác lành mạnh hơn thông qua giáo dục”, Roy nói.
Kajal (17 tuổi), Ritu (18 tuổi), Sapna (16 tuổi), Sonali (17 tuổi), Roshni (17 tuổi) và Payel (14 tuổi) đang múa tại mỏ than Dobari, gần làng Sahana Pahari. “Cháu muốn cuộc sống của mình tiếp tục nhờ nhảy múa chứ không phải công việc cực khổ ở mỏ than. Bất cứ khi nào cháu múa, cháu cảm thấy rất hạnh phúc”, Sapna, người làm việc trong các mỏ than độc hại 6 giờ một ngày, nói.
Suman nghỉ ngơi ngoài nhà sau một ngày dài ở mỏ than, tham gia các lớp học và các buổi tập múa. Mỗi ngày, cô thức dậy lúc bình minh và làm việc trong mỏ than với anh trai trong 4 tiếng đồng hồ. Họ có thể kiếm được khoảng 1.100 rupee (hơn 330.000 đồng) một tuần. Cô nói: “Trong vòng vài tháng nữa, gia đình cháu có thể phải dời đi vì các mỏ than đang càng mở rộng đến gần nhà. Đó là một cơn ác mộng đối với cháu và gia đình”.