Những “bóng hồng” thiết kế

Nhu Thụy
26/07/2021 - 18:00
Những “bóng hồng” thiết kế
Phụ nữ là thành viên không thể thiếu trong cộng đồng thiết kế. Họ truyền cảm hứng về sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như kiến trúc, thiết kế và quy hoạch đô thị.

Kiến trúc sư người Mỹ Sharon Davis trực tiếp điều hành công ty Sharon Davis Design. Bà tin rằng sự thành công của các thiết kế được đo lường bằng mức độ không gian mở rộng sự dung hòa về những quyền cơ bản của con người, giảm bất công xã hội và một môi trường bền vững lành mạnh.

Kiến trúc sư Sharon Davis và Trung tâm môi giới việc làm cho phụ nữ ở Rwanda

Triết lý thiết kế của bà được thể hiện qua dự án "Trung tâm môi giới việc làm cho phụ nữ ở Rwanda". Mục đích công trình này là tạo ra một trung tâm giáo dục và phát triển tư duy cộng đồng để đào tạo những người phụ nữ địa phương thông qua nông nghiệp.

Không gian sống của cộng đồng được sắp xếp giống như một ngôi làng, bên ngoài có vòng tròn tường bao quanh. Các vật liệu sử dụng rất đơn giản. Ở đây những người phụ nữ có một không gian sống an toàn, vừa có thể tham gia lao động sản xuất.

Chính những viên gạch đầu tiên này đã định hình và xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm kiến trúc của bà sau này. Sharon Davis tiếp tục thiết kế và xây dựng ký túc xá cho các chuyên gia y tế ở vùng nông thôn Rwinkwavu. Bà mạnh dạn thay thế một cơ sở chăm sóc sức khỏe đã lỗi thời bằng khuôn viên rộng 30.000m2 có nhà ở, tòa nhà ngoại trú, phòng thí nghiệm, nhà thuốc, phòng bệnh nội trú.

Ngoài ra, Trung tâm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp Kosovo hay Bệnh viện Bayapata (Nepal) cũng đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ và niềm đam mê với nghề kiến trúc của Sharon Davis.

Thách thức những quy trình thiết kế thông thường

Kiến trúc sư người Nhật Kazuyo Sejima nhận Giải thưởng kiến trúc Pritzker năm 2010. Bà có phong cách thiết kế kết hợp các vật liệu trơn, bóng như kính và đá cẩm thạch nhưng vẫn giữ được sự uyển chuyển trong các đường cong của toàn bộ kiến trúc.

Mục đích sử dụng kính của bà cho phép ánh sáng tự nhiên lọt vào trong tòa nhà, qua đó tạo được sự chuyển tiếp linh hoạt giữa nội thất và ngoại thất, cho phép một người có thể vừa nhìn được thế giới bên trong và chính bản thân họ qua bề mặt kính.

Nữ kiến trúc sư Nhật Bản Kazuyo Sejima và công trình Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne

Bà có những mô hình thiết kế độc đáo không theo truyền thống. Được xây dựng trong khuôn viên của viện nghiên cứu Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne (ở Lausanne, Thụy Sĩ), trung tâm văn hóa quốc tế cung cấp đa dạng dịch vụ như thư viện, không gian học tập, nhà hàng, quán cà phê và không gian ngoài trời tuyệt đẹp. Đây là một tòa nhà có tính sáng tạo cao với các mái dốc và bậc thang thoai thoải, cùng mái cong phức tạp, đòi hỏi phương pháp xây dựng công phu.

Trường học thông minh Irkutsk

Bà Amale Andraos và công trình trường học thông minh

Amale Andraos là Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc, Quy hoạch và Bảo tồn Đại học Columbia (GSAPP) và là người đồng sáng lập WORKAC, một cơ sở kiến trúc và đô thị có trụ sở tại New York (Mỹ). Trong dự án trường học thông minh, WORKAC khám phá khả năng của cộng đồng một cách độc đáo, phát triển những khái niệm học thuật bằng cách đan xen phong cảnh thực tế vào bài học.

Công viên trong trường cung cấp thực phẩm cho cộng đồng, đồng thời tái chế chất thải thành phân bón cho cây trồng. Khi trẻ em có phương pháp học tập mới, nhận thức của chúng với cảnh quan cũng thay đổi. Dự án tạo ra một loạt các trải nghiệm, kết hợp giữa kiến trúc và cảnh quan, giữa không gian công cộng và không gian riêng... hướng đến chiến lược phát triển bền vững.

Biến nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang thành ngôi nhà trong mơ

Laura Jane Clark là một kiến trúc sư người Anh, chuyên về cải tạo, mở rộng khu dân cư và các tòa nhà mới. Laura lần đầu tiên phát hiện nhà vệ sinh bị bỏ hoang năm 2005 khi cô chuyển đến London.

Các phòng vệ sinh này được xây dựng năm 1929 và được sử dụng lần cuối vào những năm 1980. Nơi này lúc đầu đầy rác. Cùng với những người thợ xây dựng và công nhân, Laura bắt đầu hành trình dài để tạo ra ngôi nhà trong mơ của mình.

Sau nhiều tháng làm việc chăm chỉ và chi thêm 65 nghìn USD, dự án đã hoàn thành. Nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang đã biến thành căn hộ một phòng ngủ tràn ngập ánh sáng và màu sắc. Ngoài phòng ngủ, ngôi nhà hiện đại này còn có phòng khách với giá sách trải dài khắp căn hộ, nhà bếp và thậm chí là một khu vườn nhỏ.

Nguồn: Women in Architecture, Architizer.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm