Hơn 26 nghìn chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê”

Chạy theo triền đê Nguyễn Khoái xuôi xuống phía Nam TP Hà Nội khoảng 10km là đến thôn Đại Lan, một thôn nhỏ nằm bên hữu của sông Hồng. Con đường vào thôn nay đã được trải thảm bê tông, thênh thang với hai làn xe chạy, đi sâu vào phía trong, men qua những bãi rau, ruộng ngô xanh tốt là đến nhà của chị Nguyễn Thị Tuyết (51 tuổi), Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Đại Lan, trưởng nhóm may khẩu trang miễn phí.

Phụ nữ chân quê may 26.000 khẩu trang, phát miễn phí cho người dân

Dốc tiền túi để may khẩu trang miễn phí

Trên tầng 2, trong gian phòng nhỏ chừng 20m2, hơn chục phụ nữ đang cần mẫn cắt may, người thì so vải, người thì cắt vải, người thì may, người thì lồng dây chun… mỗi người một công đoạn- cùng hướng tới việc hình thành nên từng chiếc khẩu trang. 

Những chiếc khẩu trang 3 lớp vừa may xong còn vương mùi vải mới, đường may chắc chắn, gọn gàng. Để làm được những chiếc khẩu trang này, những phụ nữ "chân quê" nơi đây đã tự bỏ tiền túi để mua nguyên vật liệu, bỏ công sức, bỏ phương tiện và cả địa điểm để phục vụ cho việc may khẩu trang.

Nhóm may khẩu trang miễn phí đặt "bản doanh" tại tầng 2, nhà của chị Nguyễn Thị Tuyết 

Nhóm may khẩu trang miễn phí do chị Tuyết làm nhóm trưởng được hình thành vào ngày 12/2/2020, thời điểm dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được công bố, và xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trở thành một trong những "ổ dịch" đầu tiên trên cả nước, khi ở đây ghi nhận tới 6 ca dương tính với SARS-CoV-2 (tính đến ngày 12/2).

Trước tình hình này, khẩu trang y tế trở nên khan khiếm, khiến đơn hàng mua 3.000 chiếc khẩu trang để phát trên địa bàn xã của Đoàn Thanh niên xã Duyên Hà bị hủy. Để khắc phục, anh Đặng Xuân Doanh (33 tuổi), Bí thư Đoàn đã vận động người dân quyên góp khẩu trang. Một chủ hiệu may ở đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) liên hệ ủng hộ 3.000 chiếc khẩu trang cắt sẵn và một số vải, nhưng số khẩu trang này vẫn chưa hoàn thiện, cần có người gia công thì mới có thể đem đi phát.

Biết được việc này, chị Tuyết (khi ấy nhà đang có 3 máy may), cùng với một người hàng xóm đã nhận lời may giúp. Số khẩu trang sau khi may xong lên tới 5.000 chiếc. Tuy nhiên, sau đó, tình hình dịch bệnh vẫn chưa "hạ nhiệt", nhu cầu được nhận khẩu trang của người dân trên địa bàn vẫn còn rất lớn. Lúc này chị Tuyết bàn với người cháu họ là chị Nguyễn Thị Điệp (42 tuổi, thôn Đại Lan) thành lập nhóm may khẩu trang miễn phí.

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 3.

“Xác định là cứ may thôi, đến bao giờ dịch không phát sinh thêm nữa thì chúng tôi mới nghỉ".

- Chị Nguyễn Thị Tuyết -

Chị Điệp đang là Phó Chủ tịch HĐND xã Duyên Hà nhận lời và cùng chị Tuyết vận động thêm được 6 người. Tuy nhiên, trong những người tham gia nhóm, không phải ai cũng cắt may thành thạo, có những người chỉ thuần túy làm công việc gói xôi, làm ruộng nên cũng chưa bao giờ cầm kéo, lúc này trưởng nhóm lại hướng dẫn các chị cách làm.

Nhóm có 8 người nhưng chỉ có 4 người thành thạo cắt may, trong những người may thành thạo này thì có 2 người thường xuyên có thể ở lại may khẩu trang, đó là chị Tuyết trưởng nhóm và chị Phạm Thị Duyên (38 tuổi) cũng là thợ may; còn chị Điệp và một người nữa, do là công chức nhà nước nên chỉ có thể tranh thủ thời gian nghỉ trưa và chiều tối tham gia. "Tôi thường tranh thủ làm theo 3 ca: 7h-10h30 (buổi sáng), 12h10-16h30 (chiều) và 18h30-20h (tối)", chị Duyên chia sẻ.

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 5.

Hồi đầu, để có nguyên liệu cho việc may, ngoài việc đi xin vải thừa ở các tiệm may, các thành viên trong nhóm đều tự bỏ tiền túi ra mua nguyên vật liệu như vải, dây chun, chỉ may.

Với số người như vậy, mỗi ngày nhóm may được khoảng 200 chiếc. Khi thành viên nhóm tăng lên  18 người thì mỗi ngày may được 500 chiếc. Đặc biệt hai ngày cuối tuần, mỗi ngày có thể may được khoảng 700-800 chiếc. Tính đến nay, nhóm đã may được khoảng 26.100 chiếc khẩu trang.

Số khẩu trang này, thời điểm chưa thực hiện giãn cách xã hội được nhóm phát miễn phí tại các chợ dân sinh, các đám hiếu, đình chùa, các hội nghị, cuộc họp, các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn xã Duyên Hà. 

Ngoài ra, nếu các đoàn thể cần khẩu trang để phát miễn phí thì nhóm sẽ cung cấp. Nhóm từng cung cấp 1.000 chiếc khẩu trang cho Hội LHPN huyện Thanh Trì; 500 chiếc khẩu trang cho Đoàn Thanh niên huyện Thanh Trì…

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 6.

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 7.

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 8.

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 9.

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 11.

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 12.

Nhóm phát khẩu trang miễn phí tại chợ thôn Đại Lan vào sáng 27/3/2020

Chung tay chống dịch

Có nhiều người dân khi ra đường không đeo khẩu trang, nhưng sau khi nhận được khẩu trang từ nhóm thì đã sử dụng ngay. Là một trong số những người dân khi ra đường không đeo khẩu trang, chị Đặng Thị Điển (53 tuổi), bán rau ở chợ thôn Đại Lan cho biết, chị đã nhận được khẩu trang từ nhóm được 5 lần. "Trong cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp mà nhận được chiếc khẩu trang này để bảo vệ sức khỏe thì quý hóa quá. Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài việc cám ơn những người đã dành công sức, thời gian để may và phát những chiếc khẩu trang này đến chúng tôi".

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 13.

"Có một cụ bà không có khẩu trang để đeo, nên hôm chúng tôi phát cụ có ra nhận, cầm chiếc khẩu trang trên tay, nước mắt cụ rưng rưng, rồi cụ mới đeo lên. Nhìn cụ vậy, tôi cũng rơm rớm nước mắt theo, vì đã cùng các chị em mang được tấm lòng của mình tới với các cụ".

Bà Đặng Thị Ngang (62 tuổi), một trong những thành viên cao tuổi trong nhóm may khẩu trang.


Hoặc có những thanh niên, mặc dù đã chạy xe máy qua địa điểm nhóm phát khẩu trang nhưng khi thấy thì cũng quay lại nhận khẩu trang, và còn ủng hộ cho nhóm một phần tiền để tiếp tục mua nguyên vật liệu.

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 14.

Hưởng ứng phong trào may khẩu trang miễn phí của nhóm, không chỉ riêng thanh niên trên ủng hộ, nhiều người dân khác khi nhận khẩu trang cũng góp, người ít thì 100.000 đồng, người nhiều thì 500.000 đồng. Ngoài ra, nhóm cũng được một số tổ chức đoàn thể ủng hộ, đặc biệt là sự ủng hộ của sư trụ trì chùa thôn Đại Lan với 5 cây vải, đã góp phần giúp nhóm có nguyên liệu để may hàng nghìn chiếc khẩu trang.

Ngoài dùng số tiền mọi người quyên góp để mua nguyên vật liệu, phục vụ cho việc may khẩu trang, nhóm còn dùng một phần số tiền này để tặng các hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn (bé mồ côi, bệnh tật, người già neo đơn…), mỗi hoàn cảnh là một suất quà gồm 20 chiếc khẩu trang do nhóm tự làm và một phong bì tiền mặt dao động từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đánh giá việc làm của nhóm trong thời gian qua, bà Phạm Thị Thúy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Duyên Hà, cho biết: "Mặc dù chỉ là một nhóm rất nhỏ, nhưng với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng các chị đã tự nguyện bỏ thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc của mình để may khẩu trang miễn phí phát cho mọi người. Chúng tôi ghi nhận đóng góp này, dẫu nhỏ bé nhưng trong thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp lại rất quan trọng, góp phần cùng địa phương, cả nước để chung tay đẩy lùi dịch bệnh".

Những chiếc khẩu trang ấm áp tình người của những phụ nữ “chân quê” - Ảnh 15.

Nhóm may khẩu trang miễn phí thôn Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội)

"Phải nói, trong thời điểm đó, chị em phụ nữ thôn Đại Lan đã chủ động, bằng nỗ lực, cố gắng của chính mình để có những đóng góp cho cộng đồng. Bởi vậy, hoạt động trên cần được biểu dương, vì đã chung tay cùng các cấp hội và thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19".

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội.


Trên địa bàn thành phố hiện nay, chị em phụ nữ có rất nhiều hoạt động hướng tới việc phòng chống dịch Covid-19, có những hoạt động khai thác những nguồn lực xã hội hóa để mua khẩu trang, và cũng có những hoạt động như của Chi hội Phụ nữ thôn Đại Lan đang triển khai.