Những chuyến xe cứu thương 0 đồng ấm lòng bệnh nhân nghèo

Mua xe làm từ thiện từ nỗi ám ảnh

"Xe chở bệnh nhân nghèo miễn phí, không hề kinh doanh. Em đang ở tại sảnh cấp cứu BV Bạch Mai. Sáng nay quay đầu về Nghệ An. Em sẽ chờ để bệnh nhân làm thủ tục thoải mái. Ai cần xin gọi theo số 0977796115 – 0328706426". Đó là những dòng chia sẻ trên mạng xã hội của tài khoản Nguyễn Hoàng Hà, là tài xế lái xe cứu thương miễn phí cho các hộ nghèo.

Chúng tôi liên lạc với một trong các số điện thoại trên, ông Nguyễn Xuân Phương (53 tuổi, là Linh mục ở Giáo xứ Lâm Xuyên, huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết những thông tin trên là chính xác.

Theo ông Phương, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn cần xe vận chuyển có thể gọi theo số điện thoại đã công bố ở trên. Sau khi hẹn địa điểm, giờ giấc, lái xe sẽ đến đón đưa đi BV. Có thể là BV ở Nghệ An, Hà Nội thậm chí là Huế, Đà Nẵng. Sau khi đưa người bệnh đến viện, tài xế sẽ tiếp tục tìm kiếm những bệnh nhân khó khăn khác để "quay đầu" đưa về quê, miễn phí 100%. 

Ngoài ra, trên đường vận chuyển, nếu bệnh nhân quá khó khăn, ông cũng sẽ hỗ trợ thêm chi phí ăn uống dọc đường cho bệnh nhân và người nhà. "Từ lúc chạy tới nay, xe tôi chở hầu hết là bệnh nhân nghèo ở Nghệ An đi các BV trong và ngoài tỉnh thăm khám. Với tôi, chỉ cần được giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là đã thấy vui, thấy mãn nguyện rồi", ông Phương chia sẻ.

Chuyện tử tế Bài 4: Những chuyến xe cứu thương 0 đồng ấm lòng bệnh nhân nghèo - Ảnh 1.

Bệnh nhân vận chuyển trên xe cứu thương của ông Phương

Ông Phương cho biết, xe cứu thương miễn phí được mua từ tháng 10/2019 với giá gần 500 triệu đồng và dự kiến chạy ngay sau đó. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, nên phải từ tháng 3/2020 xe mới bắt đầu đưa đón bệnh nhân. Đến nay, hàng trăm chuyến xe chở bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ. Ngày cao điểm, chiếc xe cứu thương chở 4 lượt bệnh nhân đưa đến viện và đón từ viện về quê.

Chia sẻ về ý định mua xe, ông Phương cho biết đã nảy sinh ý định từ thực tế mà mình đã gặp và chứng kiến. Ông bảo, bản thân đã từng chứng kiến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị ốm nhưng không thể đến viện vì không có tiền. Thậm chí, đến tiền đi xe cũng không có. Vì thế, ông mong một ngày nào đó sẽ có thể giúp đỡ những gia đình như vậy.

Tuy nhiên, cảnh đánh động ông nhất là khoảng năm 2016, ông đã đọc được những bài báo kèm hình ảnh một người chết ở Sơn La nhưng gia đình không có tiền thuê xe cấp cứu vận chuyển về nhà. Vì thế, anh trai đành bó thi thể em gái vào chiếu rồi buộc sau xe máy đưa về nhà mai táng. Nhưng ám ảnh nhất là hình thi thể bó chiếu nhưng đôi chân lủng lẳng ra ngoài. Vì thế, ông kêu gọi anh em, bạn bè mua một chiếc ô tô để vận chuyển cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chuyện tử tế Bài 4: Những chuyến xe cứu thương 0 đồng ấm lòng bệnh nhân nghèo - Ảnh 2.

Ông Phương trao quà hỗ trợ cho gia đình cụ Hiền (ảnh: NVCC)

Ông Phương bảo, ngoài ông còn có 2 tài xế cũng làm việc thiện nguyện. Họ không lấy tiền công, nhưng hễ có bệnh nhân cần là thu xếp thời gian sẵn sàng lên đường. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Hà, tài xế xe cứu thương miễn phí khoe: Hôm nay hỗ trợ 2 ca. Ca thứ nhất là người già dân tộc Thái về huyện Quỳ Châu, mổ cột sống đi không được. Ca thứ 2 là em bé mới 3 tháng tuổi bị tim nặng mổ ở Hà Nội về Vinh, nay lại phải chuyển đi. Bé người dân tộc thiểu số ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Chúng tôi giúp hết, chúng tôi không phân biệt dân tộc, tôn giáo hay bất cứ lý do gì, miễn là bệnh nhân nghèo trên đất nước này cần hỗ trợ, nếu đến được chúng tôi sẽ đến".

Chuyện tử tế Bài 4: Những chuyến xe cứu thương 0 đồng ấm lòng bệnh nhân nghèo - Ảnh 3.

Nhóm thiện nguyện của ông Phương trao 104 triệu đồng ủng hộ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn (ảnh: NVCC)

Ngoài việc vận chuyển, ông Phương và các tài xế cũng là cầu nối của những hoàn cảnh bất hạnh với mạnh thường quân. Ví như, trường hợp gia đình có hai bé sinh đôi bị tai nạn khiến một trường hợp tử vong. Nhóm đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp được 104 triệu đồng và trao tận tay cho gia đình. Hay một trường hợp khác là gia đình cụ Nguyễn Thị Hiền (xóm 2 xã Xuân Thành - Yên Thành - Nghệ An) có hoàn cảnh khó khăn. Cụ Hiền, năm nay 90 tuổi, ở với người con gái 70 tuổi mù hai mắt từ nhỏ, mới đây còn bị tai nạn gãy xương đùi không có tiền phẫu thuật nên nằm chờ vậy. Trong căn nhà tồi tàn xập xệ, hai mảnh đời bất hạnh già nua nương tựa vào nhau, bữa rau bữa cháo qua ngày vì con của cụ ai cũng vất vả đói khổ. Vì thế, Linh mục Nguyễn Xuân Phương đã trao tặng 3 triệu đồng, đồng thời kêu gọi cộng đồng hỗ trợ. Nhận món quà ấy, cụ Hiền bảo sẽ để dành mua thuốc cho con. Nghe những lời ấy, ai cũng rơi lệ. Hiện tại, ông và các tài xế tiếp tục kêu gọi cộng đồng ủng hộ để giúp đỡ gia đình cụ Hiền.  

Cả gia đình góp tiền mua xe làm từ thiện

Cách đây hơn 2 tháng, gia đình anh Lê Văn Khoa (SN 1993, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk-Đắk Lắk) đã quyết định mua 1 chiếc xe cứu thương để chở miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Đến nay, đã có từ 50-60 trường hợp đã được gia đình anh Khoa giúp đỡ. "Trung bình mỗi ngày chúng tôi vận chuyển được 1 trường hợp. Ngày cao điểm thì có đến 3 trường hợp được hỗ trợ vận chuyển", anh Khoa chia sẻ.

Để có được thông tin các bệnh nhân khó khăn đang điều trị cần sự giúp đỡ, các tài xế thường đăng thông tin trên tài khoản mạng xã hội để người dân biết. Khi đến BV, các anh cũng sẽ vào các phòng bệnh hỏi thăm, nghe ngóng. Nói rồi, anh chỉ cho chúng tôi dòng thông tin được đăng tải trên mạng xã hội với nội dung:  "Bệnh nhân nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần di chuyển từ nhà đến các bệnh viện và từ bệnh viện về nhà trong tỉnh Đắk Lắk, hãy gọi tới số điện thoại 0854.415.415 hoặc 0975.336.677 để được hỗ trợ miễn phí". Anh bảo, mình đăng tải thông tin như vậy để mọi người cùng chia sẻ, xem ai có hoàn cảnh khó khăn nếu có nhu cần giúp đỡ thì có thể liên lạc.

Chuyện tử tế Bài 4: Những chuyến xe cứu thương 0 đồng ấm lòng bệnh nhân nghèo - Ảnh 4.

Xe cứu thương của anh Khoa chờ đón người bệnh (ảnh: NVCC)

Anh Khoa cho biết, mình sinh hoạt trong một hội từ thiện của địa phương nên đã chứng kiến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể đến BV khám chữa bệnh. Vì thế, anh mong muốn có thể giúp đỡ một phần cho những gia đình này. Sau khi suy nghĩ, anh đem ý định mua xe ô tô làm xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân bàn bạc thì được cả gia đình ủng hộ. "Chiếc xe này được mua mới với giá 670 triệu đồng. Đây là tiền tiết kiệm của cả gia đình tôi trong nhiều năm. Gia đình tôi mong muốn có thể chia sẻ với những bệnh nhân khó khăn", anh Khoa chia sẻ.

Ngay sau khi xe cứu thương của gia đình anh Khoa đi vào hoạt động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. Hiện nay có nhiều tài xế cùng chung tay với gia đình anh. Mỗi khi có người bệnh cần vận chuyển, anh đưa lên nhóm, ai thu xếp được thời gian thì nhận chuyến xe đó. Dù vậy, hiện nay xe của anh mới chủ yếu vận chuyển trong khu vực Đắk Lắk, bởi các bác tài chưa quen đường tỉnh, thành khác. Anh cũng dự kiến đến năm 2021 sẽ mở rộng địa bàn vận chuyển sang các tỉnh, thành khác.

Anh Khoa bảo, mỗi chuyến xe nghĩa tình mà các anh chở là một mảnh đời. Có trường hợp là bệnh nhân lâm trọng bệnh có hoàn cảnh ngặt nghèo, không người thân, không kiếm đâu ra đủ số tiền để chạy chữa. Có trường hợp  bệnh nhân tử vong, nhưng những tài xế ấy không nề hà xa - gần xuôi ngược để giúp đỡ. Nhiều khi, tài xế chở bệnh nhân về nhà, người nhà tuy rất nghèo nhưng vẫn cố vay mượn hàng xóm láng giềng chút tiền để bồi dưỡng, nhưng chẳng ai nhận. Không những thế, ngoài phần hỗ trợ chi phí vận chuyển, anh còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm những trường hợp đặc biệt khó khăn. Gần đây nhất, một bác xe ôm bị cướp đâm nhiều nhát khi chở khách đã tử vong. Anh nhận và hỗ trợ vận chuyển cấp cứu cho bác xe ôm ấy. Khi đến nhà, thấy gia cảnh quá khó khăn, con cái nheo nhóc, anh đã vận động được hơn 5 triệu đồng mang đến trao cho gia đình. "Công việc thiện tuy vất vả, nhất là với những chuyến xe chở bệnh nhân về các huyện miền núi, đường sá khó khăn. Thế nhưng, chỉ cần bệnh nhân được về đến nhà an toàn, nhận những lời chúc tốt đẹp, những cái bắt tay cảm ơn rối rít, hay là một cuộc điện thoại báo tin mọi thứ đã ổn là chúng tôi rất vui rồi", anh Khoa chia sẻ.

Linh Trần