Những con chữ mộc mạc, đầy nghĩa tình trong thơ Nguyễn Đăng Độ

Nhật Ánh - Ảnh: St
06/02/2023 - 22:09
Những con chữ mộc mạc, đầy nghĩa tình trong thơ Nguyễn Đăng Độ
Sự mộc mạc, thấm đượm nghĩa tình như chiếc mỏ neo níu giữ những vần thơ của Nguyễn Đăng Độ trong lòng người đọc.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sinh năm 1966, quê quán xã Thạch Tiến (nay là Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Anh nhập ngũ tháng 2/1985, nằm trong đội hình Tiểu đoàn 1016 thuộc Sư đoàn 316, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1985-1986. Đến với thơ ca một cách lặng lẽ, khiêm nhường, nhưng những tác phẩm của Nguyễn Đăng Độ đã đi vào lòng độc giả bằng giọng điệu tha thiết, trữ tình với đề tài phong phú từ gia đình, quê hương, ký ức, đời sống đương đại…

Thơ Nguyễn Đăng Độ là tiếng lòng thổn thức, lắng đọng, đầy nghĩa tình với đấng sinh thành, quê cha đất tổ, tình người, tình yêu đôi lứa... Mỗi vần thơ như một giai điệu mộc mạc, đằm sâu cất lên trong khắc khoải, như một cách để tác giả lưu lại dấu ấn cuộc đời, với những nghĩa tình keo sơn gắn bó đã bồi đắp thêm cho cốt cách, cá tính, chân dung của mình.

Trong các tập thơ đã xuất bản, có rất nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ Lê An Tuyên, Quốc Nam, Phan Huy Hà phổ nhạc thành bài hát, phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương và địa phương.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ với tập thơ "Hương xa" xuất bản năm 2022

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ với tập thơ "Hương xa" xuất bản năm 2022

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ tâm sự: Anh đến với thơ để trao gửi ký thác nỗi niềm của chính mình. Thơ như là cứu cánh, là người bạn tri âm tri kỷ để anh trút bầu tâm sự. Vậy nên rất nhiều bài thơ anh viết xong lại cất vào ngăn tủ như một hành trang cho riêng mình. Gần đây, do sự động viên của gia đình và bạn bè văn chương nên anh đồng ý để các nhạc sĩ phổ nhạc thơ của mình và xuất bản hai tập thơ cho riêng mình là "Tình quê" và "Hương xa".

Sự mộc mạc, thấm đượm nghĩa tình như chiếc mỏ neo níu giữ những vần thơ của Nguyễn Đăng Độ trong lòng người đọc. Đó có thể là niềm xúc động, rưng rưng trước hình ảnh: "Tóc mẹ rụng trắng chiều lối ngõ/Dáng cha còng trĩu xuống tháng năm" hay ước mơ giản đơn mà xa vắng: "Con mơ về ngày buốt lạnh tháng Giêng/Bên bếp củi than nồng đêm mưa quất", nỗi nhớ về một "ngọn đèn dầu mờ ảo xanh xao".

Nhiều thi ảnh, xúc cảm trong thơ anh mang đến niềm bồi hồi, mong nhớ khôn nguôi: "Cha ngược bình minh tới hoàng hôn bạc mắt/Mồ hôi dầm thấm dọc đời con". Ngay đến nỗi sợ thường trực tưởng chừng quen thuộc trong trái tim những người con mỗi khi nhớ về cha mẹ, qua cách khắc họa của anh cũng gợi nhiều ngẫm ngợi: "Con sợ mai rồi mùa quả chín/Chẳng còn nghe chim hót quanh nhà/Chẳng còn nghe tiếng mẹ cha nơi xứ lạ/Con một mình đơn độc với trời xanh".

Và cuối cùng, để kết lại mỗi bài thơ, thường là sự trở về có hậu, có tình: "Xa quê nay tóc bạc rồi/Hồn quê đọng lại những lời tri ân"; "Xin về cúi lạy ngày xưa/Sợi thương sợi nhớ gió đưa về trời"; "Bây giờ về trước cổng làng/Chợt nghe ngọn gió mơ màng hồn xưa". Chữ "về" được nhắc nhiều trong thơ anh, cũng là điều khiến bạn đọc tin phẩm chất nhân văn, ấm nồng trong trái tim thi sĩ.

Một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ:

Những con chữ mộc mạc, đầy nghĩa tình trong thơ Nguyễn Đăng Độ - Ảnh 2.

Những con chữ mộc mạc, đầy nghĩa tình trong thơ Nguyễn Đăng Độ - Ảnh 3.

Những con chữ mộc mạc, đầy nghĩa tình trong thơ Nguyễn Đăng Độ - Ảnh 5.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm