pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tin tổng hợp
Những cung đường nhập cư ‘bán mạng’ từ Trung Quốc vào Anh
26/10/2019 - 12:56 PM
Có 3 con đường buôn người từ Trung Quốc sang Anh với hành trình di chuyển khoảng một tháng qua cung đường dài gần 9.000km. Những nạn nhân hy vọng tìm tới thiên đường tại “xứ sở sương mù” mà không hề biết rằng mình phải đối mặt với những nguy hiểm cận kề, thậm chí có thể mất mạng.
Mạng sống thế chỗ giấc mộng đổi đời
Theo Mirror, những kẻ buôn người có tổ chức ở Trung Quốc nhiều khả năng đứng sau cái chết của 39 người nhập cư trái phép vào Anh bằng xe tải đông lạnh. Đây cũng có thể là manh mối để cảnh sát Anh phanh phui đường dây buôn người quy mô lớn từ Trung Quốc sang Anh. Ước tính những người nhập cư Trung Quốc tới Anh phải trả cho những kẻ buôn người số tiền khoảng 38.000 USD.
Nguồn tin trên tờ Daily Mail cho biết, 39 nạn nhân trên nhiều khả năng đã trải qua hành trình gần 9.000km từ Trung Quốc đại lục. Họ có thể đáp chuyến bay từ Phúc Kiến (Trung Quốc) đến châu Âu, sau đó được đưa lên xe tải trong điều kiện không có thức ăn, nước uống.
Theo các nguồn tin, container chứa 39 người nhập cư được cho là từ Trung Quốc có thiết bị điều chỉnh nhiệt độ từ bên ngoài, có thể được kích hoạt trước khi đưa vào cảng nhằm tạo mức nhiệt độ bình thường như các chuyến hàng đông lạnh xuất khẩu. Nhóm người di cư này được cho là đã tử vong trước khi tới Anh do chết ngạt hoặc chết cóng trong container đông lạnh với nhiệt độ có thể xuống tới -25 độ C.
Trong khi những chi tiết xoay quanh hành trình và cái chết của họ vẫn chưa sáng tỏ, chủ tịch Trung tâm Thông tin và Tư vấn Trung Quốc Edmond Yeo đã khẩn khoản kêu gọi chính phủ Anh truy bắt những hung thủ và kẻ cầm đầu của những tổ chức tội phạm đứng sau sự việc và đưa chúng ra công lý.
"Chúng tôi vô cùng bàng hoàng và đau xót trước cái chết của 39 người, được tin là những người gốc Trung Quốc, trong thảm kịch ở Essex. Chúng tôi đã đề nghị chính phủ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo thảm kịch như trên không bao giờ tái diễn nữa", ông Yeo nói.
Những món nợ từ cờ bạc?
Bà Sulaiha Ali, thuộc công ty tư vấn pháp luật về nhập cư Anh Duncan Lewis, cho biết: Nhiều công dân Trung Quốc mà bà từng đại diện là nạn nhân buôn người, đến Anh để trả những món nợ cờ bạc mà họ không thể trả hết nếu ở lại Trung Quốc. Có trường hợp một người đàn ông còn gửi vợ sang Anh để kiếm tiền trả nợ cho anh ta. Nhiều người Trung Quốc chi hàng nghìn USD để sang Anh kiếm tiền trả nợ cờ bạc nhưng cuối cùng mắc kẹt trong đống nợ lớn hơn.
Theo bà Ali, những người nợ nần tại Trung Quốc thường bị các chủ nợ cho vay nặng lãi gây áp lực và chính những kẻ này đã tổ chức đưa các con nợ sang Anh. Số khác tự tìm đến môi giới với chi phí từ 7.000 đến 14.000 bảng (9.000 - 18.000 USD).
Bà Ali cho biết nhiều khách hàng của bà đến Anh bằng máy bay hơn là xe tải và một khi đã ở Anh, họ bị rơi vào cảnh bó buộc vì nợ nần. Tất cả số tiền họ kiếm được đều dùng để trả nợ.
"Họ có thể được đón ở sân bay và sau đó đưa thẳng đến một nhà thổ hoặc nhà hàng, nơi họ bị ép làm việc. Những kẻ buôn người bóc lột họ. Họ thường sợ hãi và không tin tưởng chính quyền. Những người báo tin về đường dây buôn người có thể bị Bộ Nội vụ Anh làm ngơ và họ cuối cùng kết thúc trong các trại giam. Nhiều người rất bi thảm", bà nói.
Góc khuất trong đường dây buôn người
Theo các nhà điều tra, các băng nhóm buôn người hứa hẹn với "khách hàng" của chúng về công việc lương cao ở Anh như là bồi bàn hoặc thư ký văn phòng. Tuy nhiên, hàng nghìn người rơi vào tay bọn "đầu rắn" cuối cùng bị ép bán dâm trong các nhà thổ, bị bóc lột lao động tại các tiệm làm móng, các cơ sở trồng cần sa dưới lòng đất. Gia đình của các nạn nhân ở quê nhà không bao giờ biết được số phận của người thân, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về "lộ phí" cho họ cũng như phải đưa tiền cho bọn tội phạm trong nhiều năm.
Theo Ilias Chatzis - Lãnh đạo Cơ quan Chống buôn người của Liên hợp quốc, thị trường buôn người có giá trị ít nhất 7 tỷ USD mỗi năm và dự kiến còn tăng trong tương lai. Còn theo tổ chức nghiên cứu MPI, trong gần 258 triệu người di cư trên thế giới thì có 10 triệu công dân Trung Quốc. Năm 2018, hơn 730.000 visa được chính phủ Anh cấp cho người Trung Quốc, tăng 11% so với năm trước. Theo MPI, người Trung Quốc di cư vì nhiều lý do, trong đó có chính trị, chính sách một con và mong muốn đi du học. Tuy nhiên, báo cáo thường niên của chính phủ Anh năm 2018 về tình trạng nô lệ hiện đại đã xác định Trung Quốc là quốc gia đứng thứ tư về số lượng nạn nhân bị giam làm nô lệ tại nước này.
Tổ chức từ thiện Phụ nữ vì Phụ nữ Tị nạn đã kiểm tra 14 nạn nhân Trung Quốc bị giam tại trại giam Yarl’s Wood, hạt Bedfordshire và phát hiện một số người bị đưa thẳng từ các nhà thổ và cơ sở massage đến đây bất chấp những dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đã bị lạm dụng tình dục. Tổ chức trên cáo buộc Bộ Nội vụ Anh vi phạm chính sách không giam giữ những nạn nhân buôn người. Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ, phụ nữ Trung Quốc là nhóm đông nhất bị giam tại trại giam Yarl’s Wood năm 2018 với 420 người.
Olivia Iannelli, một nhà phân tích tại trung tâm Nghiên cứu Trilateral về nạn buôn người, cho hay những người này đến Anh có thể vì gặp khó khăn về kinh tế, chạy trốn áp bức hoặc tìm kiếm những cơ hội mới. Nếu những vùng khác của Trung Quốc nổi tiếng với một số sản phẩm xuất khẩu thì Phúc Kiến, hòn đảo nhỏ bên bờ biển phía Nam của Trung Quốc lại nổi tiếng với việc xuất khẩu lao động và thường là bất hợp pháp.
Những mafia "đầu rắn"
Theo các chuyên gia về di cư, từ đầu những năm 1990 và những năm 2000, các nhóm tội phạm có tổ chức hay còn gọi là "các đầu rắn" ở tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang đã lập ra những tuyến đường buôn người sang Tây Âu thông qua Trung Đông, Đông Âu và trong một số trường hợp là cả châu Phi và Nam Mỹ. Chính các băng đảng mafia "đầu rắn" này đang bị nghi là đứng sau vụ 39 người thiệt mạng trong thùng xe tải ở hạt Essex, Đông Bắc thủ đô London (Anh). Chúng có thể đã sắp xếp hành trình để đưa các nạn nhân tới Anh và thu về số tiền phí khổng lồ.
Để chạy trốn khỏi cảnh đói nghèo, những người ra đi từ Phúc Kiến phải trả cho những kẻ dẫn đường hàng chục nghìn USD. Họ chấp nhận mọi hiểm nguy và đi bất cứ nơi đâu có thể kiếm được việc làm và cơ hội. Làn sóng di cư từ hòn đảo này tiếp tục tăng và đôi khi gây ra những kết cục bi thảm. "Đầu rắn" thường đưa các nạn nhân tới châu Âu bằng cung đường bay quen thuộc xuất phát từ Phúc Kiến. Họ sau đó bị nhồi vào các thùng xe tải, bao quanh là bóng tối, không có thức ăn, hệ thống thông gió, nước hay nhà vệ sinh. Một khi cuộc hành trình bắt đầu, sự tàn bạo cũng vậy. Khi nạn nhân phàn nàn vì điều kiện xung quanh, hoặc yêu cầu thức ăn, họ sẽ bị đánh. Có người bị đánh đến tàn phế hoặc bị giết để khiến những người khác phải sợ. Nếu một người nào đó khiến tốc độ di chuyển của nhóm chậm lại, chúng sẵn sàng giết họ.
Những người nhập cư thành công tới phương Tây sẽ bắt đầu trả tiền cho "đầu rắn" kể từ lúc họ nhận được việc làm, phải trả hết trong vòng 3 năm. Nếu không trả đủ, chúng sẽ gây áp lực lên gia đình các nạn nhân ở Trung Quốc, ép họ phải chi tới từng đồng cuối cùng. Những khách hàng này được trả khoảng 200 bảng (gần 260 USD) mỗi tháng ở Trung Quốc và sống trong điều kiện tồi tệ. Tại Anh, họ có thể kiếm được 2.000 bảng (2.600 USD) mỗi tháng với một công việc ít trách nhiệm rồi kết hôn và sống đàng hoàng. Vụ việc 39 người thiệt mạng ở Essex khiến băng đảng này thiệt hại 1,2 triệu bảng (hơn 1,5 triệu USD) trong vụ vừa qua nên chúng chắc chắn sẽ làm lại.
Những cung đường tội lỗi
Theo Daily Mail, có 3 con đường buôn người từ Trung Quốc sang Anh được phát hiện, hành trình di chuyển có thể mất một tháng. Thứ nhất là đường qua Serbia. Tháng 6/2000, 58 thi thể được tìm thấy bên trong thùng xe tải ở cảng Dover. Họ rời Trung Quốc nhiều tuần trước thảm họa, mỗi người trả 20.000 bảng Anh cho một băng đảng tội phạm. Sử dụng giấy tờ Trung Quốc, họ bay đến Belgrade (Serbia), được đưa vào một ngôi nhà trú ẩn và cấp hộ chiếu giả. Sau đó họ được đưa trái phép qua Áo và Pháp đến nhà trú ẩn ở Hà Lan, rồi nhồi nhét lên xe tải ở Rotterdam, Hà Lan để đến Anh. Lái xe Perry Wacker quốc tịch Hà Lan, người đóng lỗ thông khí vì lo bị phát hiện, nhận án 14 năm tội ngộ sát.
Thứ hai là đường qua Nga. Các nạn nhân sẽ từ Trung Quốc đến Nga qua biên giới trên bộ bằng xe buýt hoặc ô tô. Khi vào Nga, họ được vận chuyển bằng xe buýt hoặc tàu đến biên giới với Ukraine. Từ Ukraine có nhiều đường để đi tiếp, đường phổ biến nhất là đi qua Ba Lan, Cộng hòa Czech và Đức đến Bỉ. Hoặc một đường thay thế là đi đến Romania và vào Serbia, sau đó tiếp tục đi theo đường Serbia.
Thứ ba là đường qua Tây Ban Nha. Năm 2018, cảnh sát Tây Ban Nha chặn một số lượng lớn người Trung Quốc mang theo giấy tờ tùy thân giả tại sân bay Barcelona. Nhóm bị bắt sau khi 5 người di cư đồng ý cho lời khai để gia nhập chương trình bảo vệ nhân chứng. Với 18.000 bảng Anh mỗi người, họ được cung cấp hộ chiếu giả từ Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Nhật Bản những nơi không cần thị thực để vào Liên minh châu Âu. Họ bay đến các thành phố Tây Ban Nha, có thể là Barcelona hay Madrid, và được đưa đến nhà trú ẩn. Khi các giấy tờ giả khác được làm xong, nhóm tội phạm mua vé cho các nhóm nhỏ bay đến Heathrow, Gatwick và Dublin. Tuyến đường này được sử dụng để vận chuyển ít nhất 150 người di cư Trung Quốc năm 2018.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có