Chị Nguyễn Thị Thu Ngân (29 tuổi) đang chăm sóc bé Khánh (Ảnh chụp 9/6/2014)
8 đêm thức trắng
Bên giường bệnh số 14, mẹ bé Khánh, chị Nguyễn Thị Thu Ngân (29 tuổi), cầm mảnh giấy nhằng nhịt những số liệu về bệnh tình của con, giọng đầy lo lắng: “Bé vẫn chưa có gì tiến triển”.
Tranh thủ lúc con trai ngủ, chị Ngân đổ nước nóng trong phích ra một chiếc chậu nhỏ, vệ sinh bình sữa. Thấy chúng tôi hỏi về tình trạng bệnh của Khánh, chị Ngân bảo: “Bé khi sốt, khi mát. Uống sữa vẫn ói ra, ban đỏ nổi khắp mặt và đi tiểu vẫn chưa được nhiều”.
Vợ chồng chị đều làm giáo viên, quê Bình Dương. Bé Khánh là con trai thứ 2. “So với bé trước, Khánh dễ nuôi hơn nhiều. Đây là lần đầu tiên bé phải nhập viện điều trị, bình thường bé ăn uống dễ và chơi ngoan lắm”, chị Ngân chia sẻ.
Kể về những ngày khi con trai bị bệnh, người mẹ trẻ này chưa hết bàng hoàng: “Bé ở đây được 4 ngày 3 đêm rồi. Nhưng nếu tính cả thời gian nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương thì chúng tôi đã trải qua 8 đêm thức trắng. Ban đầu, bé chỉ sốt và ói, tôi đưa con đến phòng khám, họ kê đơn cho bé uống 2 ngày thuốc. Thế nhưng, hết ngày đầu tiên, bé vẫn không khá hơn nên tôi đưa bé trở lại phòng khám. Sau vài xét nghiệm, họ nói có thể bé bị Sốt xuất huyết, cần nhập viện điều trị. Vậy là gia đình đưa bé lên Bệnh viện đa khoa tỉnh. Điều trị 2 ngày, tình trạng của bé ngày càng xấu, xót lòng quá, vợ chồng tôi xin cho bé chuyển tuyến”.
Nhìn vào tờ giấy theo dõi được kẹp ngay ở chân giường, chị Ngân chỉ cho chúng tôi xem biểu đồ đánh dấu tình trạng sức khỏe của con trai chị từ khi nhập viện. “Mỗi ngày trôi qua, vợ chồng tôi đều căng mắt theo dõi từng động thái trên cơ thể con. Chúng tôi ghi lại tất cả những diễn biến của bé theo đúng lời dặn của y tá: Bé ói bao nhiêu lần, lượng đi tiểu ra sao, phân như thế nào, sốt bao nhiêu độ, có giật mình không, ban đỏ đã lan tới đâu rồi…? Dù vất vả nhưng việc điều trị của bé đang có những tín hiệu tốt. Bác sĩ bảo mỗi ngày bé đã khá hơn. Nhìn thấy con cười, vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm!”, chị Ngân chia sẻ.
Phòng tránh kỹ mà vẫn bệnh
Nhấc cánh tay phải của cậu con trai đang nằm li bì cạnh chiếc máy thở lúc nào cũng kêu ro ro, chị Ngân chỉ vào những vết bầm tím, sưng phồng và cứng ngắc từ khuỷu tay chạy dọc xuống mu bàn tay của bé. Chị kể: “Tôi có tìm hiểu qua về sốt xuất huyết nên cũng biết đôi chút về căn bệnh này. Khi vợ chồng tôi xin chuyển tuyến, bé đã bị biến chứng nặng, máu đã có dấu hiệu đông, vì vậy khi lấy máu để làm xét nghiệm, y tá phải gạt mãi máu mới ra. Thế nên tay bé bị bầm và sưng. Lúc đầu nhìn thấy cảnh đó, tôi hốt hoảng lắm, nhưng bác sĩ bảo chỉ cần lấy khăn ấm chườm lên là ổn”.
Từ ngoài hành lang bước vào, anh Thắng, chồng chị Ngân, xách chiếc cặp lồng cơm, đặt lên cái tủ nhôm rồi cúi sát người, đặt một nụ hôn lên trán con trai. Lấy tờ giấy theo dõi tình trạng của con mà hai vợ chồng ghi lại, anh Thắng cười: “Khá hơn đấy nhỉ? Mau hết bệnh còn về với anh Hai nha con”, vừa nói anh Thắng vừa liếc xuống giường nhìn con trai trìu mến.
Cũng giống như nhiều phụ huynh khác, khi TPHCM và các tỉnh phía Nam xuất hiện sởi, thủy đậu và tay chân miệng, vợ chồng anh Thắng - chị Ngân đã theo dõi tin tức từng ngày và thận trọng hơn trong việc chăm sóc 2 con trai. “Thấy dịch bệnh hoành hành, vợ chồng tôi không dám đưa các bé tới những khu vui chơi và chỗ đông người. Chúng tôi để ý các con từng ngày xem có gì bất thường hay không. Khi dịch tạm lắng xuống, vợ chồng tôi mới thở phào vì cả 2 bé đều qua được, nhưng chưa kịp mừng thì Gia Khánh mắc sốt xuất huyết”, anh Thắng phân trần.
Đang cẩn thận dò xem từng nốt ban nổi trên mặt con trai, chị Ngân tiếp lời chồng: “Nhà tôi rất thoáng, cây cối ít và luôn vệ sinh sạch sẽ. Có điều muỗi rất nhiều do mùa mưa đang đến, nhưng tôi có sử dụng thuốc bôi chống muỗi, cho các bé ngủ trong mùng… Không biết muỗi chích bé khi nào mà thành bệnh. Bệnh dịch đi theo mùa, mình chỉ cố gắng phòng chống thôi, còn qua được hay không thì lại tùy vào vận may”.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Phó khoa Cấp cứu Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM) |
Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. SXH thường xảy ra vào mùa mưa, sau khi bị muỗi chích khoảng 1 tuần đến 10 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8, thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt, thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Hiện chưa có thuốc điều trị SXH, chúng ta chỉ điều trị triệu chứng và biến chứng. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất là các yếu tố phòng tránh thông qua việc giảm thiểu khu vực có nước đọng - là nơi đẻ trứng của muỗi. Đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa những vật dụng có thể chứa nước. Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Cho bé ngủ trong mùng và sử dụng thuốc chống côn trùng để bảo vệ bé. Trong trường hợp bé sốt kéo dài không giảm và xuất hiện các biến chứng như: Ói, đi tiểu ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu chân răng… cần đưa bé đến ngay trung tâm y tế để làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời. |