Những đóng góp của vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự phát triển phụ nữ

Trường Hùng
21/06/2020 - 09:31
Những đóng góp của vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự phát triển phụ nữ
Bên cạnh những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực ngoại giao, báo chí, nhà báo Xuân Thủy, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, còn có nhiều cống hiến quan trọng đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Trong một ngày tháng 6 này, tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Ánh Tuyết (81 tuổi), người con út của nhà báo Xuân Thủy, tại tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà báo Nguyễn Thành Lê (1920-2020). Sau khi kết thúc buổi tọa đàm về người cộng sự gắn liền với sự nghiệp của cha mình như câu nói trong tham luận của nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: "Nguyễn Thành Lê là "cây vĩ cầm số 2" bên cạnh nhà báo lớn Xuân Thủy – linh hồn của báo Cứu Quốc...", bà Tuyết cùng anh trai là ông Nguyễn Trọng Yêm thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật về nhà báo Xuân Thủy mà gia đình bà đã hiến tặng. Trong đó, có bức ảnh nhà báo Xuân Thủy chụp cùng các đại biểu về dự Đại hội lần thứ I Hội những người viết báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, năm 1950. Cũng tại Đại hội này, nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Những đóng góp của vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự phát triển phụ nữ - Ảnh 1.

Nhà báo Xuân Thủy, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam

Bên cạnh những đóng góp đối với nền báo chí Việt Nam như phụ trách báo Suối Reo, tờ báo sinh hoạt nội bộ của Chi bộ tại nhà tù Sơn La; Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Cứu Quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh... bà Nguyễn Ánh Tuyết nhớ rằng, cha mình còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Khi đang là Ủy viên Thường trực Quốc hội, đồng chí Xuân Thủy đã được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo Luật Hôn nhân - Gia đình. Luật được biểu quyết thông qua vào ngày 29/12/1959. Việc đạo luật đi vào đời sống với những tư tưởng hôn nhân tự do, tiến bộ như: "Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự do..." đã đánh dấu một bước tiến mới trong vấn đề bình đẳng giới. Người phụ nữ không chỉ được giải phóng khỏi những lề thói phong kiến, gia trưởng mà còn được bảo vệ quyền lợi cả về vật chất và gia đình từ gia đình tới ngoài xã hội như việc cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác; con trai và con gái đều được chia tài sản thừa kế như nhau...

Vào tháng 6/1976, khi đang là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, đồng chí Xuân Thủy đã chủ trì buổi lễ thống nhất tổ chức phụ nữ của hai miền Nam - Bắc (Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Khi ở cương vị Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhà báo Xuân Thủy còn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nhớ lại khoảng thời gian trên, bà Nguyễn Ánh Tuyết cho biết, trong thời gian gia đình bà sinh sống tại số 36 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các lãnh đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam như bà Nguyễn Thị Thập, Hà Thị Quế, Nguyễn Thị Định thường đến làm việc, nhận chỉ đạo phong trào từ đồng chí Xuân Thủy.

Đồng chí Xuân Thủy còn được biết đến là một nhà lãnh đạo gần gũi, quan tâm đến phụ nữ qua nhiều bài thơ ông viết về phụ nữ Việt Nam như: Chùm thơ về Võ Thị Thắng (sáng tác từ 1968-1974), Nguyễn Trung Kiên (1973), Cô Nhíp (1973), Em đứng hàng đầu (1975), Các cô ấy (1975), Đẹp nhất đời (1976), Chúc mừng 8/3 (1982), Cám ơn các chị (1985), Chúc chị Mười Thập...

Trong số những bài thơ kể trên, phải kể đến bài thơ "Đẹp nhất đời" được viết vào tháng 6/1976: "Vừa hiền dịu lại vừa tươi/Mà lúc xông pha mạnh tuyệt vời/Đánh giặc, giữ nhà, xây dựng nước/Đảm đang lừng lẫy bốn phương trời./Anh hùng bất khuất chẳng thua ai/Ngang dọc bao phen, đội tóc dài/Nghĩ đến người thương, thương biết mấy/Năm chờ tháng đợi dẫu xa xôi./Tổ quốc ta nay thống nhất rồi/Đời vui như tết, chị em ơi!/Anh về, má gặp rưng rưng lệ/Anh khoác tay em, má lại cười./Chân bước đều chân, vai sánh vai/Trên con đường mới thắm tương lai/Cái duyên sum họp sao mà đẹp/Có lẽ là đây đẹp nhất đời!".

Đó là trong công việc, còn trong đời sống riêng, nhà báo Xuân Thủy cũng có những tư tưởng hết sức tiến bộ như việc không phân biệt con trai - con gái, mỗi người con (gồm cả con rể) đều được bình đẳng về quyền lợi.

Sau hơn 50 năm hăng say hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí, nhà báo Xuân Thủy đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở số 36 Lý Thường Kiệt vào ngày 18/6/1985, khi đang viết dở cuốn lịch sử báo Cứu Quốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm