pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những đứa trẻ "có quyền lựa chọn" và "không có quyền lựa chọn", cuộc sống sẽ khác biệt
Ảnh minh họa
Cách đây không lâu, một cô gái đã đăng một bài viết lên mạng xã hội với tiêu đề như sau:
"Bố mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của tôi, đến nỗi tôi cảm thấy bất ổn. Tôi nên làm gì?".
Trong bài viết, cô miêu tả bản thân như một con diều đứt dây. Sau khi đỗ đại học, cha mẹ cô vẫn cố nắm một đầu sợi dây, còn cô run rẩy ở đầu dây còn lại. "Từ khi còn nhỏ, tôi đã không được làm trái những gì cha mẹ yêu cầu. Họ yêu tôi nhưng không nghĩ rằng, tôi là một cá nhân độc lập.
Cha mẹ lên kế hoạch cho tôi trưởng thành trong một quỹ đạo an toàn: Cố gắng vào đại học, không được yêu đương trong thời gian học, sau khi tốt nghiệp phải đi làm nhà nước. Hễ tôi phản đối một chút thì bố liền nói: "Con phải nghe lời, ngay cả khi nó không đúng".
Câu chuyện của cô gái trẻ khiến nhiều người nghĩ tới một câu nói nổi tiếng "Đứa trẻ là một cá thể độc lập. Nó là phần mở rộng của cuộc đời bạn, nhưng không phải là một phần cơ thể của bạn".
Mỗi đứa trẻ đều có một đôi cánh. Chúng có thể tự do bay nhảy, nhưng nếu bị cha mẹ bẻ gãy đôi cánh thì chỉ có thể bị nhốt trong "nhà kính". Bảo vệ con không phải là trói con vào xiềng xích. Cha mẹ phải học cách buông bỏ để con sống tự lập.
"Một cuộc sống hoàn hảo là có đầy đủ quyền lựa chọn"
Nhiều cha mẹ đang bị nhầm giữa 2 khái niệm "bảo vệ" và "kiểm soát". Dưới danh nghĩa là "bảo vệ", cha mẹ tước đoạt quyền lựa chọn những thứ yêu thích của con. Trẻ chỉ có thể chủ động đón nhận sự "chăm sóc" của mẹ. Các em không dám mặc những trang phục bố mẹ không thích, không dám ăn những món cha mẹ chưa "phê duyệt"...
Một nghiên cứu tâm lý theo dõi cuộc sống của hơn 5.000 người trong gần 80 năm đã chỉ ra: Những đứa trẻ bị kiểm soát quá mức ở tuổi thiếu niên, khi đến tuổi trung niên có điểm số hạnh phúc thấp hơn hẳn.
Cách dạy dỗ của cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của con cái. Bảo vệ con khỏi mưa gió không phải là nhốt chúng trong vùng an toàn, mà là hỗ trợ và giúp đỡ khi chúng cần bạn.
Trong một chương trình tạp kỹ của Trung Quốc, từng có chủ đề gây tranh luận như sau: "Nếu bạn có thể tùy chỉnh cuộc sống hoàn hảo cho con mình chỉ bằng một cú nhấp chuột, bạn có nhấn nút này không?". Ý kiến của một chuyên gia giáo dục đã gây tiếng vang: "Một cuộc sống hoàn hảo là có đầy đủ quyền lựa chọn".
Câu nói này đã động đến "nỗi đau thầm kín" trong cách giáo dục của nhiều gia đình, khi mà cha mẹ là người có quyền quyết định đúng sai, bởi "có lợi cho con". Thực chất, kiểu giáo dục này chỉ đáp ứng mong đợi của cha mẹ, nhưng lại tước đi sự phát triển của trẻ em.
Là cha mẹ, bảo vệ con cái là bản năng, nhưng bảo vệ quá mức sẽ gây hại. Sống trong môi trường "vô trùng", trẻ có thể kiếm được nơi trú ẩn trong một thời gian nhưng sao cũng có ngày phải bước chân ra thực tại. Đến lúc ấy, trẻ sẽ va vấp, chịu bầm tím và ước ao giá như bản thân từng có nhiều cơ hội trải nghiệm cuộc sống hơn.
Cha mẹ thông minh thay vì sàng lọc và loại bỏ những mối nguy hiểm cho trẻ thì sẽ nói rằng: "Cuộc sống cần phải từ từ trải nghiệm. Con cứ thử sức đi, còn bố mẹ sẽ luôn ở phía sau con". Chỉ bằng cách này, trẻ mới có thể nhận ra điều thiện và điều ác, học được cách thích nghi với xã hội và biết tự bảo vệ mình.
Cha mẹ thông minh cũng học cách buông tay. Vì họ biết buông tay khác với bỏ mặc. Chỉ có buông tay, cho con quyền lựa chọn thì con mới có thể trưởng thành độc lập, mạnh mẽ, tự tin.
- Tôn trọng quyết định của con cái
Một người mẹ có con học chuẩn bị học cấp 3. Để con không bị tụt hậu so với các bạn, chị đăng ký cho con học lớp phụ đạo trong thời gian nghỉ hè. Không ngờ, đứa từ chối và tỏ thái độ: "Con không phải trẻ con. Con có thể tự giác xem bài trước ở nhà. Mẹ phải tin con".
Người mẹ không thể ép con. Trong những ngày nghỉ hè đầu tiên, chị quan sát mọi nhất cử nhất động của con, sợ con thất hứa. Một tuần trôi qua, chị mừng thầm vì con học hành nghiêm túc. Hết kỳ nghỉ hè, con chị đã xem qua được hết bài vở. Câu chuyện khiến chị nhận ra: Nếu không lựa chọn thay cho con cái, chúng vẫn có thể học tập và sống tốt.
Tôn trọng quyết định của con cái cũng là tôn trọng tương lai của chúng.
- Cho con quyền được thử
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ gốc Đức Erik Homburger Erikson từng đưa ra quan điểm về tám giai đoạn phát triển của trẻ. Theo đó, ở độ tuổi 1,5-3, trẻ bắt đầu có ý thức tự chủ, khám phá những điều mình tò mò. Vì vậy, khi con thể hiện "Con có thể", "Con muốn", cha mẹ hãy động viên đúng lúc để tăng sự tự tin cho con, thay vì ngăn cản, khiến con trở nên xấu hổ.
- Cho con quyền được phạm sai lầm
Sai lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Khi chúng ta có thể chủ động đối mặt và giải quyết vấn đề, chúng ta sẽ học được cách trưởng thành. Giống như câu nói: "Hãy chỉ ra con đường có thể sửa sai cho trẻ, để trẻ tự đáy lòng cảm nhận được mình sai ở đâu".
Trẻ sau khi mắc sai lầm sẽ sợ hãi, lo lắng. Lúc này cha mẹ càng cần bao dung, hướng dẫn. Nếu được cha mẹ hỗ trợ kịp thời thì đó chính là điều may mắn của cuộc đời đứa trẻ.
Cha mẹ thường nghĩ rằng để con giành chiến thắng ở vạch xuất phát thì mình phải chăm chút thật tỉ mỉ. Tuy nhiên, bị tước đoạt "tự do" là tàn nhẫn với trẻ em. Nhiều khảo sát xã hội đã cho thấy, cuộc sống khi trưởng thành của những đứa trẻ "có quyền lựa chọn" và "không có quyền lựa chọn" khác nhau nhau hoàn toàn. Trong khi những đứa trẻ có quyền lựa chọn luôn tự tin, rạng rỡ thì những đứa trẻ còn lại bị hạn chế trong suy nghĩ và lựa chọn, luôn sống trong cái bóng của gia đình, mọi việc đều chờ cha mẹ sắp đặt.
Hãy nhớ rằng, mối quan hệ cha mẹ - con cái đúng đắn phải là một bên rút lui để một bên học cách độc lập, tự chủ. Khi cha mẹ học cách buông bỏ, con cái sẽ dễ dàng sống cuộc sống của chính mình và tìm thấy hạnh phúc.