Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao:

"Cho đi niềm hạnh phúc sẽ nhận về gấp đôi gấp ba"

Mỗi tháng một lần, Na (9 tuổi) và Bơ (4 tuổi) đều theo bố mẹ, các cô chú lên vùng cao nấu ăn cho các bạn nhỏ. "Những nụ cười mát như nước giếng khoan", "những đôi mắt trong như ngọn nguồn ánh sáng" của các bạn nhỏ nơi ấy đã khiến Na, Bơ dần học được cách yêu thương, chia sẻ, cho đi. 

Còn đối với những thành viên khác trong đoàn, họ học được cách lắng đi những bộn bề của cuộc sống, suy nghĩ đơn giản hơn và thấy cuộc sống xung quanh mình thật ý nghĩa.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 1.

Thiền sư Minh Niệm

Người cho cũng cần người nhận chứ không chỉ người nhận mới cần người cho. Và như thế, không chỉ người nhận phải cảm ơn người cho, mà người cho cũng phải cảm ơn người nhận. Bởi cả hai đều là điều kiện cần thiết cho nhau

Nhóm Bếp Củi là một nhóm thiện nguyện tập hợp những người đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Cùng với việc tặng bánh kẹo, sữa, bàn chải, xà bông, khăn mặt, giày dép, quần áo, đồ chơi... họ còn lên vùng cao trực tiếp nấu ăn cho các em nhỏ. Mỗi chuyến đi của họ có từ 10 - 12 thành viên, trong đó bé Na và Bơ là 2 thành viên nhỏ tuổi nhất. Na đã tham gia 7/7 chuyến, Bơ đã tham gia 6/7 chuyến lên nấu ăn cho các bạn vùng cao.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 2.

Na (bé lớn) và Bơ (bé nhỏ) trong chuyến đi nấu ăn đầu tiên cùng bố mẹ và các cô chú tại huyện Bắc Yên (Sơn La), năm 2023.

Các chuyến đi chủ yếu đến các tỉnh vùng núi phía Bắc (Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng) và một tỉnh ở miền Trung (Hà Tĩnh). Chuyến đi có tổng quãng đường cả đi cả về ngắn nhất là hơn 400 cây số, và dài nhất là hơn 700 cây số. Có những điểm trường, làng bản, xe ô tô không di chuyển vào được, Na và Bơ cùng bố mẹ, các cô chú phải đi bộ một đoạn đường khá dài.

Nhóm thiện nguyện Bếp Củi nấu ăn cho các em nhỏ ở điểm trường Khu Chu Phìn, Trường Tiểu học Sàng Ma Sáo (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).

"Kìa mây mây ngang đầu, kìa núi núi lô nhô"

22 giờ 30 phút ngày 23/2/2024, nhóm Bếp Củi tập trung ở ngõ 612 đường Đê La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội) để bắt đầu chuyến đi thứ 7 – nấu ăn cho trẻ em tại một điểm trường ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Mọi người chuyển dụng cụ đồ bếp, nguyên liệu nấu ăn, sữa, đồ chơi... lên chiếc xe ô tô 16 chỗ.

Chỗ ngồi vừa đủ cho 12 thành viên. Na và Bơ chia nhau ngồi ở hàng ghế thứ hai, thứ ba từ trên xuống cùng với bố mẹ. Chiếc xe lăn bánh, xuyên qua màn đêm của phố thị, hướng về phía đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 3.

Vợ chồng chị Phạm Thu Thảo - anh Lê Hiếu cùng hai con Na, Bơ trong chuyến đi nấu ăn tại Lào Cai, tháng 2/2024

7 giờ sáng hôm sau, đoàn dừng chân và ăn sáng ở chợ Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai). Quãng đường dài hơn 300 cây số khiến một số người trong đoàn mệt mỏi, nhưng Na và Bơ thì vẫn lon ton khỏe khoắn. Đây là thành quả của việc anh Hiếu thường cho các con đi bộ tập thể dục ở hồ Giảng Võ (Hà Nội). 

Bữa sáng ở vùng cao dung dị với bát phở tráng (đặc sản của người Giáy) thơm lừng, nghi ngút khói, cùng với cả một bầu không khí trong lành mà người dưới xuôi hằng mơ ước.

Ngoài kia núi tầng tầng lớp lớp, nối tiếp nhau vô biên, khuất nẻo trong mù sương. Tuy chỉ còn khoàng gần 20 cây số, nhưng đường đi ngày càng lên cao, càng khó khăn, đường đất lổn nhổn sỏi đá. Chiếc xe đi qua những thôn bản vẫn còn đang "ngái ngủ". Những triền ruộng bậc thang đang kỷ "ngủ đông". "Mây kìa, mây kìa", một thành viên trong đoàn ồ lên, rồi tất cả mọi người cùng ngạc nhiên, ai cũng cười tươi, hớn hở.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 4.

Điểm trường Khu Chu Phìn, Trường Tiểu học Sàng Ma Sáo (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).

Điểm trường Khu Chu Phìn, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sàng Ma Sáo (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) nằm trên đỉnh núi Sàng Ma Sáo có độ cao trên 2.000m so với mực nước biển. Dù đã gần 9 giờ sáng, điểm trường vẫn chìm khuất trong sương mù, cả đoàn dường như lạc vào một chân trời cổ tích, nơi ấy có những cô bé cậu bé "nghiêng nghiêng cười trong đôi mắt tròn". Các em ngồi trong lớp ngó đôi mắt tò mò ra ngoài cửa, chờ đợi những món quà bất ngờ mà những vị khách ở Hà Nội mang đến.

Bên ngoài, các thành viên không ai bảo ai, mỗi người một công việc. Chị Thảo và anh Hiếu vào bếp chuẩn bị nồi nước sôi, pha sữa Milo tráng miệng cho các bạn nhỏ. Ngoài hành lang, Na cùng các thầy cô ở điểm trường chuẩn bị 43 suất quà – gồm bánh kẹo, sữa đặc, bàn chải, xà bông, khăn mặt, dép tổ ong. Các thành viên khác chia nhau đi sơ chế nguyên liệu, người đun bếp củi, người bật bếp ga. Ai cũng cảm thấy vui vẻ, bình an bên bếp lửa hồng.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 5.

"Nhìn các em để biết những gì mình cần, những gì mình có"

Hoàng Ngọc Minh (SN 1998) là 1 trong 2 thành viên thuộc thế hệ GenZ của đợt nấu ăn lần này. Đồng hành cùng nhóm Bếp Củi đã 3 lần, qua mỗi chuyến đi, em cảm thấy bản thân mình đã dần thay đổi theo chiều hướng tích cực từ lúc nào không hay.

Trước đây, Minh tự nhận mình là một người thiếu thốn tình cảm. Sinh ra và lớn lên ở thành phố (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), nhìn đời sống xung quanh, lúc nào em cũng thấy mọi người sướng hơn mình và hay đòi hỏi ở người khác.

Tuy đã nhiều lần nghe báo đài nhắc về những khó khăn, thiếu thốn của trẻ em và người dân vùng cao, nhưng Minh cũng không thể nào mường tượng nổi. Cho đến những chuyến đi gần đây, được trực tiếp gặp gỡ, trao quà, trò chuyện và nấu ăn cho các em nhỏ, em mới hiểu được sự thiếu thốn, khó khăn ấy lớn đến nhường nào.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 6.

"Đến mức, một cái xúc xích rất nhỏ, một cánh gà chiên rất nhỏ, nhưng các em lại rất trân trọng, ăn một cách sung sướng. Và được ăn đối với các em còn là một niềm hạnh phúc", Minh (bật khóc) nói. Trong khi, Minh đã từng coi những đồ ăn chiên, rán là tầm thường, và không bao giờ cho phép mình động đến.

Ngược lại với hoàn cảnh sống, các em nhỏ ở đây luôn lạc quan, cười hồn nhiên, rạng ngời như ánh mặt trời. Đó như là một điểm "chạm" đến trái tim Minh, mọi thứ vướng mắc trong lòng dần được tháo gỡ, để bản thân biết cảm thông, thấu hiểu người khác và học cách cho đi nhiều hơn.

Em đã đi làm được 3 năm rồi. Áp lực có, công việc cũng nhiều khó khăn. Nhưng khi lên đây, em thấy khó khăn của mọi người còn nhiều hơn mình và họ vẫn vượt qua được, sống lạc quan. Nhờ vậy, em lại có thêm động lực để làm việc, học cách tái tạo năng lượng trong bản thân, và hiệu suất công việc cũng như đời sống xung quanh em đã trở nên tốt đẹp hơn".

Hoàng Ngọc Minh, sinh năm 1998

"Học cách bón thêm hạnh phúc, để cành đó mọc ra những điều lành"

Trong lớp học, các em nhỏ đang xếp hàng để nhận từng cốc sữa nóng hổi, nưng nức mùi thơm. "Của con nè!", "Hết lại lên, cô đưa cho nhé!", "Hát cho cô nghe một bài nhé!", "Con có biết hát bài gì không?", "Ôi giời ơi, áo con xinh thế!"... – chị Phạm Thu Thảo, phụ trách nhóm Bếp Củi vừa đưa cho các em nhỏ vừa nói. Anh Lê Hiếu, chồng chị ngồi bên hỗ trợ, pha sữa, tay cầm sẵn chiếc cốc giấy đưa cho vợ.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 7.

Chị Thảo và anh Hiếu đã đồng hành với nhau trong rất nhiều chuyến thiện nguyện lên vùng cao trong suốt hơn 10 năm qua. Kể từ khi còn thanh niên, đến khi thành vợ thành chồng, những chuyến đi đã gắn kết hai tâm hồn với nhau, ai cũng cảm thấy rằng cuộc sống của mỗi người có ý nghĩa. 

Và khi Na, Bơ đến với thế giới này, anh chị cũng mong muốn các con được cảm nhận những bài học quý báu đó, và ý thức trách nhiệm xã hội của các con cũng theo đó mà được nâng cao lên.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 8.

"Khi hai bé nhà mình bắt đầu đủ sức có thể đi xa hơn, đi vất vả hơn, chúng mình đều đưa các bạn ấy đi. Bởi ở thành phố, các bạn đang sống một cuộc sống sung túc – có đủ mọi thứ về vật chất, tinh thần". 

"Nhưng khi lên trên này, thấy những bạn nhỏ vùng cao bằng tuổi mình, đi chân đất, không có quần áo để mặc, chân tay tím tái giữa trời đông buốt giá, các bạn sẽ biết đặt câu hỏi: Tại sao? Và từ đó, các bạn biết trân trọng những thứ mình đang có, cũng như học được cách cho đi", chị Thảo tâm sự.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 9.

Với vai trò phụ trách nhóm Bếp Củi, chị Thảo quan niệm, việc đi hàng trăm cây số lên đây trực tiếp nấu ăn cho các em nhỏ không phải là một việc gì quá to tát, hoặc gắn với nghĩa cao đẹp. Chỉ đơn giản, mọi người muốn lên đây giao lưu, vui chơi, nấu cho các em ăn những thực phẩm sạch (nem rán, khoai tây chiên, gà tẩm bột chiên, bánh phồng tôm...). Đây toàn là những thức quà giản dị ở phố thị, nhưng các em nhỏ vùng cao chưa có nhiều điều kiện để thưởng thức đến.

Cho nên khi chúng mình nấu những món ăn ấy, nhìn thấy các em ăn vui sướng, ăn say mê. Đấy chính là những niềm vui mà các em mang đến cho chúng mình, để cả nhóm có động lực đi nhiều điểm trường, bản làng ở vùng sâu vùng xa nhiều hơn nữa. Tuy có thể vất vả, khó khăn, nhưng chúng mình chưa bao giờ nản chí, hoặc bỏ cuộc ở những nơi này cả".

Chị Phạm Thu Thảo, phụ trách nhóm Bếp Củi


Kinh phí của chuyến đi do các thành viên tự đóng góp. Mọi người cũng trích một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh, buôn bán các sản phẩm handmade, các mặt hàng đặc sản. Và nhận tấm lòng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp – những người không có điều kiện, thời gian đi – nhưng có mong muốn trao gửi tới các em nhỏ vùng cao.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 10.

"Cho đi niềm hạnh phúc sẽ nhận về gấp đôi gấp ba"

Cách đây hơn 2 năm, chị Thảo cùng các thành viên trong nhóm thiện nguyện Vầng Trăng Nhỏ (do chồng chị, anh Hiếu làm trưởng nhóm) trao quà tặng cho các em nhỏ ở xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên, Sơn La). Buổi sáng trao quà tặng xong, buổi chiều mọi người leo núi đi "săn mây" và tình cờ gặp 18 em nhỏ đang nô đùa vô tư ở nhà sinh hoạt cộng đồng trên một quả đồi.

"Ấn tượng lắm. Ấn tượng về một địa điểm gần khu du lịch nhưng rất bình yên. Ấn tượng về mấy đứa trẻ quần áo bẩn, cởi truồng trước cửa nhà, ấn tượng về cô bé gái xinh xắn, ngoan, cảm giác rất đỗi gần gũi", chị Thảo nhớ lại.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 11.

Sau chuyến đi đó, chị Thảo cùng mọi người về Hà Nội quyên góp ba lô, giày dép, sách vở, bút, đồ chơi, sữa, bánh kẹo, 3 bao tải quần áo ấm và quay lại trao tặng cho các em nhỏ (tháng 2/2022). Nhà của các em nhỏ nằm cách nơi gặp mặt lần đầu tiên khoảng 500m trên một quả đồi rất cao, các em nhỏ đón nhận những món quà bằng một ánh mắt rạng rỡ và vui sướng.

Đến lần trở lại tiếp theo (tháng 6/2023), do nhà các em không có bếp ga, mọi người đã dùng bếp củi nấu ăn cho các em nhỏ. "Từ đó nhóm mới bắt đầu lấy tên là Bếp Củi. Và có một lời hứa với nhau, mỗi tháng sẽ cố gắng lên núi 1 lần để nấu ăn, cũng như vui chơi cùng các em", chị Thảo giải thích

Chị Trần Liên Hương (quận Đống Đa, Hà Nội), thành viên nhóm Bếp Củi, là người trực tiếp đứng bếp củi nấu ăn trong chuyến đi lần đầu ấy.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 12.

Chị Trần Liên Hương (áo đỏ) nấu ăn trong chuyến đi đầu tiên tại Sơn La, tháng 6/2023.

Và trong chuyến đi lần thứ 7 này, chị Hương cũng phụ trách một bếp củi để chiên khoai tây rán, bánh phồng tôm.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 13.

Trở lại điểm trường Khu Chu Phìn, chị Hương cũng như nhiều thành viên khác trong đoàn lựa chọn những chuyến đi như thế này – để cân bằng cuộc sống với công việc. Mọi người đều đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, cơ quan... trên địa bàn Hà Nội, và nhiều khi cũng gặp áp lực trong công việc.

Những em nhỏ cùng cha mẹ vượt hàng trăm cây số lên nấu ăn cho các bạn vùng cao- Ảnh 14.

Nhưng khi lên đây nấu ăn cho các em, chứng kiến những cụ cười của các em nhỏ, đã làm cho lòng của mọi người đang bộn bề "bỗng hóa ngay ngắn" – như ca từ trong bài hát "Nấu ăn cho em" của nghệ sĩ Đen Vâu.

"Mỗi lần nấu ăn cho các em, mình cứ có cảm giác như là những vị khách. Khi đến một nơi nào đó, có một món quà dành tặng cho các chủ nhà ở đấy", chị Hương (bật cười) nói.

Thực hiện: Trường Hùng