Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống

Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống

Những hạt cà phê đã mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống mà còn khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ Thái xã Chiềng Chung, huyên Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Xã Chiềng Chung nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.300m so với mực nước biển. Nơi đây được ví như "thủ phủ" trồng cà phê của tỉnh Sơn La. Mà Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica (cà phê chè) lớn của cả nước; gần một nửa sản lượng cà phê Arabica của Việt Nam được trồng đây. Tuy nhiên, mãi đến gần đây thương hiệu cà phê arabica Sơn La mới được nhiều người biết đến. Để đưa cà phê Chiềng Chung đến với người tiêu dùng, có đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ Thái năng động, dám học hỏi, dám quyết tâm đổi thay để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống - Ảnh 1.

Câu chuyện kể từ Chiềng Chung, Sơn La. Gần một nửa sản lượng cà phê Arabica của Việt Nam được trồng ở Sơn La, tập trung vào vùng Chiềng Chung và Mường Chanh. Nơi đây, cây cà phê Arabica được vun trồng, chăm sóc và nâng niu bằng đôi bàn tay của bà con dân tộc thiểu số để cho ra sản phẩm cuối cùng là thương hiệu cà phê Ara-Tay. Ảnh: Giang Phạm/CARE

Đánh thức giấc mơ màu nâu 

Cầm Thị Mòn sinh ra và lớn lên ở Chiềng Chung. Cả tuổi thơ của cô bé người Thái đen Cầm Thị Mòn gắn liền với những buổi lên nương hái cà phê phụ bố mẹ. Hơn ai hết, cô được nếm trải và thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân.

Gia đình Mòn có tới 2 ha cà phê, nhưng khi đó sản xuất còn mang tính chất manh mún, may ra cũng chỉ đủ ăn, có những năm sương muối, toàn bộ diện tích cà phê của cả bản bị thiệt hại. Không có kiến thức, kỹ năng, nên khi thu hoạch, những người nông dân chưa biết lựa chọn những quả chín, mà hái hết cả quả xanh. Những năm được mùa thì lại bị tư thương ép giá. Suốt hơn 20 năm, người trồng cà phê chỉ biết hái cà phê xô để bán tươi hoặc phơi khô bán. 

Cách đây vài năm, những người trồng ra nó vẫn chưa biết uống cà phê như thế nào. Đa số chỉ trồng, thu hoạch quả xanh rồi bán. Cây cà phê cứ trồng rồi để tự nhiên, không được chăm sóc thường xuyên. Nhiều hộ trong bản đã chặt bỏ cà phê để trồng các loại cây khác.

Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống - Ảnh 2.

Chị Mòn, một phụ nữ Thái bao năm gắn bó với cây cà phê, từng nghĩ đến chuyện phá hết để trồng cây ăn quả. Song từ một lần đi tham quan học tập ở Lâm Đồng và Đắk Lắk, nhìn cuộc sống sung túc của bà con nơi ấy có được từ việc theo đuổi cây cà phê chất lượng cao, chị Mòn bàn với chồng là anh Bun, rồi quyết định giữ nương cà phê và thay đổi tập quán canh tác. Ảnh: Giang Phạm/ CARE

Dù sản phẩm cà phê Sơn La chưa thực sự phổ biến ở thị trường trong nước, mặc dù sản lượng và chất lượng đều được đánh giá cao. Đó là động lực để Cần Thị Mòn quyết tâm tiếp tục công việc trồng cà phê và luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất ra những sản phẩm cà phê có chất lượng được thị trường trong nước biết đến và tiến tới có thể xuất khẩu.

Nhận được sự tài trợ của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam (tổ chức phi chính phủ của Úc), sau một thời gian chuẩn bị tích cực, vào tháng 6/2020, Hợp tác xã (HTX) Ara-Tay Coffee ra đời với sự tham gia của 14 hộ gia đình  trong đó chủ yếu là các thành viên nhóm phụ nữ tiết kiệm do Mòn là giám đốc ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn.

Theo lý giải của Mòn theo tiếng Thái, "Ara" là Arabica, "Tay" trong tiếng Thái có nghĩa là người Thái. Logo của HTX cũng được lấy cảm hứng từ hình ảnh con người và họa tiết từ chiếc piêu (khăn) đặc trưng của người phụ nữ Thái và có màu đỏ chủ đạo dựa trên hình ảnh những quả cà phê đỏ tươi mỗi vụ mùa thu hoạch. Tên gọi Ara-Tay, logo của HTX mang hàm ý chỉ bàn tay nâng niu, tận tụy của người phụ nữ Thái dành cho cây cà phê.

Khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu Ara-Tay Coffee, bà con buộc phải thay đổi thói quen “hái xô” – hái lẫn tất cả quả chín, xanh, non, bị sâu,... sang “hái chọn” hạt cà phê chín. Rồi thay đổi cả cách vận chuyển, đóng gói, rửa hạt,...Dù đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn nhưng việc hái chọn mang lại thu nhập cao hơn và đều đặn hơn. Ảnh: Giang Phạm/ CARE

Cầm Thị Mòn và các chị em tham gia HTX được tham dự các buổi tập huấn của tổ chức Care, được các chuyên gia cà phê từ Buôn Mê Thuột về hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, sơ chế cà phê, từng bước phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững.

Giám đốc HTX Cầm Thị Mòn chia sẻ: Ngày trước tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc làm giám đốc hợp tác xã vì chưa có kỹ năng. Khi làm rồi tôi phải học hỏi nhiều hơn, phải quán xuyến nhiều hơn.

Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống - Ảnh 4.

Chị Mòn là giám đốc đầu tiên của Hợp tác xã Ara-Tay Coffee. Chị cho biết: Việc cũng có nhiều hơn nhưng nhờ gia đình và mọi người xung quanh giúp đỡ mà giờ đã quen việc. Ảnh: Giang Phạm/ CARE

Từ giảm nghèo thông tin đến giảm nghèo bền vững: Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống

Để thuyết phục, hướng dẫn bà con ở bản làm quen với cách àm cà phê theo kiểu mới thật sự không đơn giản chút nào. Nhưng không nản, những người đứng đầu HTX như Mòn phải không ngừng hỗ trợ và giải thích cho bà con, buổi cầm tay chỉ việc để bà con dần thay đổi từ thói quen hái xô cà phê, thu hoạch tất cả quả chín, xanh, non, bị sâu... sang hái chọn quả cà phê chín. Tiếp đó là thay đổi cả cách vận chuyển, đóng gói, rửa hạt... 

Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống - Ảnh 5.

Mỗi năm khi cà phê chín, phụ nữ Thái từ các vùng khác tìm đến và ở lại Chiềng Chung để hái cà phê trong suốt mùa thu hoạch. Người phụ nữ đóng vai trò không thể thiếu trong mọi công đoạn của quá trình sản xuất cà phê Arabica Sơn La. Hình ảnh của họ trở thành một nét đặc trưng của vùng đất cà phê Sơn La này. Ảnh: Giang Phạm/ CARE

Lần đầu tiên, người dân trong bản được làm quen với máy móc, công nghệ và những thuật ngữ "rang đậm, nhạt", "hương vị trái cây, socola". Ở bản, mọi người chỉ thường làm cà phê, cốt sao cho nhanh chóng, để còn lo toan cho những nương lúa, đi làm thêm việc để kiếm thu nhập. Nhưng thuyết phục dần và minh chứng rõ nét nhất là giá của cà phê đã tăng lên tới vài lần, là cách chứng minh hiệu quả nhất để bà con nghe theo, tin tưởng và tự tin với con đường tăng thêm giá trị cho hạt cà phê tại địa phương.

Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống - Ảnh 6.

Trong quy trình sản xuất mới, không có thứ gì bị bỏ phí: vỏ cà phê được ủ làm phân bón hoặc được chế biến thành trà cascara (vỏ cà phê sấy khô). Sản phẩm như thế này góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con. Ảnh: Giang Phạm/ CARE

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các thành viên trong HTX đều phải trải qua chương trình tập huấn như kỹ năng canh tác theo tiêu chuẩn 4C và UTZ; thu, hái, chế biến, xử lý vỏ/nước thải thành phân vi sinh, rang, xay, pha chế, thử nếm, lập kế hoạch kinh doanh, vận hành mô hình HTX.

"Các anh chị em lúc tham gia tập huấn thì thái độ hăng say lắm, không bao giờ phàn nàn gì cả. Có lẽ vì đây là cơ hội đổi đời của mình nên họ quyết tâm lắm." Anh Lê Trung Hưng, chuyên gia cà phê, nhớ lại những ngày tập huấn cho bà con ở Chiềng Chung.

Trong năm 2020, HTX đã sản xuất được 10 tấn cà phê đặc sản. Trong năm 2021, HTX tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng dòng cà phê đặc sản, tìm kiếm đầu ra, tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX và liên kết với hàng trăm thành viên tham gia thông qua cung cấp quả tươi chất lượng cao hoặc tham gia khâu chế biến, mở rộng diện tích trồng cà phê.

Những hạt cà phê đổi thay cuộc sống - Ảnh 7.

Những hạt cà phê đã mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho những người phụ nữ

Ara-Tay không chỉ là cơ hội đổi đời từ quy trình sản xuất cà phê đặc sản bền vững, mà còn là tình yêu với cây cà phê và sự khẳng định vai trò của người phụ nữ Thái trong cộng đồng. Khi những lứa cà phê sạch được thu hoạch, bà con ai cũng phấn khởi dù biết con đường phía trước vẫn còn rất dài. Trên chặng được phát triển của HTX, dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với nỗ lực, năng động của chị em phụ nữ ở xã Chiềng Chung và sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng HTX Ara-Tay Coffee sẽ khẳng định được thương hiệu, tiếp tục thành công và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.