Con gái GS Đặng Thai Mai chia sẻ những hồi ức về gia đình

Bảo Minh
20/10/2021 - 16:40
Con gái GS Đặng Thai Mai chia sẻ những hồi ức về gia đình

Cuốn hồi ký "Cô bé nhìn mưa" của PGS.TS Đặng Thị Hạnh

Cuốn hồi ký “Cô bé nhìn mưa” của PGS Đặng Thị Hạnh là hồi ức về một gia đình trí thức lớn trong bối cảnh những biến động của lịch sử Việt Nam gần suốt thế kỷ 20.

PGS Đặng Thị Hạnh là con gái thứ 2 của GS Đặng Thai Mai. Cuốn hồi ký Cô bé nhìn mưa là những hồi ức về gia đình của bà gắn với những biến động của lịch sử Việt Nam. Đó là hồi ức về quê nội trên rừng và quê ngoại dưới biển. Là hồi ức về người cha, một học giả uyên bác và người mẹ, một phụ nữ dịu dàng tần tảo. Là hồi ức về những người thân yêu in dấu sâu đậm suốt tuổi thơ, về các chị em ruột thịt và gia đình riêng, về bạn bè và đồng nghiệp… Đó cũng là hồi ức về cách mạng và kháng chiến, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những người lính trẻ đã ra đi không trở lại…

GS Đặng Thai Mai (1902-1984) nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông có vốn Nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam.

Ông được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1982 và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Ông có 6 người con, đều là những trí thức tên tuổi: PGS.TS Đặng Bích Hà (vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp), PGS.TS Đặng Thị Hạnh, GS.TS Đặng Thanh Lê, PGS.TS Đặng Anh Đào, PGS.TS.KTS Đặng Thái Hoàng, PGS.TS Đặng Xuyến Như.

Nhà văn Nguyên Ngọc từng gọi Cô bé nhìn mưa một lịch sử không ồn ào, bởi tác giả viết, cũng là đối thoại với chính mình, về cuộc đời. Đáng nói, Cô bé nhìn mưa được viết khi tác giả 78 tuổi - ký ức của một con người đi xuyên thế kỷ, có nét từng trải, sâu sắc, lịch lãm, am hiểu lẽ đời, lại vừa mang âm hưởng tươi vui hóm hỉnh của "cô bé nhìn mưa" bên cửa sổ làng Quỳnh năm nào. Hơn nữa, tác giả là người có tâm hồn biết cảm nhận và lưu giữ những ấn tượng bình thường của cuộc sống ngay từ nhỏ, biết kết hợp khéo léo khả năng phân tích của tư duy phương Tây và dòng cảm xúc liên tưởng của phương Đông.

Bởi thế, đọc hồi ký của Đặng Thị Hạnh, không chỉ là đọc đời tư của một cá nhân, một con người rất cụ thể, mà là đọc về một thế hệ xưa để biết, để hiểu, ngoài ra còn là lắng nghe tiếng nói của một trí thức uyên bác về chính những "hồi ức" ấy. Đặng Thị Hạnh như tách ra làm đôi, một bên là dành cho ghi chép hiện thực, một bên là để chiêm nghiệm, suy ngẫm, nhất là số lượng trang không nhỏ kể về thế giới "sách vở", vô cùng ấn tượng.

Cô bé nhìn mưa được xuất bản lần đầu vào năm 2008. Lần tái bản nhân dịp kỷ niệm 91 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, NXB Phụ nữ Việt Nam đã sửa chữa và đưa thêm phần phụ lục giới thiệu một số bài điểm sách với những cái nhìn đa chiều về Cô bé nhìn mưa. Từ đó, bạn đọc có thể rút ra được nhận xét của riêng mình.

PGS.TS Đặng Thị Hạnh

PGS.TS Đặng Thị Hạnh

PGS Đặng Thị Hạnh sinh năm 1930, quê ở Quỳnh Đôi, Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình danh gia mà tên tuổi đi theo dọc dài đất nước, bà là con gái thứ hai của cố giáo sư Đặng Thai Mai, mặc dù không được ba kèm học nhưng "ở nhà nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông".

Bà là người đóng góp rất lớn cho ngành khoa học Văn học, đặc biệt là chuyên ngành Văn học Pháp. Với Cô bé nhìn mưa, bà đã đủ khẳng định mình với tư cách một người sáng tạo văn chương.

Trích đoạn viết về việc cố GS Đặng Thai Mai nôi dạy con:

Tất cả những vật nhỏ bé xinh đẹp đối với tôi đều như có hào quang thần diệu bao quanh, nhưng chắc chắn vào tuổi mười, mười một, không gì địch được với ma lực của sách truyện cổ tích Pháp. Trong một thời gian dài, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ba tôi chú ý đến việc học hành của chúng tôi. Nửa đùa, nửa thật, ba tôi đã nói: "Ba không dạy bay, ở nhà ta chỉ nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông". Quả nhiên, ba tôi không bao giờ kèm chúng tôi học, tất nhiên vì ba tôi bận, nhưng trước tiên có lẽ vì ba tôi không muốn có gì "câu thúc" (một từ có phần khó hiểu mà ngay từ bé tôi đã hay thấy ba tôi dùng) đối với tâm hồn và đầu óc đứa trẻ. "Nhặt chữ rơi ngoài ngạch" thì cũng có phần đúng trên bình diện ẩn dụ, ở nhà tôi sách nhiều vô kể. Chúng nằm trong cái tủ cao có cửa kính của phòng làm việc ba tôi, chúng vương vãi trên bàn làm việc... sau này chúng xâm lấn ở khắp nơi chúng có thể vào được. Nhưng vào tuổi mười, mười hai chúng tôi chưa chọn được sách trong tủ ba tôi. Chúng tôi hay chạy ra phố mua tạp chí (Lisette), Tuần lễ của Suzette, các truyện trong Tủ sách Hồng dành cho trẻ em, và khi lớn hơn một chút nữa là Tủ sách Xanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm