Những ngôi làng phụ nữ cười vui mỗi ngày

16/09/2018 - 18:33
Tránh xa những hủ tục, định kiến, sự phân biệt đối xử, nhiều phụ nữ đã tự xây dựng nên những “vương quốc nữ nhi”, miền đất bình yên cho bản thân và con cái.
Noiva do Cordeiro - Nơi chán ghét những luật lệ hà khắc
Nằm nép mình bên những ngọn đồi gần Belo Vale, bang Minas Gerais, miền Đông Nam Brazil, thị trấn Noiva do Cordeiro được mệnh danh là lãnh thổ nữ quyền. Ở đây, hiếm khi bắt gặp bóng dáng đàn ông. Sự mất cân bằng giới tính ở vùng đất này khiến cho nhiều người tò mò. Tuy nhiên, những người dân gắn bó máu thịt với nơi này cho rằng: “Chúng tôi chia sẻ với nhau mọi thứ từ công việc đến của cải. Tất cả đều là của chung nên không ai có nhu cầu hơn thua nhau”.
trang-4-quoc-te-noi-phu-nu-thoat-dinh-kien-1.jpg
Ở Noiva do Cordeiro, mọi thứ đều được chia sẻ từ công việc đến trang sức

 

Cho dù một số phụ nữ vẫn có chồng và sinh con nhưng hầu hết những người đàn ông này đều đi làm xa cuối tuần mới về. Vai trò của những người đàn ông trong gia đình thường rất mờ nhạt. Tất cả việc lớn việc nhỏ trong làng đều do phụ nữ đảm nhiệm từ quản lý tài chính, tới chuyện đồng áng hay việc nội trợ trong gia đình.
 
Bà Maria Senhorinha de Lima được xem là cư dân đầu tiên của thị trấn này. Bà đến đây năm 1891, sau khi phản đối cuộc hôn nhân sắp đặt để chạy theo tiếng gọi con tim. Sau đó, những người có cảnh ngộ tương tự cũng tìm đến sống cùng bà, lâu dần thành một cộng đồng. Năm 1940, Anisio Pereira, một linh mục đã đến đây, lấy một phụ nữ trong vùng làm vợ.
 
Ông ta xây nhà thờ, đồng thời đặt ra các luật lệ hà khắc cho phụ nữ như cấm uống rượu, nghe nhạc, cắt tóc và cấm sử dụng các biện pháp tránh thai. Những người phụ nữ bắt đầu phản đối. Đến năm 1995, khi ông Anisio qua đời, họ không cho phép bất kỳ người đàn ông nào tạo ra những quy tắc và áp đặt cho cuộc sống của họ nữa.
 
Nơi này hiện có khoảng 600 phụ nữ, trong đó có 300 phụ nữ ở tuổi lao động và kết hôn. Sống ở nơi cô lập với thế giới bên ngoài, các cô gái trong vùng ít có điều kiện gặp gỡ nam giới. Họ mong muốn có nhiều cơ hội hơn, tuy nhiên, với điều kiện phải tôn trọng và sống hòa hợp với phong tục, tập quán và nét văn hóa riêng của cộng đồng họ.
 
Kihnu - Hòn đảo của những người phụ nữ tháo vát
Nằm trên vùng biển Baltic, đảo Kihnu cách bờ biển phía tây của Estonia khoảng 10km. Kihnu có diện tích khiêm tốn khoảng 16 km2 với dân số 604 người. Trên đảo có 4 ngôi làng gồm: Saare, Lemsi, Rootsikula và Linakula. Điều đặc biệt, mọi thứ trên đảo đều do phụ nữ điều hành và quản lý. Nguyên nhân là do những người đàn ông thường xuyên đi đánh cá trên biển hàng tháng trời. Phụ nữ ở nhà không có sự lựa chọn nào khác là phải tự mình quán xuyến mọi việc trong ngoài.
trang-4-quoc-te-noi-phu-nu-thoat-dinh-kien-2.jpg
Ca hát, nhảy múa là một phần không thể thiếu trong các gia đình ở đảo Kihnu

 

Đảo Kihnu đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và kiệt tác truyền khẩu của nhân loại. Công này là do những người phụ nữ trên đảo luôn biết giữ gìn và giáo dục con cái họ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trên đảo, ngoài thuyền người ta chỉ dùng xe đạp để đi lại, không còn bất kỳ phương tiện giao thông nào khác.
 
Đến với đảo Kihnu, chúng ta sẽ bắt gặp những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu giữa màu xanh thiên nhiên, những bài ca điệu múa gắn kết con người với nhau sau những ngày làm việc vất vả. Đó là những lý do khiến đảo Kihnu nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh thanh bình và nền văn hóa độc đáo.
 
Umoja - Ngôi làng không bóng dáng đàn ông
Làng Umoja ở bang Sambruru, Kenya, được thành lập từ năm 1990, đây là mái nhà chung của 70 phụ nữ và 200 trẻ em. Bà Rebecca Lolosoli được xem là người đứng đầu ngôi làng có quy định cấm đàn ông bước chân vào lãnh địa của họ.
trang-4-quoc-te-noi-phu-nu-thoat-dinh-kien-3.jpg
Phụ nữ làng Umoja

 

Nguyên nhân là do các cư dân của ngôi làng này đều là nạn nhân của các vụ cưỡng bức, cưỡng hôn từ những nơi khác đến đây “tị nạn”. Họ gặp nhau trên bước đường cùng khổ bị gia đình ruồng rẫy, cộng đồng tẩy chay. Không biết đi đâu về đâu, họ cùng nắm tay nhau ở lại mảnh đất này “tối lửa tắt đèn có nhau”.
 
Thuở mới lập làng, họ dựng những túp lều di động để trồng trọt và buôn bán sản vật kiếm sống qua ngày. Sau 20 năm làm lụng, họ đã có tiền mua lại đất từ chính phủ và thật sự trở thành chủ nhân của ngôi làng. Ngoài công việc trồng trọt và chăn nuôi để kiếm sống, những người phụ nữ trong làng còn làm đồ thủ công và mỹ nghệ để bán cho du khách.Trong làng có một ngôi trường và một viện bảo tàng. Cuộc sống của mọi người hiện nay khá ổn định và sung túc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm