pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những người cao tuổi không muốn "già cậy con"
Bà Lê Thị Liên (giữa) trò chuyện cùng các bạn bên ấm trà
Cụ bà tuổi 90 không muốn "cậy con"
Ở tuổi 88, cụ Ái (ở Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội) vẫn khá dẻo dai, minh mẫn. Cụ Ái có 8 người con, trong đó người con trai duy nhất đã mất cách đây mấy năm vì bệnh hiểm nghèo, còn các cô con gái đều đã lên chức bà nội, bà ngoại.
Cụ ông mất sớm, miếng đất cha ông để lại, lúc về già, cụ Ái chia cho con cháu, chỉ để lại một mảnh, các con gom góp xây cho cụ một căn nhà. Hiện có 2 cô con gái và 2 người cháu ngoại sống liền kề nhưng không chung nhà với cụ.
Cụ Ái có một mảnh vườn nhỏ được trồng đủ thứ rau. Mỗi ngày, cụ hái đầy một mẹt rau, nhờ con cháu chở ra chợ gần nhà để bán. Người không biết, nhìn thấy cụ già ngồi nắng gió bán rau ngoài chợ thì trách cụ tham công tiếc việc. Nhưng hàng xóm láng giềng thân thiết cùng con cháu trong nhà thì biết rõ, cụ Ái làm vậy cũng là một cách để rèn luyện sự dẻo dai, minh mẫn.
"Ra chợ, gặp người nọ người kia, tôi còn khoẻ ra, cứ ngồi nhà nhìn đất nhìn trời, buồn thối ruột rồi sinh ốm. Giờ mình già rồi, ăn uống là bao. Đông con, lắm cháu, nhiều chắt, chúng nó biếu tiền tôi còn chẳng tiêu đến thì cần gì phải kiếm tiền nữa. Nhưng còn chút sức khoẻ, tôi muốn mình vận động cho giãn xương khớp", cụ Ái nói.
"Tôi mong mẹ tôi luôn khoẻ mạnh. Tuy gần 90 tuổi rồi nhưng cụ không khiến con cháu phải chăm sóc, cơm bưng nước rót. Thi thoảng, trên trạm xá xã có đợt thăm khám sức khoẻ cho người cao tuổi thì chúng tôi đưa cụ đi, chứ bình thường cụ chẳng phải dùng thuốc thang gì. Mẹ già chưa bao giờ là gánh nặng của chúng tôi cả", một người con của cụ Ái cho hay.
Tự chủ để hạnh phúc
Bà Lê Thị Liên về hưu đã hơn 20 năm, ông nhà đã mất được 15 năm, hai người con đều thành đạt, sống ở nội thành nhưng bà vẫn gắn bó với ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Đông Anh (Hà Nội).
Tiếng là "hộ đơn thân" nhưng chẳng mấy bữa bà Liên ăn cơm một mình. Nhóm bạn thân của bà Liên tuổi đều thất thập trở lên nhưng tuần nào cũng đôi ba ngày, cả vợ lẫn chồng tụ họp "tám" chuyện rồi nấu nướng, ăn cơm tại nhà bà Liên. Chả thế, họ gọi vui nhà bà Liên là "trại dưỡng lão", là "nhà văn hoá cộng đồng" của mình.
Năm 2023, kỷ niệm lần thứ 33 Ngày Quốc tế người cao tuổi, Liên hợp quốc đưa ra chủ đề "Thực hiện các lời hứa trong Tuyên bố chung về bảo vệ quyền và lợi ích cho người cao tuổi xuyên suốt qua các thế hệ".
Tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ".
Nhìn bà Liên bây giờ, ít ai biết đã có thời kỳ bà bị tiểu đường độ III, xương khớp thoái hóa, thiểu năng tuần hoàn não, lúc nào cũng mệt mỏi, đau đầu… Bà thú thật, khi sức khỏe đi xuống, rất dễ dẫn đến tâm lý chán chường. Ý thức rõ điều này nên ngay khi nghỉ hưu, bà quyết tâm dành thời gian để chăm sóc bản thân, luyện tập thể dục tăng cường sức khỏe.
Năm nào bà cũng dành thời gian đi du lịch. Mỗi khi rảnh rỗi, bà lại mở chồng album ra xem, "đọc" kỷ niệm qua từng bức ảnh. Các con của bà Liên ai cũng ngỏ ý muốn được đón mẹ về ở cùng để tiện chăm sóc, báo hiếu nhưng bà từ chối.
"Người già chỉ thực sự hạnh phúc khi tự chủ được cuộc sống của mình, không trở thành gánh nặng cho con cháu. Khi mình còn sức khoẻ, trong hoàn cảnh và điều kiện cho phép, được sống theo ý mình là điều tuyệt vời nhất", người phụ nữ gần 80 tuổi này cho biết.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người. Số người từ 60 tuổi trở lên là 11,409 triệu người, trong đó có khoảng 5,83 triệu người là nữ và 5,57 triệu người là nam. Số người từ 65 tuổi trở lên là 7,417 triệu người, chiếm 7,7% dân số; có hơn 1,8 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm khoảng 16,5% tổng số người cao tuổi).
Dự báo, dân số già (người từ 65 tuổi trở lên) của Việt Nam tăng từ 7,4 triệu người năm 2019 lên đến 16,8 triệu người vào năm 2039.