Những người “mắc kẹt” từ chính sách một con ở Trung Quốc

Kim Ngọc
05/08/2021 - 07:15
Những người “mắc kẹt” từ chính sách một con ở Trung Quốc

Người đàn ông đưa một phụ nữ lớn tuổi đi tham quan Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ảnh: People Visual

Nhiều người thuộc thế hệ Y Trung Quốc đang lo lắng cho tương lai của mình khi phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già yếu.

Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Theo ước tính của chính phủ, đến năm 2050, khoảng một phần ba dân số của đất nước - gần 500 triệu người sẽ từ 60 tuổi trở lên. Sự chuyển đổi đó đang tạo ra thách thức kinh tế và xã hội đáng lo ngại.

Những thay đổi này đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến thế hệ Y ở Trung Quốc. Họ là "thế hệ một con" - sinh ra trong thời kỳ chính quyền Trung Quốc thực thi chính sách một con trên toàn quốc, kéo dài từ cuối những năm 1970 đến năm 2015.

Từ "tiểu hoàng đế" thành trụ cột gia đình

Khi còn nhỏ, thế hệ Y là sự quan tâm duy nhất của cha mẹ ông bà. Họ gắn với biệt danh "tiểu hoàng đế" và luôn được chiều chuộng. Tuy nhiên hiện tại, vai trò đã đảo ngược vì khi trưởng thành họ không chỉ phải chăm lo cho gia đình riêng mà còn cả cha mẹ và ông bà già yếu nhưng lại không có sự hỗ trợ của bất kỳ anh chị em nào. 

Ngoài áp lực kinh tế và văn hóa, theo luật pháp Trung Quốc, con cái trưởng thành có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ, hỗ trợ kinh tế và động viên tinh thần khi cha mẹ về già. Trong khi đó, trợ giúp từ nhà nước thường khó tìm. 

Mặc dù nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào cơ sở chăm sóc người cao tuổi nhưng người già đang phải vật lộn do tốc độ dân số già đang diễn ra nhanh chóng.

Những người con “mắc kẹt” trong chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 1.

Thế hệ Y vừa phải chăm lo cho gia đình riêng vừa phải chăm sóc cha mẹ và ông bà già yếu nhưng lại không có sự hỗ trợ của bất kỳ anh chị em nào.

Trên mang xã hội Douban của nước nay, hàng nghìn thế hệ Y chia sẻ chung nỗi lo khi cha mẹ già yếu. Một nhóm có tên "Nhóm của những người con có cha mẹ về hưu" đã thu hút hơn 72.000 thành viên kể từ khi được thành lập vào cuối năm 2019.

Các thành viên là những người làm việc cho các công ty đa quốc gia, một số khác là sinh viên đại học, một số người khác sống ở nước ngoài. Mặc dù nhiều người trong cộng đồng này đến từ các gia đình trung lưu nhưng họ vẫn lo lắng về việc họ sẽ hỗ trợ bố mẹ như thế nào, đặc biệt là khi gặp vấn đề về sức khỏe.

"Nửa đêm, nghĩ đến cảnh mẹ ốm đau liên tục van xin tôi quay về chăm sóc mẹ mà lòng tôi đau nhói", một thành viên sống ở nước ngoài viết.

Một tài khoản khác bình luận: "Tôi cảm thấy vô cùng bất lực sau sau khi bố tôi gặp tai nạn xe. Tôi luôn được bố mẹ bảo vệ. Tôi không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bố tôi gặp chuyện bất trắc".

Mắc kẹt giữa sự nghiệp và chữ hiếu

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cha mẹ có thể trở nên phụ thuộc vào tôi như vậy. Tôi cần cùng họ đến gặp bác sĩ, quyết định kế hoạch điều trị, xoa dịu cảm xúc của họ.

Shen Feifei, 30 tuổi, sống tại Thượng Hải

Ở tuổi 30, Shen Feifei (Thượng Hải, Trung Quốc) những tưởng đã có cuộc sống ổn định. Cô tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu, làm việc tại một công ty đa quốc gia và đã lập gia đình. Nhưng hai năm sau, cả cha và mẹ của Shen đều được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Căng thẳng ngày càng dồn vào cô khiến mọi thứ trở nên quá tải, Shen nhiều đêm mất ngủ.

Shen đã hai lần nghỉ việc để có thêm thời gian đảm đương những trách nhiệm này. Cô lo lắng công ty có thể sớm chấm dứt hợp đồng với cô. Nếu điều đó xảy ra, áp lực tài chính đối với gia đình cô sẽ trở nên trầm trọng. Shen và chồng đã phải bán một căn hộ ở Thượng Hải trị giá 4 triệu NDT (hơn 14 tỷ đồng) để giúp trang trải chi phí điều trị ung thư cho bố mẹ.

Sau đó, Shen cùng với chồng và con trai năm tuổi chuyển đến sống gần bố mẹ. Cô cũng đã thuê một số người chăm sóc tại nhà, một việc rất khó ở Thượng Hải, để hỗ trợ bố mẹ vào ban ngày. Tuy nhiên, mặc dù tình trạng mẹ Shen đã ổn định sau hai năm điều trị ung thư nhưng bà ngày càng phụ thuộc vào cô nhiều hơn. Shen đã phải đổi nhiều người giúp việc theo yêu cầu của mẹ nhưng vẫn chưa khiến bà hài lòng. "Mẹ nói với tôi rằng bà chỉ muốn tôi chăm sóc, vì đó là nghĩa vụ của một đứa con gái. Bà gọi cho tôi hàng chục lần mỗi ngày và rất tức giận nếu tôi đang họp và không trả lời".

Những người con “mắc kẹt” trong chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 2.

Chi phí trị bệnh và tiền thuốc men cho người già là một trong những điều gây áp lực cho con cái. Ảnh: People Visual

Tuy nhiên, Shen không muốn chuyện này ảnh hưởng tới công việc thêm nữa. Tiền lương giúp cô chi trả tiền thuốc điều trị ung thư nhập khẩu cho cha mẹ, nó hiệu quả hơn nhưng đắt hơn nhiều so với các loại thuốc thay thế trong nước.

"Thành thật mà nói, nếu chúng tôi không có tài sản để bán và không có đủ tiền mua thuốc nhập khẩu, thì bố mẹ có thể sẽ không sống được đến ngày hôm nay", Shen chia sẻ.

Trước đây tôi không nghĩ sẽ có điều gì tệ hại khi là con một, nhưng giờ đây tôi nghĩ đó là một gánh nặng lớn. Tôi sẽ bớt lo lắng hơn nếu tôi có một anh/chị/em ở Thượng Hải.

Cheng, 38 tuổi, sống tại Đài Loan


Leona Cheng không chắc liệu cuộc sống của cô ở Đài Loan (Trung Quốc) có thể ổn định hay không, khi sức khỏe của cha cô, người đã 75 tuổi dần suy giảm.

Năm 2012, Cheng chuyển đến Đài Loan cùng chồng, sau đó sinh hai con. Tuy nhiên, Cheng vẫn luôn lo lắng người cha già có thể không tự chăm sóc bản thân được lâu hơn nữa. Trí nhớ của ông dường như đang sa sút dần. Ông thường xuyên quên mã PIN thẻ ngân hàng; trừ khi Cheng nhắc nhở nếu không ông thường quên uống thuốc.

"Trong những thập kỷ gần đây, nhiều thanh niên Trung Quốc đã chọn cách xa quê hương, đến các thành phố lớn nhất của Trung Quốc hoặc ra nước ngoài để theo đuổi ước mơ. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Y cảm thấy buộc phải ở gần gia đình mình. Nhiều người không thể đi hoặc chọn sống ở nước ngoài vì họ có cảm giác bị ràng buộc. Nhiều người đang lo lắng và hoang mang về tương lai của mình".

Yi, chuyên gia nhân khẩu học

Cheng gọi điện cho bố mỗi ngày, nhưng cô biết ông thật sự cần một người ở bên chăm sóc. Cô đang tìm kiếm giải pháp chăm sóc lâu dài và đã tính đến việc đưa ông vào viện dưỡng lão.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến điều này gặp không ít khó khăn. Cheng đến Thượng Hải và giúp cha cô hoàn thành bài kiểm tra sức khỏe và một số thủ tục hành chính khác trước khi ông được nhận vào viện dưỡng lão.

Cheng nói: "Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải cách ly hai lần, trong khi công ty không cho chúng tôi nghỉ phép trừ khi chúng tôi từ chức. Điều đó sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho gia đình tôi. Bây giờ, chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi".

Cô cũng đã liên hệ với ủy ban dân cư tại khu chung cư của bố để tìm kiếm những lựa chọn chăm sóc thay thế. Tuy nhiên, nhân viên nhấn mạnh rằng các gia đình có trách nhiệm tự chăm sóc người già.


Họ cố gắng chăm sóc bản thân thật tốt để giảm bớt áp lực cho tôi. Tôi cảm thấy vừa biết ơn vừa có chút tội lỗi.

Wen Wen, 32 tuổi

Wen Wen, 32 tuổi, vẫn chưa đến nỗi phải lo lắng về sức khỏe của bố mẹ cô. Nhưng cô đã lên kế hoạch trước cho tất cả mọi thứ.

Hai năm trước, Wen đã mua một gói bảo hiểm cao cấp cho bản thân, bao gồm tai nạn, tử vong và bệnh hiểm nghèo, cùng nhiều trường hợp khác với chi phí 30.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) mỗi năm. Cô hy vọng điều này sẽ đảm bảo cho bố mẹ cô có một khoản tiền an toàn nếu có bất kỳ điều gì xảy ra với cô.

Những người con “mắc kẹt” trong chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 10.

Nhân viên giúp một người già tập thể dục tại viện dưỡng lão ở Trùng Khánh. Ảnh: IC

Wen nói: "Tôi được cha mẹ yêu thương và chăm sóc, vì vậy tôi nghĩ mình có nghĩa vụ phải phụng dưỡng họ khi họ về già".

Wen là một người gốc ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc. Cô lập nghiệp năm 18 tuổi và đã trải qua 10 năm sống ở Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi cách bố mẹ 1000km. Cô tự nhận mình là người may mắn khi được bố mẹ ủng hộ quyết định chuyển đến nơi khác làm việc. Kể từ khi nghỉ hưu, bố mẹ Wen vẫn còn đi lại và tự chăm sóc bản thân được, điều này giúp cô không phải lo lắng quá nhiều.

Vào tháng 5, Wen quyết định chuyển đến thành phố phía nam Thâm Quyến làm việc để được gần nhà hơn. "Bây giờ, tôi sẽ chỉ mất bốn giờ để trở về nhà. Tôi thậm chí có thể dành kỳ nghỉ ba ngày với cha mẹ của mình".


Zhao Yuting, một chủ doanh nghiệp 32 tuổi cho biết anh phải dành phần lớn thời gian của mình để chăm sóc những người thân lớn tuổi.

Sinh ra và lớn lên ở Vô Tích, một thành phố cách Thượng Hải khoảng 140 km về phía tây, Zhao sống với ông bà ngoại từ năm 10 tuổi, sau khi bố mẹ ly hôn. Tuy nhiên, anh không oán giận quyết định của cha mẹ mình, và vẫn gần gũi với họ cũng như ông bà.

Năm năm trước, Zhao chuyển về sống cùng ông bà để tiện chăm sóc người bà đã ở tuổi gần đất xa trời. Trong khi phải điều hành hai công ty, anh vẫn làm việc nhà, trò chuyện với bà và cùng bà đến bệnh viện thăm khám.

Khi bà anh bị xuất huyết não, chính Zhao là người quyết định để bà "ra đi trong thanh thản". Cha anh không thể chấp nhận sự việc, trong khi dì của anh bị sốc.

Zhao nói: "Ngay cả khi bà tỉnh lại, bà sẽ rất đau đớn. Và mọi người xung quanh cũng vậy".

Những người con “mắc kẹt” trong chính sách một con của Trung Quốc - Ảnh 8.

Người cao tuổi xem TV tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Hà Nam. Ảnh: People Visual

Vài năm sau, Zhao vẫn sống trong căn hộ với ông, người hiện đã 84 tuổi. Hai ông cháu đã thống nhất người ông sẽ chuyển đến viện dưỡng lão khi quá già yếu để có thể tự chăm sóc bản thân.

Trong khi đó, Zhao vẫn cố gắng sắp xếp thời gian gặp bố mẹ, trong khi hai người không sống chung. Bố của Zhao, 56 tuổi, là một chủ doanh nghiệp và có quan điểm sống phóng khoáng, cởi mở. Ngược lại, người mẹ 54 tuổi của anh là người bảo thủ và truyền thống hơn, từng làm việc trong một ủy ban dân cư địa phương cho đến khi nghỉ hưu.

Hiện tại, cả bố và mẹ Zhao đều có sức khỏe tốt, tuy vậy, anh vẫn thường xuyên khuyến khích họ đi khám sức khỏe định kỳ. Mẹ của Zhao luôn tin tưởng ở con trai với vai trò là chỗ dựa tinh thần. Bất cứ khi nào gặp sự cố về đồ gia dụng, điện tử, bà đều gọi con trai đến sửa chữa.

Nguồn: Sixth Tone
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm