Nghe chồng… không chốn nương thân
Chị Hoàng Nhật Ly (34 tuổi, ở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) từng có hơn 2 năm hạnh phúc trong hôn nhân. Hồi chị sinh con trai đầu lòng, bố mẹ chồng có chia cho vợ chồng chị mảnh đất 250m2. Khi làm thủ tục mở xưởng cơ khí, người chồng tự nguyện đưa tên vợ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, coi đấy là tài sản chung. Sau đó vợ chồng chị cùng góp tiền, dựng lên xưởng cơ khí. Họ chung vai đấu cật làm ăn, kinh tế dần khấm khá.
Nhưng khi chị Ly thay chồng, trở thành người quản lý tài chính của xưởng thì gia đình nhà chồng không ưng. Mọi người vẫn giữ quan niệm cho rằng “đàn bà như vậy là vượt quyền”. Họ kích động, chửi mắng chồng chị là dại, là sợ vợ, nhu nhược… Người chồng đã dễ dàng bị tác động, nghe theo. Anh ta bắt đầu chán nản, hay uống rượu. Mỗi lần say lại là lần về nhà kiếm chuyện, gây sự, trách mắng, đánh đập vợ. Tình cảm vợ chồng ngày càng sứt mẻ.
Vào một lần rất tỉnh táo, người chồng đã thuyết phục vợ: “Bây giờ phải nghĩ cho gia đình, cho con. Những gì mâu thuẫn vừa qua, căn nguyên chỉ là do em là đàn bà mà lại làm chủ hộ, lại được đứng tên trong sổ đỏ. Điều đó là “bất thường” với bố mẹ, làm lại thủ tục sang tên quyền sử dụng nhà đất thì đại gia đình mới êm thấm”… Chị Ly đã nhẹ dạ, cả tin nghe theo. Chị không ngờ rằng, ngay sau khi văn bản chia lại tài sản có hiệu lực, người chồng ngang nhiên gửi ngay đơn ra tòa xin ly hôn.
|
Ngày ra tòa, người vợ vừa quá sốc trước sự thay đổi trắng trợn của chồng vừa rất lo lắng trước nguy cơ bị mất trắng mọi thứ (Ảnh minh họa). |
Tiền bạc, công sức chị Ly đóng góp suốt hơn 3 năm để làm xưởng cơ khí giờ có khả năng không được công nhận vì mọi chứng từ, chữ ký, sổ sách liên quan chị đã giao hết cho chồng. Chị có nguy cơ trở thành người ăn bám, bị đuổi ra khỏi nhà, không chốn nương thân. Chị không thể quay về nhà bố mẹ đẻ vì đất đai của ông bà đã thừa kế cho em trai, chị không còn phần nào ở đó. Ngay cả việc tìm chứng cứ để khẳng định mình đủ khả năng về kinh tế để nuôi con, chị cũng không có.
Vợ bảo “có”, chồng nhất quyết nói “không”
Tương tự, tại Toà án nhân dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) mới đây cũng đã vừa diễn ra vụ xử ly hôn có liên quan đến việc tranh chấp đất đai rất căng thẳng giữa một đôi vợ chồng đã ngoài 50.
Tròn 30 năm trước, tình yêu của họ nảy nở và được thử thách suốt 3 năm trên đất khách quê người khi cả hai sang Tiệp theo diện xuất khẩu lao động. Ngay sau ngày về nước, họ làm đám cưới. Rồi vợ chồng họ được gia đình nhà chồng cho ra ở riêng trong căn nhà nhỏ ngay mặt phố Nguyễn An Ninh (P.Trương Định). Vợ chồng lần lượt sinh 2 con một gái, một trai rồi cùng kề vai, sát cánh, chăm chỉ bảo ban nhau làm ăn. Họ đã từng trải qua nhiều nghề như bán tạp hoá, mở xưởng cơ khí, mở nghề may rồi làm đại lý kinh doanh gas…
|
Nhưng, với những gì diễn ra ở Toà Hoàng Mai thì được biết, đến thời điểm 2011, hôn nhân của họ có dấu hiện rạn nứt vì nghi ngờ, ghen tuông (Ảnh minh họa). |
Anh chồng đã chủ động làm đơn ly hôn và nhận nuôi cậu con trai. Chị vợ nhận nuôi cô con gái. Chị đồng ý sẽ ký đơn với điều kiện phải được chia một phần tài sản (là số diện tích đất chị đã cùng đóng góp công sức, tiền bạc với chồng cơi nới, mua thêm, chứ không phải đòi số diện tích nhà đất ban đầu của bố mẹ chồng cho). Ngoài ra, chị vợ cũng yêu cầu chồng phải gánh một nửa số nợ là 16 cây vàng mà chị từng đi vay lúc xây sửa lại nhà.
Song, những yêu cầu này của người vợ hoàn toàn không được chồng chấp thuận… Lý do, giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng nhà đất hiện vợ chồng chị đang ở vẫn mang tên bố chồng. Còn mọi đóng góp của chị và các khoản vay, cùng với hóa đơn, chứng từ mua vật liệu, xây nhà, làm cửa hàng… thì đều do người chồng “vốn luôn được coi là trụ cột” đứng ra giao dịch, ký tên. Giờ, người chồng từ chối tất cả, bảo là “Không có”, “Không biết” khiến cho người vợ không biết bấu víu, tìm chứng cứ ở đâu…
Theo Nhà nghiên cứu Phạm Thị Minh Hằng, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED): “Ở Việt Nam, sau khi ly hôn, người phụ nữ rơi vào tình cảnh trắng tay khá phổ biến. Với những tài sản lớn như đất đai, nhà cửa, người phụ nữ thường không có tên trong các giấy tờ sở hữu. Do văn hóa truyền thống, sau khi lập gia đình, người phụ nữ thường ở và sinh hoạt chung vớigia đình chồng, nên người đứng tên trong giấy tờ đất đai vẫn là bố mẹ chồng. Trong trường hợp ở riêng, thì cặp vợ chồng trẻ vẫn thường ở mảnh đất do gia đình chồng chia cho. Gia đình người con gái cũng ít khi chia tài sản đất đai cho con gái với suy nghĩ “con gái là con người ta”. Bản thân các chị cũng thường nhường lại quyền sở hữu tài sản, đất đai cho anh em trai của mình vì cho rằng các anh em trai mới là người phụng dưỡng bố mẹ khi về già, vì thế, các anh em trai được hưởng quyền thừa kế đất đai là chuyện đương nhiên. Do vậy, thực tế đa số họ hầu như không nắm trong tay quyền sở hữu đất đai. Trong nghiên cứu mới đây về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ, mới có 19,4% người vợ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các đối tượng được khảo sát (UNDP). Với quan niệm “đàn ông xây nhà”, lo những “công to việc lớn” trong nhà, nên trong quá trình chung sống, người chồng thường đứng tên trong các giấy tờ mua sắm những tài sản lớn trong nhà. Điều này tồn tại ngay cả với những gia đình có người vợ là người mang về thu nhập chính. Những công lao đóng góp, vun đắp của người vợ cho gia đình trong quá trình chung sống thường không được thừa nhận do quan niệm đó là nghĩa vụ và bổn phận của người phụ nữ với gia đình và gia đình chồng. Bên cạnh đó, việc tự thỏa thuận về tài sản trong quá trình ly hôn cũng làm cho người phụ nữ bị thiệt thòi hơn do họ thiếu kiến thức về quyền tài sản cũng như thiếu những hỗ trợ tư pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Quá trình tố tụng kéo dài cũng khiến cho người phụ nữ thường chấp nhận thiệt thòi để có thể nhanh chóng được “giải thoát”.
|