Những nữ nhà báo kiên cường nơi đầu sóng

Anh Đào
21/06/2023 - 19:21
Những nữ nhà báo kiên cường nơi đầu sóng

Nữ nhà báo trên những hải trình sóng gió khi đến với Trường Sa, nhà giàn DK1. Ảnh: NVCC

Trường Sa - địa danh khiến trái tim bao người đều thổn thức khi nhắc đến. Chỉ 2 tiếng đó nhưng lại chứa đựng cả một hành trình dài từ ước mơ, hoài bão cho đến những sóng gió, những khó khăn phải đối diện của mỗi người, đặc biệt là với những nhà báo nữ.

Đạp chân lên sóng

4 lần đi Trường Sa, 1 lần đi nhà giàn DK1, 2 lần đi tuyến đảo Tây Nam, 1 lần đi tuyến đảo Đông Bắc cùng lực lượng Hải quân Việt Nam, nhiều lần đi tuần tra với cảnh sát biển, biên phòng - chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy những cái duyên biển gắn bó rất kỳ lạ với nữ nhà báo Hà Minh Hảo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng

Minh Hảo tự nhận mình một người cực kỳ "có duyên với sóng gió" vì hầu hết những hải trình chị trải qua ít khi êm ả. 3 lần chị đi Trường Sa, 1 lần ra nhà gian DK1 đúng vào mùa biển động. Đó là những hành trình mà theo chị dù có đi cả chục lần thì mỗi chuyến đi cũng vẫn rất đáng nhớ. 

Mùa biển động - chính là mùa mang Tết ra Trường Sa, gió mùa đông Bắc về, sóng dập dềnh ì oạp cả ngày lẫn đêm. Dù có là con tàu hiện đại nhất của lực lượng kiểm ngư Việt Nam như KN490 thì cũng trở nên nhỏ bé, mong manh giữa biển khơi. Với người những người lính biển, được rèn luyện kiên cường với sóng gió mà nhiều khi còn phải ớn lạnh trước sự dữ dội của biển cả nên với một nữ nhà báo, nó chính là thử thách vô cùng khắc nghiệt.

Những nữ nhà báo nơi đầu sóng - Ảnh 1.

Dù điều kiện tác nghiệp vô cùng khó khăn khi sóng lớn, con tàu liên tục nghiêng ngả, song nhà báo Hà Minh Hảo vẫn cố gắng để thu được những khoảnh khắc dẫn hiện trường sinh động nhất. Ảnh: NVCC

Nhà báo Minh Hảo xúc động kể, có những chuyến đi, chị được phân công ngủ trên tầng 2 của tàu, mà mỗi lần mở mắt là thấy sóng trắng xóa đánh vào mạn tàu. Có những ngày sóng to, từ sáng đến tối chỉ nghe âm thanh của vỏ tàu va với sóng, tiếng leng keng của nồi niêu xoong chảo trên phòng bếp bị xô đập vào nhau. 

"Có đêm tôi không thể nào chợp mắt, nằm trên giường đếm từng tiếng vỗ của sóng vào mạn tàu. Những ngày đầu tiên của mỗi hải trình ấy, hầu như không ai bước nổi xuống giường vì quay cuồng, chao đảo đầu óc. Cơm cháo đều không thể ăn được, cố lắm mới nhai trệu trạo được chiến bánh gạo nhưng rồi chưa kịp nuốt xuống đã ào ra theo cơn say sóng. Nhưng như có một sức mạnh kỳ diệu, chỉ cần tàu dừng, chỉ cần nghe sắp được vào đảo thì tất cả đều bật dậy, xung phong đi chuyến xuồng đầu tiên để sớm được lên đảo, lên nhà giàn".

Những nữ nhà báo nơi đầu sóng - Ảnh 2.

Di chuyển lên nhà giàn DK1. Ảnh: NVCC

Dù đã có sự hỗ trợ hết sức của cán bộ chiến sĩ, tuy nhiên để đặt chân từ tàu xuống xuồng, từ xuồng lên nhà giàn chưa bao giờ là dễ dàng. Sóng dềnh lênh dềnh xuống từng đợt xô đập vào mạn tàu, chưa kể có thời điểm mưa gió, nếu không có sự can đảm, gan dạ thì khó lòng dám bước, bởi nguy hiểm luôn rình rập. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng khó có thể tượng tượng trước được hậu quả. 

Thế nhưng, nhà báo Hà Minh Hảo cho biết, chừng ấy vẫn chưa bao giờ khiến chị lùi bước trong những hải trình của mình. "Giữa biển khơi, đối diện với sóng gió muôn trùng, đối với những câu chuyện cảm động, kiên trung của người lính biển, tôi cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở về trạng thái yên bình nhất. Tôi cùng đồng đội luôn nghĩ phải cố gắng để ghi lại được hết tất cả những khoảnh khắc giữa trùng khơi. Phải đạp chân lên sóng mà đi chứ, anh em lính biển còn quanh năm sống giữa sóng gió cơ mà" - câu nói kèm tiếng cười giòn tan như át cả tiếng sóng đã chứng minh, tình yêu biển ấy đã định sẵn cho người con gái đất Cảng này. 

Thương người ngày đêm giữ biển

Cũng như nhà báo Hà Minh Hảo, với nhà báo Nguyễn Thị Thanh Vĩnh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, mỗi lần đi Trường Sa, nhà giàn DK1 đều cảm thấy thân thuộc như trở về với ngôi nhà, với đất mẹ của mình. 

Chị Vĩnh luôn tin rằng trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước, hình ảnh biển, đảo, nhà giàn DK1, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cùng cuộc sống của quân dân ta nơi đầu sóng luôn là những hình ảnh thiêng liêng, máu thịt. Khi được đặt chân đến đây, chị đã cố gắng tác nghiệp, cố gắng lưu lại nhiều nhất có thể những chi tiết, những câu chuyện, hình ảnh về cuộc sống lao động, dựng xây, sẵn sàng chiến đầu của đồng chí, đồng bào.

Kể về khoảnh khắc nhớ nhất, xúc động nhất trong những hành trình tác nghiệp giữa trùng khơi, nhà báo Thanh Vĩnh không khỏi rưng rưng, dường như cảm xúc khi ấy vẫn còn vẹn nguyên trong chị.

Chị kể: "Nhớ nhất là lần tiễn một đồng chí trung uý lên nhà giàn làm nhiệm vụ, sóng to quá, tàu không làm cách nào để tiếp cận chân nhà giàn được để có thể đưa đồng chí lên bằng thang hoặc bằng ca nô. Không còn cách nào khác, buộc đồng chí ấy phải mặc áo phao, nhảy xuống biển và bơi vào nhà giàn. Lúc ấy, tôi đứng ở boong tàu gió cực kỳ lớn, khoảng cấp 7, cấp 8, cảm giác gió muốn thổi mình xuống biển. Khi con sóng dâng lên rồi hạ xuống, cả con tàu như bị dúi sâu xuống biển thì người chiến sĩ ấy bắt đầu nhảy xuống, phải mất nửa tiếng để bạn ấy bơi quãng mấy trăm mét vào đến chân thang nhà giàn, sóng còn xô đập mấy lần bạn ấy mới được anh em trên nhà giàn hỗ trợ để lên được trên. Lúc ấy cả tàu mới như vỡ oà!". 

Những nữ nhà báo nơi đầu sóng - Ảnh 3.

Nhà báo Thanh Vĩnh nhận là cờ Tổ quốc do cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa trao tặng.

Trở về từ nơi đó, chị lại miệt mài ghi chép, kể lại những câu chuyện, hình ảnh mà mình may mắn được thấy, được gặp, được nghe, được kể ấy, mong qua đó, bạn đọc có thể tìm thấy cho mình điều gì là tốt đẹp nhất, giá trị nhất - trước hết đó chính là sự hy sinh cao cả của những người con nơi trùng khơi sóng gió. Đi biển, với chị chưa bao giờ là khó khăn, mà hơn cả, chị chỉ mong mình mang được chút hơi ấm đất liền đến với cán bộ chiến sĩ nơi tuyến đầu đầy vất vả. 

"Tôi luôn xem những người lính nơi tuyến đầu như là người thân của mình, khi mình có những tinh thần chân thành, thật lòng như thế thì mình cũng sẽ có được những chia sẻ, những câu chuyện xúc động. Bài viết của mình sẽ có giá trị cho cuộc sống, cùng với những người lính góp phần bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo", nhà báo Thanh Vĩnh chia sẻ.

Vượt lên trên hết là tình yêu Tổ quốc

Sau chuyến hải trình ra Trường Sa đầu năm 2023, Nguyễn Phương Trinh - cô phóng viên trẻ của Đài Truyền hình Việt Nam - đã được lính biển mệnh danh là "cô gái khoẻ sóng nhất đoàn". Điều ấy đã khiến cho cánh nam giới cũng phải ngả mũ thán phục khi biết cả hải trình, tàu đi trên sóng cấp 8 nhưng Phương Trinh không hề say sóng. 

"Đúng là phải đặt chân đến biển đảo của quê hương thì mới cảm nhận được sự thiêng liêng, tình yêu Tổ quốc của mình lớn đến mức độ như thế nào. Những phóng sự của mình cũng mới chỉ đưa được một phần cho điều đó", phóng viên Phương Trinh chia sẻ khi được hỏi về lý do xung phong đi tác nghiệp tại Trường Sa vào mùa biển động.

Những nữ nhà báo nơi đầu sóng - Ảnh 4.

Chính lý tưởng, niềm tự hào của những người lính trẻ khi lên tàu chuẩn bị ra công tác tại Trường Sa đã giúp cho phóng viên trẻ Phương Trinh càng thêm yêu, trân trọng từng khoảnh khắc khi tác nghiệp nơi đầu sóng.

Có những ngày cả khoang tàu vắng lặng, chỉ còn phòng bếp hoạt động vì tất cả đều đang vật vã trong cơn say sóng thì người ta vẫn thấy bóng dáng nhỏ bé của cô phóng viên này cùng quay phim Nhất Vũ vác máy miệt mài đi tác nghiệp từ phòng bếp cho đến lên boong, lên đài chỉ huy tàu. Theo Phương Trinh, với truyền hình, để thể hiện được nội dung thì những hình ảnh phải rất chỉn chu, tỉ mỉ, biên tập và quay phim phải kết hợp với nhau rất kỹ càng, tận dụng từng cơ hội, từng đúp hình.

"Khi mình say nghề, thấy một điều gì đấy, khoảnh khắc gì đấy phù hợp với phóng sự của mình, sản phẩm của mình có thể quay được, ví như lúc mọi người vừa mới lên tàu chẳng hạn, hay lúc mọi người đang ngóng đảo, dù thời tiết mưa gió nhưng 2 anh em cũng cố gắng để lên trên boong tàu tác nghiệp, cảm thấy đấy là những khoảnh khắc mình cần ghi lại, nếu nó qua mất rồi sẽ không còn cơ hội ghi lại nữa", cô chia sẻ.

Những nữ nhà báo nơi đầu sóng - Ảnh 5.

Phóng viên Phương Trinh được các chiến sĩ hỗ trợ di chuyển từ xuồng chuyển tải qua tàu trung chuyển để lên đảo.

Theo Phương Trinh, cũng nhờ những sóng, những gió đó mà cô mới có được các thước phim vô cùng quý giá trong hành trình tác nghiệp của mình. Chính sóng gió cũng đã giúp cô phóng viên trẻ hiểu hơn, cảm nhận được mọi người sinh sống cũng như bám biển ở quần đảo Trường Sa này vất vả ra sao. 

"Khi tàu chuẩn bị rời cảng để ra với quần đảo Trường Sa, tất cả các chiến sĩ trẻ đứng rất đông ở trên lan can tàu, trời về chiều, những bóng dáng ấy ngược sáng và hình ảnh của những cậu trai mười tám, đôi mươi đứng trên boong tàu với tinh thần sẵn sàng đi bảo vệ Tổ quốc khiến tôi xúc động, thấy rưng rưng. Những chàng trai này mang trong mình rất nhiều câu chuyện, rất nhiều lý tưởng, bắt đầu cho một hành trình mới. Khi lên tàu, phỏng vấn thấy tất cả các bạn ấy đều có những suy nghĩ, những lý tưởng rất đáng yêu, đáng trân trọng. Tổ quốc, niềm tự hào với gia đình, bản thân chính là quan trọng nhất. Khoảnh khắc ấy, tôi biết rằng, ở nơi sóng gió, trên hết vẫn là tình yêu Tổ quốc, họ sẽ là những người bảo vệ bình yên cho bờ cõi này".

Còn rất nhiều câu chuyện về hành trình tác nghiệp của những nữ nhà báo ở nơi đầu sóng và nỗi nhớ thương với Trường Sa có lẽ sẽ chẳng bao giờ vơi cạn. Với họ, Trường Sa với biển với trời, với đất với người, với từng cơn sóng, từng giọt mưa cũng đều mang đến những cảm xúc không quên. Vượt lên ngọn sóng dữ, bao phóng sự, thước phim, bài viết chân thực xúc động nhất về biển đảo, về biết bao con người kiên trung đang ngày đêm bám trụ giữ gìn bờ cõi có sự góp sức không nhỏ của các chị - những nhà báo nữ, những "bông hồng thép" giữa biển khơi. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm