pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những nữ ứng viên tiềm năng chức Tổng thư ký NATO
NATO đang khởi động chiến dịch tìm Tổng Thư ký mới
Dấu ấn của ứng viên Canada
Jens Stoltenberg, cựu Thủ tướng Na Uy, đã đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký NATO từ tháng 10/2014, sẽ mãn nhiệm vào mùa thu tới. Nhiều đồn đoán rằng liên minh quân sự này sẽ bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên vào chức vụ Tổng Thư ký. Khả năng lãnh đạo, gắn kết và hòa giải khác biệt là những yếu tố được xem là quan trọng hơn vấn đề quốc tịch. Người kế nhiệm ông Stoltenberg sẽ phải điều hành NATO trong thời điểm mang tính bước ngoặt: Cuộc chiến tại Ukraine có nguy cơ leo thang, việc NATO triển khai quân tại các nước giáp ranh Nga, giám sát khoảng 300.000 "lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao" của NATO ở châu Âu, vấn đề kết nạp thành viên mới.
Ứng cử viên hàng đầu là cựu nhà báo, Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland. Báo Mỹ The New York Times viết: "Quan điểm của các ứng viên về vấn đề Ukraine sẽ là một tiêu chuẩn quan trọng". Bà Freeland có mẹ là người Ukraine, được biết đến với lập trường ủng hộ Kiev.
Bà Freeland sử dụng thành thạo 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Ý, Ukraine và Nga. Bà tham gia chính trường năm 2013, ứng cử đại điện cho đảng Tự do tại khu vực bầu cử Toronto Centre sau khi làm phóng viên tại nhiều cơ quan báo chí như: The Financial Times, Reuters và The Economist. Bà giữ chức Phó Tổng biên tập của tờ "Globe and Mail", có trụ sở tại Toronto từ năm 1999 đến năm 2001, trước khi trở lại Financial Times với tư cách là Phó Tổng Biên tập, sau đó là Tổng Biên tập.
Năm 2010, bà gia nhập Thomson Reuters thuộc sở hữu của Canada và trở thành Giám đốc điều hành. Bà Freeland đã viết 2 cuốn sách: "Kinh doanh thế kỷ: Câu chuyện bên trong của cuộc cách mạng Nga lần thứ hai" (2000) và "Plutocrats: Sự trỗi dậy của giới siêu giàu toàn cầu mới và sự sụp đổ của những người khác" (2012). Plutocrats đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất thế giới và đã giành được Giải thưởng Lionel Gelber, Giải thưởng Sách Kinh doanh quốc gia.
Các nhà quan sát nhận xét: "Việc bổ nhiệm bà Freeland sẽ rất được lòng người dân, đặc biệt là với phụ nữ. Bà Freeland có thể thành công nhờ vào sự thông minh và năng lực của mình. Bà làm Bộ trưởng Ngoại thương Canada từ năm 2015 tới năm 2017 trước khi chuyển sang nắm chức Ngoại trưởng tới năm 2019 khi bà được bổ nhiệm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng các vấn đề liên cấp chính quyền. Năm 2020, bà kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính Canada sau khi ông Bill Morneau từ chức.
Trong thời gian làm Ngoại trưởng Canada (2017-2019), bà Freeland tuyên bố rằng, Ottawa theo đuổi "chính sách đối ngoại nữ quyền". Năm 2017, bà Freeland lên tiếng về việc tăng chi tiêu quân sự hơn 70% trong vòng một thập kỷ và đưa ra bài phát biểu quan trọng về chiến lược quốc phòng mới của Canada. Bà giám sát các mối quan hệ Canada-Mỹ và tiến hành các thỏa thuận thương mại ba bên với Mỹ và Mexico. Bà đóng vai trò thiết yếu trong việc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và góp phần đàm phán Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA) giữa Canada và Liên minh châu Âu (EU).
Năm 2018, bà được vinh danh là "Nhà ngoại giao của năm trong chính sách đối ngoại". Bà cũng đã được tổ chức châu Âu Atlantik-Brücke trao Giải thưởng Eric M. Warburg vì những thành tựu trong việc củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Năm 2020, bà đã được trao Giải thưởng Mark Palmer của Freedom House, ghi nhận những năm tháng đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.
Gương mặt đại diện châu Âu
Một số ứng cử viên sáng giá khác đến từ châu Âu, bao gồm: Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova và cựu Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic.
Bà Grabar-Kitarović sở hữu một trong những bản lý lịch ấn tượng trong số các thủ lĩnh tiềm năng của NATO trong tương lai. Bà Grabar-Kitarović từng làm trợ lý Tổng thư ký NATO về ngoại giao công chúng (2011-2014). Bà cũng từng là Đại sứ Croatia tại Mỹ giai đoạn 2008-2011, với những mối quan hệ bền chặt ở Washington, nơi có tiếng nói quan trọng trong quyết định của NATO. Bà cũng từng là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Bộ trưởng Ngoại giao Croatia. Bà đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Croatia gia nhập EU và NATO. Bà làm Tổng thống Croatia giai đoạn 2015-2020.
Bà Kersti Kaljulaid từng là một chuyên gia sinh vật học về gene và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Tartu. Trước khi trở thành Tổng thống Estonia vào tháng 10/2016, bà đã có 12 năm làm đại diện của Estonia tại Tòa án Kiểm toán Liên minh Châu Âu. Bà Kaljulaid trở thành Tổng thống thứ 5 của Estonia kể từ khi giành độc lập năm 1991, là nữ Tổng thống đầu tiên và người trẻ tuổi nhất nắm giữ cương vị Tổng thống tại quốc gia Baltic này. Bà Kaljulaid gần đây đã chạy đua vào chức Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nhưng không thành công.
Ngày 28/6/2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bổ nhiệm bà Kersti Kaljulaid làm nhà vận động toàn cầu vì sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ, thanh thiếu niên. Đây là lần đầu tiên LHQ bổ nhiệm một vị trí như vậy để nâng cao nhận thức toàn cầu, tăng cường hành động liên ngành đối với Chiến lược toàn cầu "Mọi phụ nữ, mọi trẻ em vì sức khỏe phụ nữ, thanh thiếu niên".
Về 2 nữ ứng viên còn lại, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nắm quyền chưa đầy 2 năm. Trong khi đó, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova đang phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ trong nước sụt giảm và những bất đồng nội bộ với đảng liên minh và phe đối lập.
Giới quan sát nhìn nhận, cựu Thủ tướng Anh Theresa May cũng có thể trở thành ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Tổng thư ký NATO. Tuy nhiên, di sản "Brexit" (Anh rời EU) mà bà May không thực hiện được trong thỏa thuận với EU khiến bà khó có thể nhận được sự ủng hộ từ khối này.