Chị Đinh Thanh Hà (ảnh trên, 46 tuổi, ở Q.Tây Hồ, Hà Nội) kể: người thân, bạn bè đều đã quá quen với hình ảnh mỗi lần gặp nhau, chị lại lôi "đồ nghề" ra móc. Thậm chí trên chuyến bay sang thăm con gái đang du học tại Pháp, chị đã móc xong một chiếc túi để tặng chủ nhà nơi con đang trọ.
Trong túi lúc nào cũng có "đồ nghề"
Vì "đồ nghề" chỉ gồm bộ kim móc và cuộn len nên đi đâu chị Thanh Hà cũng mang theo, có thời gian rảnh là ngồi móc. Một lần trong lúc chờ khám bệnh, chị cũng ngồi móc. Bên cạnh chị là đôi vợ chồng trẻ đưa con đi khám, cháu bé quấy và rất nghịch. Nhưng khi thấy chị Hà "múa kim" với cuộn len, bé đã tò mò quan sát. Chị Hà lập tức móc một đoạn dây nhỏ, tạo thành chiếc vòng tay tặng bé. Em bé thích thú, ngồi yên chơi với chiếc vòng, quên cả nghịch.
Chị Hà chia sẻ, trong những chuyến công tác xa, chị cũng mang theo đồ móc. Khi di chuyển bằng máy bay, thường không được mang theo vật sắc nhọn nhưng chị vẫn liều mang theo một chiếc kim móc. Cũng có vài lần, khi soi máy xong, nhân viên an ninh yêu cầu mở túi xách ra kiểm tra xem là vật gì nhưng khi nhìn thấy cuộn len và kim móc, họ lại đồng ý cho chị mang theo. Từ đó, trong các chuyến bay dài, chị Hà không cảm thấy buồn chán nữa, thời gian bay như ngắn lại.
Từ nhỏ, trong khi các bạn xem môn thủ công là môn phụ, làm qua quýt cho xong thì chị Hà lại rất thích môn học này và cảm thấy rất hứng thú khi được học làm hoa, thêu thùa, may vá và đan, móc… Chị Hà tâm sự, sinh ra và lớn lên trong đại gia đình gồm 3 thế hệ, chị thường thấy bà nội, mẹ và các cô đan, móc áo, khăn, mũ, giày… cho các con cháu nên cũng mày mò học theo. Tuy nhiên, cách đây khoảng 7 năm, khi tình cờ thấy trên mạng các sản phẩm túi xách đan, móc rất xinh xắn, ý nghĩ "mình cũng làm được" bỗng xuất hiện trong đầu chị. Càng làm, chị càng thấy mê đến nỗi không dứt ra được…
Sản phẩm do chị Hà móc khiến khách hàng nhìn là... "mê".
"Lúc đó, 2 con của tôi còn học phổ thông. Tôi thường xuyên đưa đón con đi học thêm nên trong lúc chờ con tan học, tôi tìm quán cà phê nào gần đó rồi lôi đồ nghề ra móc, vừa thư thái, vừa giết thời gian. Lúc rảnh rỗi, tôi cũng vừa xem phim, nghe nhạc vừa móc. Cảm giác thư thái, an nhiên và bình yên lúc đó như thể… gây nghiện vậy!", chị Hà bày tỏ.
Nhiều sản phẩm của chị Hà đã "bay" đến các nước Nhật, Pháp, Đức, Mỹ… đa số là do mọi người nhìn thấy ảnh chị "tung lên" facebook đẹp quá nên hỏi mua hoặc đặt hàng. Ai cũng thán phục khi biết chị Hà chủ yếu mày mò tự học qua các bài chia sẻ, hướng dẫn trên mạng. Khi thành thạo các kỹ thuật móc, chị Hà cũng chia sẻ tỉ mỉ cách làm với những bạn có cùng sở thích qua mạng xã hội.
Mỗi sản phẩm đều được chị Thanh Hà chăm chút đến từng chi tiết nhỏ.
Có người nói, chia sẻ vậy là có thêm đối thủ cạnh tranh nhưng chị Hà bật cười giải thích: "Nhiều bạn rất trẻ cũng đam mê móc và làm ra nhiều sản phẩm rất đẹp. Có bạn còn tổ chức lớp dạy móc. Còn Hà vẫn coi đây là một thú vui vì đa phần các bạn yêu đan móc mới chỉ phục vụ sở thích cá nhân là chính. Để phát triển kinh doanh mặt hàng này không đơn giản. Thỉnh thoảng báo chí vẫn đưa tin một số người mẫu nổi tiếng diện những bộ đồ đan móc trị giá hàng ngàn đô la. Nhưng bình thường, để bán 1 chiếc túi, hoặc 1 chiếc đầm móc tay hoàn toàn với giá vài triệu đồng không dễ. Nhiều người có tâm lý bỏ tiền ra phải mua một món đồ có thương hiệu, chứ không phải đồ handmade".
Các sản phẩm dễ thương dành cho trẻ nhỏ do chị Thanh Hà thực hiện.
Để có các sản phẩm "độc- lạ", chị Hà thường tham khảo mẫu trên mạng. Trên Pinterest (website chia sẻ ảnh theo dạng mạng xã hội) có khá nhiều ý tưởng hay. Sau đó, chị sẽ chọn trong số len sợi sẵn có để làm ra sản phẩm. Vì đam mê móc nên mỗi khi thấy len, sợi, phụ kiện đẹp là chị lại mua về, chất đầy ở nhà. Thỉnh thoảng, ý tưởng cũng sẽ nảy ra trong quá trình chị dọn dẹp, ngắm nghía đống len sợi đầy sắc màu.
Những sản phẩm váy, áo xu hướng vintage vô cùng kỳ công.
Vốn là người thích cái đẹp nên chị Hà luôn cẩn thận, tỉ mỉ với từng sản phẩm. Chị thường chọn chất liệu có "tuổi thọ" cao, bền màu, dùng nhiều năm vẫn như mới và sử dụng da thật cho các chi tiết đi kèm. Đôi khi lơ đễnh mắc lỗi thì dù chỉ là một lỗi nhỏ, chị cũng sẽ tháo ra làm lại. "Lỗi đó giống như ăn cơm có sạn vậy nên biết là mất thời gian hơn, tôi vẫn làm lại để có sản phẩm đẹp và chất nhất", chị Hà chia sẻ.
Vì coi móc là một trong những thú vui lúc rảnh nên chị Hà chưa bao giờ cảm thấy bất kỳ khó khăn nào với bộ môn này.
Ngoài móc, chị còn thích chăm sóc khoảnh vườn nhỏ trên sân thượng; tự may đồ cho cả nhà, từ đồ mặc nhà tới đồ bơi, váy áo hợp thời trang, có lẽ vì thế mà gia đình chị có khá nhiều đồng phục từ lúc bọn trẻ còn nhỏ xíu. Chị và con gái thì đồng phục thường xuyên hơn, trong đó có những set đồ móc tỉ mẩn giống đến từng chi tiết…
Tỉ mẩn từng chi tiết để có được sản phẩm ưng ý nhất!
✤ Xem thêm các sản phẩm của chị Hà tại địa chỉ https://www.facebook. com/Clove.com.vn