Những sinh viên người Dao trưởng thành từ cửa hàng "đặc sản bản Dao"

Hoàng Sa
09/07/2024 - 15:02
Những sinh viên người Dao trưởng thành từ cửa hàng "đặc sản bản Dao"

Nhiều sinh viên người Dao đã trưởng thành hơn khi tham gia mô hình Chợ đặc sản bản Dao do TS Bàn Tuấn Năng sáng lập

Là những sinh viên ở vùng cao về Hà Nội học tập có hoàn cảnh khó khăn nhưng với nỗ lực của bản thân, nhiều bạn đã vượt qua khó khăn để trưởng thành từ việc tham gia làm thêm ở cửa hàng đặc sản bản Dao, do Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng sáng lập.

Là người dân tộc Dao, cảm thông với những khó khăn của con em người dân tộc Dao vùng sâu vùng xa của các tỉnh miền núi khi “hạ sơn” xuống Hà Nội học tập, TS. Bàn Tuấn Năng đã thành lập nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” nhằm giúp nhiều sinh viên người Dao vượt qua khó khăn, đứng vững và trưởng thành trên con đường học tập của mình.

Trong các hoạt động của nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”, điển hình là mô hình “Cửa hàng đặc sản bản Dao”, nơi chuyên cung cấp các đặc sản của vùng cao bán cho khách hàng ở Hà Nội.

Tại cửa hàng này, TS. Bàn Tuấn Năng bán các loại hàng hóa từ thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, dược liệu, rau củ quả. Nhờ đó, mỗi sinh viên tham gia Chợ đặc sản bản Dao có thể thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Những sinh viên người Dao trưởng thành từ cửa hàng “đặc sản bản Dao”- Ảnh 1.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cùng một số sinh viên người Dao trong nhóm Chợ đặc sản bản Dao

Để cửa hàng đi vào hoạt động, TS. Bàn Tuấn Năng đã bỏ vốn hàng chục triệu đồng xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa rồi tự làm truyền thông với biệt danh “Tiến sĩ bán thịt lợn” khá nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội.

Vai trò của các sinh viên người Dao ban đầu là ship hàng cho khách, dần dần cứng cáp hơn, họ sẽ trở thành những người làm marketing kiêm ship hàng. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy và trò nhà TS. Bàn Tuấn Năng, mô hình cửa hàng đặc sản bản Dao được nhiều khách hàng biết tới và ủng hộ. Thậm chí có những khách hàng đã "nghiện" hàng hóa từ cửa hàng này. Nhờ đó, nhiều sinh viên người Dao có việc làm thêm đều đặn, nâng cao thu nhập.

Bàn Lục Quân, tân cử nhân Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: “Là một người con núi rừng xuống học tập và sinh sống tại thủ đô, mọi thứ với em rất xa lạ, bỡ ngỡ. Nhờ có sự hướng dẫn của chú Năng mà em tập quen dần với lối sống và cách làm việc của mọi người. Nhờ bán các hàng nông sản, thuốc quý của người Dao mà chú Năng đã tạo việc làm cho em thông qua việc đóng gói, sơ chế và giao các đơn hàng cho chú".

Những sinh viên người Dao trưởng thành từ cửa hàng “đặc sản bản Dao”- Ảnh 2.
Những sinh viên người Dao trưởng thành từ cửa hàng “đặc sản bản Dao”- Ảnh 3.

Các thành viên trong nhóm tham gia bán và ship hàng cho khách từ chợ đặc sản bản Dao

Phàn Thị Ngọc Ánh - sinh viên năm 3 - Đại học Sư phạm ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tự trang trải được chi phí sinh hoạt khi tham gia Chợ đặc sản bản Dao. Ngọc Ánh chia sẻ: "Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, TS. Bàn Tuấn Năng đã bán thịt lợn bản của người Dao cho khách hàng. Thông qua việc giao các đơn hàng đó mà thu nhập của em được ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng. Từ thời điểm đó, em đi học không phải xin tiền bố mẹ.

Năm 2023, em cùng với một số sinh viên trong nhóm thực bán đặc sản quê như thịt trâu, thịt lợn sấy, măng khô, miến dong và nhận được sự ủng hộ ngoài mong đợi, được khách hàng đánh giá cao và ủng hộ. Em rất vui vì thông qua hoạt động này, em đã kiếm thêm thu nhập và học hỏi được thêm kỹ năng sống, học giao tiếp, bán hàng và xử lý tình huống.

Những sinh viên người Dao trưởng thành từ cửa hàng “đặc sản bản Dao”- Ảnh 4.

Sinh viên Đặng Huyền Trang đã trưởng thành rất nhiều kể từ khi tham gia Chợ đặc sản bản Dao

Không chỉ có thu nhập mà nhiều em khi tham gia Chợ đặc sản bản Dao đã cởi bỏ được tâm lý tự ti, ngại chào mời, giao tiếp với khách hàng. Đặng Huyền Trang, sinh viên năm thứ 3, Học viện Dân tộc, xuống Hà Nội học, khi theo các anh chị trong nhóm để bán hàng, em được động viên, khích lệ rất nhiều. Từ đó, em trở nên tự tin hơn. Chỉ sau một năm, em đã trở thành người bán được khá nhiều trong nhóm bán hàng đặc sản bản Dao.

"Dự kiến 2 tháng nữa chúng tôi sẽ đưa vào vận hành trang website Đặc sản bản Dao, chuyên bán các sản phẩm đặc sản của vùng cao, để các bạn sinh viên có thể dễ dàng bán hàng online trên mạng xã hội. Sau đó, bộ phận sinh viên phụ trách giao hàng sẽ ship hàng đến tận nơi cho khách đặt mua.

Với mô hình này hy vọng sẽ có nhiều bạn có thể tham gia vào kinh doanh, từ đó có thêm nguồn thu nhập đảm bảo cho việc học tập và sinh hoạt của một cách chủ động,. Từ đó giảm bớt gánh nặng cho gia đình ở quê nhà. Đồng thời trích một phần vào quỹ học bổng dành cho sinh viên người Dao” - TS. Bàn Tuấn Năng cho hay.

Triệu Thanh Hiếu, sinh viên năm thứ 2, Học viện Thanh thiếu niên, cho rằng tham gia nhóm "Người Dao Việt Nam gắn kết từ bản sắc" không chỉ giúp em kết nối với các bạn khác cùng dân tộc Dao mà còn là nơi học và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngoài việc học và tham gia các hoạt động của nhóm, Hiếu còn đi ship các loại ẩm thực, đặc sản, thuốc quý của người Dao. Công việc không chỉ giúp Hiếu có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống mà còn là cơ hội để em quảng bá văn hóa ẩm thực của dân tộc mình đến với mọi người.

Những sinh viên người Dao trưởng thành từ cửa hàng “đặc sản bản Dao”- Ảnh 5.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng là người có nhiều ý tưởng hỗ trợ các sinh viên người Dao vượt qua khó khăn khi về Hà Nội học tập

TS Bàn Tuấn Năng chia sẻ: “Với tôi, việc mở cửa hàng giúp các sinh viên người Dao có thêm thu nhập, giảm khó khăn, cải thiện cuộc sống là mục tiêu quan trọng. Nhưng mục tiêu lớn hơn là giúp các cháu được va đập với xã hội, có thêm kỹ năng sống, kỹ năng kinh doanh, sự tự tin và trưởng thành".

Thông tin cửa hàng đặc sản bản Dao:

Nhà Dao Hà Nội, ngõ 37 Vũ Đình Tụng, tổ 12, phường Thạch Bàn, Q.Long Biên, Hà Nội.

Hotline: 0983833618

Một số sản phẩm đặc trưng: Sâm Lai Châu; Thuốc Nam của người Dao; Các loại nông sản của người Dao: Măng, miến, nấm hương, thịt lợn, gà, cá…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm