Tội phạm buôn người thu về 150 tỉ USD/năm
Theo Chỉ số nô lệ toàn cầu do Tổ chức nhân quyền Walk Free Foundation có trụ sở tại Australia, trên thế giới có 46 triệu người đang sinh sống trong cảnh nô lệ, bị cưỡng bức lao động hoặc bị bán làm nô lệ tình dục, gần 10 nghìn ca ghép nội tạng trái phép mỗi năm. Nạn buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em trở thành vấn nạn toàn cầu, có xu hướng gia tăng ở nơi trên thế giới.
Phụ nữ và trẻ em là đối tượng bị buôn bán để làm mại dâm, bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, buộc phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Họ bị bóc lột tình dục, sức lao động hoặc bị sử dụng vào những mục đích thương mại vô nhân đạo khác.
Văn phòng Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC) cho biết trên thế giới có khoảng 510 đường dây buôn bán người và ít nhất 152 quốc gia có nạn nhân rơi vào tay các nhóm tội phạm buôn người. Nạn buôn bán người trên thế giới mỗi năm mang về lợi nhuận 150 tỷ USD cho các tổ chức tội phạm.
Mới đây, dự án mang tên Freedom của kênh truyền hình Mỹ CNN vừa công bố một phóng sự điều tra nạn buôn bán người nhập cư từ Nigeria qua Libya tới châu Âu. Cảnh mua bán người đã gây xúc động mạnh mẽ, kèm với đó là sự phẫn nộ vì phóng sự trên CNN khiến người ta liên tưởng tới chợ mua bán người da đen ở châu Phi làm nô lệ vài trăm năm trước.
Những “phiên chợ” mua bán nô lệ ở châu Phi tái xuất hiện bởi đất nước Lybia với vị trí địa lý nằm ở phía Bắc châu Phi, song đầy phức tạp và bất ổn thời hậu Muammar Gaddafi đã trở thành điểm tập kết cuối cùng của dòng người tị nạn từ nhiều quốc gia châu Phi để xuống tàu thuyền vượt Địa Trung Hải tới “miền đất hứa” châu Âu.
Không ít trong số những người tị nạn này đã không may rơi vào tay những kẻ buôn người và trở thành các “món hàng” bị mua đi bán lại trong các chợ mua bán nô lệ ở Lybia. Nhóm phóng viên CNN cũng đã trao các bằng chứng cho chính quyền Nigeria. Họ hy vọng sẽ giúp được các phụ nữ trẻ Nigeria khỏi bị lừa đến giấc mơ châu Âu.
Trẻ em cũng chiếm khoảng 60% số nạn nhân bị buôn bán tại khu vực châu Phi và Trung Đông. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin những người di cư bị mua bán làm nô lệ ở Libya, đồng thời kêu gọi công lý cho các nạn nhân. HĐBA LHQ kêu gọi các nhà chức trách điều tra việc này ngay lập tức và trừng trị các thủ phạm.
Một trong những chiến dịch chống tội phạm lớn nhất
Một đường dây mại dâm quy mô chuyên tuyển các cô gái từ châu Âu, châu Á và Trung Quốc đại lục do tổ chức tội phạm khét tiếng là Hội Tam Hoàng điều hành vừa bị cảnh sát Hongkong (Trung Quốc) triệt phá đầu tháng 4/2018. Đây được xem là một trong những chiến dịch chống tội phạm lớn nhất từ trước tới nay của chính quyền xứ Hương Cảng.
Chánh thanh tra Ho Shun Wing tiết lộ điều tra ban đầu cho thấy đường dây mại dâm này đã hoạt động ít nhất được 6 tháng và thu hơn 2 triệu đô la Hongkong mỗi tháng (hơn 255.000 USD). Cảnh sát Hongkong đã tung sĩ quan chìm trà trộn vào đường dây tội phạm này từ tháng 12/2017. Sau 3 tháng thu thập bằng chứng, hơn 100 sĩ quan cảnh sát và nhân viên cơ quan nhập cư được triển khai đột kích đồng loạt các địa điểm.
Tổng cộng có 14 đàn ông và 61 phụ nữ tuổi từ 19 đến 64 bị bắt. Cảnh sát thu được số tiền mặt 380.000 đô la Hongkong và nhiều camera theo dõi. Thống kê cho thấy phần lớn gái bán dâm đến từ Trung Quốc đại lục và các nước Đông Nam Á. Các điều tra viên cho hay, các nhóm buôn người thường hứa hẹn về cuộc sống giàu sang nhằm đánh trúng tâm lý của những cô gái nhẹ dạ.
Khi tới Hongkong, họ bị tịch thu hộ chiếu và bị gán nợ tại các nhà thổ. Do vậy, cảnh sát Hongkong ngày càng chủ động, tăng cường nhận diện nạn nhân buôn người được ngụy trang dưới vỏ bọc người nhập cư, giúp việc gia đình hay trẻ em trong các nhà chứa.
Một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc đã bàn về sự bùng nổ nạn buôn bán trẻ em ở nước Anh phục vụ mại dâm. Kristen Sandberg - Người đứng đầu Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em, cho biết: “Hàng trăm trẻ em đã bị bắt cóc từ gia đình ở châu Phi và bán sang Vương quốc Anh, đặc biệt là London. Nhiều trẻ em bị hãm hiếp và lạm dụng tình dục”.
Hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi cho trẻ em ở Anh đang là “nam châm” thu hút tội phạm buôn người. Thomas, một thành viên của cộng đồng Congo tại London cho hay, thủ đoạn kiếm tiền phúc lợi như sau, một đứa trẻ được đưa vào Anh và được làm giấy tờ giả mạo để xin trợ cấp của Chính phủ Anh.
Báo cáo của Trung tâm chống lạm dụng và bảo vệ trẻ em trực tuyến (CEOP) thừa nhận rằng, buôn bán trẻ em vào Anh để kiếm tiền từ phúc lợi xã hội có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê của cơ quan này thì số tiền phúc lợi xã hội mà Chính phủ Anh bị “thâm hụt” vì tội phạm buôn bán trẻ em đã lên tới hơn 3, tỷ USD.
Hợp tác chống nạn buôn người
Thực tế nạn buôn người ảnh hưởng rất lớn, không một quốc gia riêng rẽ nào có thể giải quyết được mà cần sự phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Việc đấu tranh chống nạn buôn người được các quốc gia, các tổ chức trên toàn cầu hưởng ứng mạnh mẽ.
Tịch thu nguồn lợi nhuận bất hợp pháp ước tính lên tới 150 tỷ USD/năm của các tổ chức buôn người để đền bù cho các nạn nhân cần được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của các chính phủ nhằm giải quyết tận gốc loại hình tội phạm này. Đây là đề xuất được đưa ra tại một hội nghị quốc tế về chống buôn người của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra ngày 23/4/2018 tại thủ đô Vienna của Áo.
Các đại biểu tham dự hội nghị lần thứ 18 của Liên minh Chống buôn người thuộc OSCE cho rằng hầu hết các chính phủ đều chưa chú trọng vấn đề bồi thường cho các nạn nhân của tình trạng buôn người.
Điều phối viên châu Âu thuộc Tổ chức Chống tình trạng nô lệ quốc tế Klara Skrivankova nhận định bồi thường cho các nạn nhân không chỉ nhằm hỗ trợ họ mà còn là biện pháp then chốt nhằm trừng phạt những đối tượng buôn bán người cùng với các án tù giam. Hội nghị chống buôn người của OSCE được tổ chức trong bối cảnh các nước trên thế giới ngày càng nâng cao nhận thức về tình trạng buôn bán người.