pnvnonline@phunuvietnam.vn
Niềm vui thoát khỏi liệt 2 chân
Cán bộ y tế BV E Trung ương hướng dẫn bệnh nhân Nguyễn Thị Hường tập phục hồi chức năng
Mới đây, chị Nguyễn Thị Hường* (44 tuổi, ở Hải Hòa, Hải Hậu, Nam Định) được đưa đến BV E Trung ương khám vì yếu tái phát 2 chi dưới, rối loạn đại tiểu tiện, mắt nhìn mờ... Theo người nhà của chị Hường, cách đây 6 tháng, chị bị tê hai chân lên đến rốn, yếu dần hai chân. Chị được đưa đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện tuyến huyện nhưng không đỡ. Sau đó, bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị tiếp. Khoảng thời gian sau, người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng liệt hai chân không cử động được, nhìn mờ, bí tiểu... và được chuyển lên BV E Trung ương.
Tại Bệnh viện E, người bệnh được chuyển vào khoa Phẫu thuật thần kinh, các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết. Sau khi loại trừ các nguyên nhân do mắc khối u hoặc do chấn thương, các bác sĩ nghĩ đến người bệnh mắc một loại bệnh tự miễn nào đó gây nên tổn thương này. Do đó, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ của khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, xác định, người bệnh mắc bệnh viêm tủy thị thần kinh trên nền bệnh lý lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực và chống độc để lọc máu và điều trị coticoid liều cao. Sau 1 tuần, bệnh tình chị Hường cải thiện nên được chuyển xuống khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu tiếp tục điều trị theo phác đồ của căn bệnh viêm tủy thị thần kinh và tiến hành phục hồi chức năng.
Khai thác tiền sử bệnh án, các bác sĩ phát hiện, chị Hường được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ và viêm tủy thị thần kinh cách đây 10 năm nhưng không điều trị thường xuyên, khiến bệnh tái phát nhiều lần. Vì thế, căn bệnh này từng gây ra các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, bệnh nhân đã điều trị thuốc lao trong 8 tháng mà không đỡ. Sau đó, chị Hường bị giảm thị lực 2 mắt và nhìn mờ, đôi lúc không còn nhìn thấy vật xung quanh. Gần đây, bệnh tái phát với triệu chứng đột ngột tê hai chân đến rốn, yếu dần hai chân, sau đó chỉ cử động được đầu ngón chân…
Bệnh có thể tái phát nên cần điều trị dự phòng
Theo ThS, bác sĩ nội trú Nguyễn Lê Hà, khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu (BV E Trung ương), viêm tủy thị thần kinh hay các rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh là bệnh tự miễn gây viêm hủy myelin của hệ thần kinh trung ương, thường gây tổn thương dây thần kinh thị giác và tủy sống. Bệnh tiến triển từng đợt với nhiều di chứng nặng nề về cảm giác, vận động, thị lực, rối loạn đại tiểu tiện tích lũy theo thời gian, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và có thể gây suy hô hấp, tử vong. Trong đợt cấp tính triệu chứng tiến triển nhanh đạt đỉnh trong vài ngày, sau đó chỉ khoảng 1/3 bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân Hường còn được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống. Sự phối hợp 2 bệnh lý viêm tủy thị thần kinh và lupus trên cùng một bệnh nhân rất hiếm gặp (tỷ lệ khoảng 1/5 triệu người).
Hiện vẫn chưa có nhiều người biết về căn bệnh trên. Triệu chứng đặc trưng của viêm tủy thị thần kinh là viêm thị thần kinh hoặc viêm tủy. Viêm thị thần kinh là viêm dây thần kinh thị giác, gây đau nhức trong mắt, đau tăng khi cử động mắt và thường tiến triển nhanh tới giảm thị lực hoặc mù lòa. Triệu chứng thông thường khởi phát từ 1 mắt, tuy nhiên cũng có thể xảy ra đồng thời cả 2 mắt hoặc tiến triển từ một bên sang 2 bên.
Viêm tủy thường gây ra triệu chứng về vận động. Người bệnh có thể đau lưng, liệt 2 chân hoặc liệt tứ chi, kèm tê bì giảm cảm giác hoặc đau các chi, bí tiểu và đại tiện; buồn nôn, nôn hoặc nấc. "Để việc điều trị đạt được hiệu quả, thời gian phát hiện bệnh sớm rất quan trọng. Điều quan trọng nữa là bệnh lý này có thể tái phát ở một số bệnh nhân nên việc điều trị dự phòng là rất cần thiết", ThS Hà nhấn mạnh.
Đến nay, sau 1 thời gian điều trị tại BV E Trung ương, từ người liệt 2 chi dưới, mắt mờ, chị Hường đã có thể đi lại, mắt nhìn thấy được và tự chăm sóc bản thân. Không chỉ chị Hường mà cả người thân cũng không giấu được niềm vui vì chị thoát khỏi căn bệnh này. Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc BV E Trung ương, việc chẩn đoán và điều trị thành công ca bệnh này nhờ có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: thần kinh, hồi sức tích cực và chống độc, dị ứng miễn dịch và da liễu, phục hồi chức năng… cũng như sự kết hợp nhuần nhuyễn của đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi